Năm 2015, cô sinh viên năm cuối Nguyễn Thị Hảo, cùng với 2 bạn nữa góp tiền mua mấy dụng cụ cầm tay làm mộc, khởi đầu là đóng chậu trồng cây, sân vườn cho trường mầm non rồi cả dự án từ thiện làm sân chơi cho trẻ em vùng cao.
Được tiếp xúc, làm việc và chơi cùng những bạn nhỏ, cô dần nhận ra rằng đồ chơi trong mắt tụi nhỏ là một thứ gì đó hết sức đơn giản và bình dị, chúng cần sự sáng tạo, sự đơn giản mộc mạc nhưng giàu cảm xúc hơn là những món đồ nhựa hay đồ sản xuất công nghiệp hàng loạt.
Năm 2020, thời gian đầu của dịch Covid-19, công ty cho làm online tại nhà, có nhiều thời gian rảnh nên cô bắt đầu lấy dụng cụ ra làm đồ cho con như thường lệ, và đưa những sản phẩm tự mình làm lên mạng xã hội, lại có rất nhiều mẹ đặt làm giúp, càng làm càng thấy ham và có nhiều ý tưởng mới hơn với nhiều đơn đặt hàng hơn nên cô bắt đầu việc sản xuất những sản phẩm đồ chơi cho bé từ những mẩu gỗ vụn, mỗi loại nguyên vật liệu lại được nghĩ làm thành công dụng riêng sao cho phù hợp với hình dáng và tính chất gỗ.
Những loại gỗ thịt tốt như lim, xà cừ, đinh, hương… mà xin ở xưởng mộc thì không cần phải xử lý gì nhiều, chỉ cần mài nhẵn bề mặt và góc cạnh để trẻ chơi an toàn thôi, còn để mộc 100%, các bé cầm nắm thậm chí cắn gặm thoải mái mà không lo.
Còn các loại gỗ khác như thông, nhãn dễ mốc thì thường xử lý phơi khô, sau đó quét thêm 1 lớp sơn gốc nước chuyên dụng cho làm hàng xuất khẩu để bảo vệ bề mặt gỗ mà vẫn an toàn cho trẻ.
Hiện nay, khách hàng mua những sản phẩm đồ chơi từ việc tái chế gỗ của Hảo chủ yếu là trường mầm non mua làm giáo cụ trực quan dạy cho trẻ, phụ huynh mua cho bé và số ít là giới trẻ mua trang trí nhà cửa. Giá trung bình các sản phẩm dao động từ 50 - 300 nghìn/món.