Những viên đá cuội thô sơ, nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của các cô giáo Trường Mầm non Điền Trung, huyện miền núi Bá Thước đã trở thành những bức bích họa, đồ dùng học tập trực quan vô cùng sinh động.
“Thổi hồn” vào những viên đá vô tri
Đây là ý tưởng độc đáo của các cô giáo Trường Mầm non Điền Trung (huyện Bá Thước). Trong năm học mới, khoảng sân của ngôi trường vùng cao này trở nên nổi bật với những bức bích họa làm bằng đá cuội, vỏ hến... được gắn và trang trí trên bồn cây cảnh, tường bao quanh sân...
Đá trang trí có nhiều kích cỡ khác nhau, nhỏ nhất cũng bằng ngón tay, cỡ lớn bằng chiếc bàn học sinh. Kiểu dáng cũng rất đa dạng, phía bên mặt đá được trang trí phong cảnh với nhiều chủ đề khác nhau, như thắng cảnh quê hương, di tích lịch sử, chủ đề về gia đình, động vật, thực vật...
Những viên đá cuội được trang trí sinh động không chỉ làm nổi bật không gian mà còn là đồ chơi để trẻ được trải nghiệm, khám phá cũng là dụng cụ để dạy học trực quan cho hàng trăm học sinh của nhà trường.
Theo cô Nguyễn Thị Vinh, Hiệu trưởng nhà trường thì với nhiều gia đình sinh sống ở xã Điền Trung, nguồn thu nhập chủ yếu đến từ các loại nông sản được thu hoạch sau mỗi mùa vụ. Vì vậy, công tác xã hội hóa cho giáo dục là rất khó khăn.
Ngoài các con vật ngộ nghĩnh, trên mỗi viên đá cuội còn tích hợp cả chữ cái và con số. Ý tưởng này vừa kích thích hứng thú vừa tăng cường tiếng Việt cho trẻ. |
Xuất phát từ thực tiễn, nhà trường đã tận dụng những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, gồm: Tre, luồng, đá cuội... thậm chí là phế phẩm như lõi ngô, vỏ hến hay miếng xốp bọc trái cây để biến hóa thành tranh bích họa, đồ chơi, dụng cụ dạy học.
Để hiện thực hóa ý tưởng, các cô giáo thường tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần ra các khe suối (cách trường 6 - 7km), để nhặt đá. Thậm chí, các cô giáo trẻ còn vượt cả quãng đường 25km tới xã Hạ Trung (huyện Bá Thước) để tìm nhặt những viên đá cuội thích hợp.
“Sau khi nhặt đá về, các cô giáo lọc ra theo bộ, rửa sạch rồi phơi khô và lên ý tưởng cho những viên đá cuội ấy. Ý tưởng sẽ theo chủ đề khác nhau, như thực vật, động vật, danh lam thắng cảnh... Thông thường các cô sẽ chọn những viên đá có hình thù tương tự nhất để có thể dễ dàng tạo hình”, cô Vinh chia sẻ.
Đá sau khi được phơi khô, giáo viên sẽ sơn nền và vẽ theo chủ đề cụ thể. Thời gian hoàn thành cũng tùy thuộc vào chủ đề thực hiện. Trong mỗi viên đá, các cô giáo có thể vẽ mô phỏng danh lam thắng cảnh nổi tiếng của địa phương. Với chủ đề về con vật, các “họa sĩ” sẽ vẽ thêm hoặc bớt các con vật trong phạm vi 10, để tích hợp dạy học cho trẻ.
“Dù không đếm chính xác, nhưng ước lượng cũng phải cả nghìn viên đá cuội được các cô giáo nhặt về từ các khe suối. Trong quá trình thực hiện ý tưởng, tôi không nghĩ các cô giáo lại khéo tay đến vậy. Tự tay mình tạo ra sản phẩm, nên các cô cũng rất hăng say, vui vẻ. Thông qua hoạt động này, phụ huynh cũng nhìn ra được tầm quan trọng về đồ chơi, dụng cụ dạy học cho trẻ ở bậc học mầm non”, cô Vinh tâm sự.
