Biến 'rác' vỏ bưởi thành tiền

GD&TĐ - Tận dụng vỏ bưởi phế phẩm, ông Võ Bửu Lợi (Giám đốc sản xuất Công ty Thủy Mộc Việt) đã sáng chế quy trình tách chiết tinh dầu bưởi hiệu suất cao, đem lại giá trị cao cho người trồng bưởi.

Ông Võ Bửu Lợi hướng dẫn thao tác vận hành cho đại diện Hợp tác xã Bưởi da xanh Tân An - Long An.
Ông Võ Bửu Lợi hướng dẫn thao tác vận hành cho đại diện Hợp tác xã Bưởi da xanh Tân An - Long An.

Tận dụng vỏ bưởi thải bỏ

Ông Võ Bửu Lợi chia sẻ, theo y học cổ truyền, vỏ bưởi có vị đắng, cay, thơm, tính bình, có tác dụng trừ phong, hóa đờm, tiêu báng tích, tiêu phù thũng. Trong dân gian, người ta thường dùng vỏ bưởi, lá bưởi kết hợp với một vài loại lá khác có chứa tinh dầu như sả, chanh, khuynh diệp... để nấu nước xông giải cảm, hoặc lấy cùi trắng bên trong của vỏ bưởi để chế biến món ăn như, nấu chè, bóp gỏi, làm nem chay... Nhiều nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh tinh dầu chiết xuất từ vỏ bưởi rất có ích cho cuộc sống hàng ngày.

Thống kê của Cục Trồng trọt cho thấy, cả nước có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 950.000 tấn. Nguồn vỏ bưởi thải ra ở các cơ sở bóc tách múi bưởi, các tiệm bưởi ép… là rất nhiều. Đó là chưa kể đến nguồn bưởi non từ các nhà vườn hay hợp tác xã (trung bình mỗi vườn bưởi diện tích 1 ha có thể thải ra 300 - 500kg trái bưởi non/ngày). Để tận dụng nguồn phế phẩm vỏ bưởi, ông đã nghĩ cách làm ra quy trình công nghệ sản xuất tinh dầu bưởi.

“Vỏ bưởi Việt Nam rất nhiều. Từ nguồn vỏ thải ra ở các cơ sở bóc tách múi, các tiệm bưởi ép; các nhà vườn thì có nguồn bưởi non. Ngày đầu khởi nghiệp, vỏ bưởi này tôi đi xin để tiết giảm chi phí. Sau này, công ty ký hợp đồng thu mua với giá 1.000 đồng/kg để bên bán có trách nhiệm phân loại, giữ sạch nguyên liệu giúp công ty chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đầu vào”, ông chủ thương hiệu Thủy Mộc Việt bày tỏ.

Ông Lợi cho biết, quy trình này rất thích hợp với các nhà vườn, hợp tác xã có nguồn vỏ và bưởi non dồi dào. Thiết bị dùng trong quy trình cũng rất dễ sử dụng. Với 1 tấn vỏ bưởi, nhà vườn có thể thu được 4 - 5kg tinh dầu bưởi. Thiết bị chưng cất hoạt động rất tiết kiệm điện, không tốn hao nhiều nhân công, là giải pháp phù hợp để tăng thêm thu nhập cho các hộ nông dân và hợp tác xã.

Thiết bị chưng cất tinh dầu đa nguyên liệu với dung tích chứa 20 - 250kg nguyên liệu và thời gian chưng cất chỉ khoảng 2 giờ mỗi mẻ cất, hoạt động theo nguyên lý tận dụng tối ưu quy trình dùng hơi nước hóa hơi với nhiệt độ 100°C với nồi nấu 2 lớp inox bền nhiệt. Tinh dầu không tan trong nước, tách lớp, dễ thu hồi. Thiết bị có khả năng thu nước hồi lưu (bay hơi khi đun), nên buồng đốt không hụt nước nhiều. Chỉ khi đun nhiều, liên tục thì mới gặp tình trạng bị hụt nước, cần châm thêm.

Năm 2022, ông Lợi đã cung ứng thiết bị và hướng dẫn quy trình vận hành cho 2 hợp tác xã (Hợp tác xã Bưởi da xanh Tân An - Long An, Hợp tác xã liên minh công nông nghiệp công nghệ và môi trường Thái Dương), một số phòng thí nghiệm để tiến hành chưng cất tinh dầu từ nguồn nguyên liệu là phế phẩm trong nông nghiệp (vỏ bưởi, vỏ cam...).

Ứng dụng tách tinh dầu sả, chanh…

Ông Võ Bửu Lợi cho biết, quy trình sản xuất tinh dầu bưởi từ vỏ trái được tiến hành qua các bước đơn giản. Vỏ bưởi là nguồn nguyên liệu chính trong quy trình. Đối với trái bưởi non cần gọt vỏ xanh (khoảng 500kg trái bưởi non cho 100kg vỏ bưởi). Sau đó, dùng nước máy để rửa sạch tạp chất bám trên vỏ. Rửa 2 - 3 lần cho đến khi sạch tạp chất thì tiến hành xay vỏ bưởi bằng máy đa năng. Cho vỏ bưởi xay chung với nước theo tỷ lệ 20kg nguyên liệu vỏ với 60 lít nước rồi chưng cất. Vận hành máy chưng cất tinh dầu đa nguyên liệu (tùy theo sản lượng vỏ mà chọn loại máy có năng suất tương ứng).

Tỷ lệ thu hồi tinh dầu có thể đạt được 120 - 150ml dung dịch tinh dầu mỗi 20kg vỏ bưởi sau 2 giờ chưng cất. Phân ly tách nước dung dịch tinh dầu bằng phễu lọc 500ml, cuối cùng cho dung dịch tinh dầu qua muối khan Na2SO4 theo tỷ lệ 1 lít tinh dầu thì dùng 5g muối khan. Thành phẩm tinh dầu bưởi được chứa trong chai thủy tinh tối màu, bảo quản nơi khô ráo.

Ông Võ Bửu Lợi cho biết, do thiết bị vận hành đơn giản nên việc chuyển giao cho nông dân, hợp tác xã, viện nghiên cứu và trường đại học – cao đẳng để sinh viên thực tập rất dễ dàng và nhanh chóng. Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) đang phối hợp cùng Công ty Thủy Mộc Việt triển khai tư vấn và chuyển giao công nghệ, thiết bị cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn… có nhu cầu.

Hiện nay, tùy theo năng lực sản xuất của khách hàng, Công ty Thủy Mộc Việt có sẵn nhiều mẫu thiết bị như 1.000 lít dùng cho các HTX có vùng nguyên liệu lớn, 120 lít cho các phòng thí nghiệm và 30 lít dành cho hộ gia đình. Trường hợp không có vỏ bưởi, thiết bị có thể chưng cất được nhiều loại nguyên liệu khác như vỏ cam, vỏ chanh, lá tràm, lá sả, củ gừng, củ tỏi…

“Các HTX, nông hộ chỉ cần trả trước một phần giá trị máy, sau đó “trả góp” bằng sản phẩm là tinh dầu. Hiện nay, công ty đang cần thêm nhiều vệ tinh sản xuất tinh dầu để tăng khả năng cung ứng ra thị trường, đặc biệt là các đơn hàng sỉ. Do đó, năm nay công ty sẽ đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và mở rộng vùng nguyên liệu” – ông Lợi nói với dự định cho năm 2022.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