Dựa vào các dữ liệu vệ tinh, nhóm chuyên gia của NASA nhận thấy mực nước biển trên thế giới hiện nay đã dâng cao 7,6 cm so với năm 1992. Nhóm chuyên gia cho biết nước biển dâng do ba nguyên nhân: đại dương giãn nở (do nhiệt độ nước biển tăng); các khối băng ở các cực của địa cầu tan, các núi băng tan.
Họ ghi nhận các khối băng ở Nam cực và đảo Greeland, nằm gần Bắc Cực đang tan chảy với tốc độ nhanh chưa từng thấy, trong khi đó, các đại dương đang nóng lên và giãn nở nhanh hơn.
Máy bay DC-8 của NASA bay qua khối băng Brunt Ice Shelf ở Nam cực. Dữ liệu vệ tinh của NASA cho thấy các khối băng tại Nam cực đang ngày càng mỏng đi. Ảnh: NASA
Trong thập kỷ qua, trung bình mỗi năm có 303 tỷ tấn băng tan chảy ở Greenland. Các khối băng ở Nam Cực cũng đang tan chảy với khối lượng 118 tỷ tấn/năm. Điều làm các chuyên gia lo ngại là nếu có một vụ lở băng lớn ở các cực của địa cầu, mực nước biển có thể tăng nhanh hơn dự kiến của họ.
Ông Michael Freilich, Giám đốc Bộ phận Khoa học Địa cầu của NASA cho biết tình trạng nước biển dâng cao ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới vì đang có hơn 150 triệu người (phần lớn ở châu Á) sống ở các khu vực có độ cao hơn mực nước biển trong vòng một mét.
Ông cảnh báo các vùng đất thấp như TP Tokyo (Nhật), Singapore, bang Florida (Mỹ) và một số quốc đảo ở Thái Bình Dương có nguy cơ bị nhấn chìm khi nước biển dâng cao thêm một mét nữa.