Với nhu cầu của người dân như hiện nay, thị trường máy lạnh Ấn Độ được dự kiến sẽ bùng nổ từ 30 triệu máy lên đến 1 tỉ máy trong năm 2050. Quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới này có thể sẽ trở thành nơi tiêu thụ điện nhiều hàng đầu thế giới cho việc làm mát.
Ấn Độ là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về phát thải khí nhà kính. Việc tiêu thụ 800 triệu tấn than mỗi năm và sự bùng nổ của thị trường điều hòa sẽ khiến họ phải tăng gấp 3 sản lượng điện để đáp ứng nhu cầu. Nhưng đối với hàng trăm triệu người dân Ấn Độ đang phải chịu đựng cái nóng như thiêu đốt gây chết người trong mùa hè thì máy điều hòa như món quà trời ban vậy.
Trong năm 2016 - năm nóng kỷ lục của Trái đất, nhiệt độ ở thị trấn Phalodi của Ấn Độ tăng lên tới 51 độ C - mức nhiệt cao nhất mà Ấn Độ từng ghi nhận. Cái nóng khủng khiếp có thể làm tan chảy cả nhựa đường và gây nguy hại tới cuộc sống hàng triệu người, trong đó gần 2.500 nạn nhân chết vì say nắng trong năm 2015.
Hiện tại, chỉ có khoảng 5% hộ gia đình Ấn Độ có điều hòa, khác với tỉ lệ 90% của Mỹ và 60% của Trung Quốc. Nhưng thị trường điều hòa của Ấn Độ đang bùng phát nhanh chóng, với mức tăng trưởng lên tới 2 con số trong thập kỷ vừa qua khi thu nhập trung bình của người dân tăng cùng với nguồn cung điện đáng tin cậy hơn.
“Nó không còn là mặt hàng xa xỉ nữa mà là sản phẩm cấp thiết cho cuộc sống. Điều hòa tăng năng suất và tuổi thọ con người” - Kanwal Jeet Jawa, người đứng đầu Công ty sản xuất Daikin của Nhật tại Ấn Độ trao đổi. Ông cho biết nhà máy ở Rajasthan sản xuất ra 1,2 triệu chiếc điều hòa mỗi năm.
Trớ trêu thay, con người càng cố sống trong sự mát mẻ, các chất làm lạnh trong máy điều hòa và lượng điện năng cần thiết để vận hành máy càng làm trầm trọng thêm sự nóng lên toàn cầu. Không chỉ vậy, các nghiên cứu bao gồm cả của Tổ chức Y tế thế giới WHO và UN-Habitat cho thấy, các động cơ tạo nhiệt bên trong máy lạnh cũng làm tăng nhiệt độ ở các khu vực thành thị.
Với nhu cầu sử dụng càng ngày càng tăng, lượng điện năng tiêu thụ toàn cầu bởi máy lạnh có thể sẽ tăng lên gấp ba lần trong năm 2050, đòi hỏi công suất điện tương đương với tổng công suất điện của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế cho biết.
Ấn Độ đang sản xuất 2/3 lượng điện từ than và khí đốt. Bất chấp các kế hoạch đầy tham vọng về năng lượng tái tạo, quốc gia này vẫn sẽ còn phải phụ thuộc vào hydrocarbon trong nhiều thập kỷ tới.
Một hy vọng là có thể người Ấn Độ sẽ chọn các loại máy lạnh tiết kiệm năng lượng nhiều hơn và các nhà sản xuất như Daikin sẽ phát triển chúng thay vì máy lạnh công nghệ cũ. Nhưng tất nhiên, công nghệ mới thì sẽ đắt hơn và những người Ấn Độ sở hữu điều hòa thường rất chậm trong việc nâng cấp sang công nghệ mới, một phần do văn hóa ưa sửa chữa lại đồ cũ hơn là mua đồ mới.
Vào tháng 6 vừa qua, chính phủ Ấn Độ đã ban hành một khuyến cáo tới các nhà sản xuất điều hòa rằng, hãy thiết lập nhiệt độ mặc định của máy ở mức 24 độ C để tiết kiệm điện và giảm phát thải khí. Nhưng hiện nay, biện pháp này vẫn chưa mang tính bắt buộc và với nhiều ý kiến phản đối thì không rõ kế hoạch có thể hiệu quả tới mức nào.