Tham gia vào những chuyến đi tìm nhặt đá cuội, cô giáo Cao Thị Trang (Trường Mầm non Điền Trung) chia sẻ, việc nhặt đá cuội cũng đòi hỏi phải có thời gian quan sát, lựa chọn tỉ mỉ những viên đá thực sự phù hợp. Dù đôi lúc khá mệt, song ai cũng hứng thú vì có thể tạo ra môi trường học tập cho trẻ từ chính những nguyên liệu thô sơ sẵn có trong tự nhiên.
“Với những bức tranh đơn giản có chữ cái hoặc các con số, chúng tôi thường cho trẻ cùng tham gia để các con được trải nghiệm. Trong khi với những bức tranh cầu kỳ, có độ khó cao, thông thường giáo viên sẽ tự hoàn thành”, cô Trang chia sẻ.
Tranh bích họa về địa danh bãi đá làng Son (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) được thực hiện bởi các cô giáo Trường Mầm non Điền Trung. |
Trẻ được thỏa sức khám phá, sáng tạo
Ngoài đá cuội, giáo viên Trường Mầm non Điền Trung còn biến phế phẩm nông nghiệp, như: Lõi ngô, vỏ bắp ngô, rơm rạ phơi khô, vỏ hến hay miếng xốp đựng trái cây... để làm dụng cụ dạy học và đồ chơi cho trẻ.
Cụ thể, vỏ của bắp ngô được các cô trang trí thành những bông hoa dâm bụt rực rỡ. Trong khi, vỏ hến lại được biến hóa thành những đóa hoa đào tươi thắm. Miếng xốp đựng trái cây cũng được tạo hình thành những quả cam xinh xắn... Tất cả được hoàn thiện bởi đôi bàn tay khéo léo của những “họa sĩ” bất đắc dĩ nhưng yêu nghề, thương trẻ.
“Khi thổi hồn vào những viên đá, các bé tỏ ra vô cùng hứng thú, bởi không gian rất nổi bật, sinh động. Đồng thời, trẻ có thể tìm hiểu, khám phá về thế giới động, thực vật hoặc danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở địa phương và trên cả nước”, cô Vinh nói.
Cũng theo cô Vinh, kinh phí để biến những viên đá cuội, phế phẩm nông nghiệp thành đồ dùng học tập cho trẻ gần như không đáng kể. Nhà trường tiết kiệm chi tiêu để mua sơn và cọ vẽ, đồng thời huy động thêm phụ huynh góp nguyên liệu chủ yếu là tre, luồng, lõi ngô sẵn có trong tự nhiên.
“Với ý tưởng này, chúng tôi có thể khai thác rất nhiều hoạt động để kích thích hứng thú học tập cho trẻ. Trên mỗi bức tranh về thực vật, động vật... đều gắn các chữ cái và những con số giúp trẻ có thể quan sát, khám phá khoa học. Bên cạnh đó, còn có thể tăng cường tiếng Việt cho trẻ vừa giúp các bé sáng tạo ra câu chuyện của riêng mình”, cô Vinh bộc bạch.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Điền Trung cho biết thêm, hoạt động này cũng là dịp để khơi dậy sức sáng tạo của giáo viên nhà trường và là nguồn để bổ sung thêm đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ.
Năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non Điền Trung có 19 nhóm lớp với tổng cộng 420 trẻ. Nhà trường có 39 cán bộ, giáo viên, trong đó có 3 cán bộ quản lý, 1 nhân viên và 35 giáo viên đứng lớp. Ngôi trường mầm non vùng cao này đang phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia mức độ 2 năm 2023 và nhận Huân chương Lao động hạng 3 vào năm 2025.
“Đây là ý tưởng rất sáng tạo của các cô giáo khi vận dụng linh hoạt những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Từ đó, tạo ra môi trường học tập thân thiện, lấy trẻ làm trung tâm. Bên cạnh đó, vừa giáo dục cho các con về truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương vừa tăng cường tiếng Việt cho trẻ”, ông Nguyễn Cơ Thạch - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước.