Ngăn sốt xuất huyết trong trường học

Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị. Vì vậy, phụ huynh không được chủ quan, đặc biệt trong điều kiện nắng mưa thất thường cần chú ý theo dõi tránh để trẻ bị sốc khi mắc bệnh.

Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết

Số ca bệnh tăng vọt

Thông thường, hàng năm bắt đầu mùa mưa vào khoảng tháng 6 mới là “mùa sốt xuất huyết” nhưng từ cuối tháng 4 năm nay, bệnh đã bắt đầu tăng nhanh và đáng lo là diễn tiến cũng nặng hơn. Đặc biệt, chỉ 2 tháng nay, số trẻ bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ tăng vọt, số ca diễn tiến nặng nhiều hơn so với cùng kì.

Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, có thể gây thành dịch. Virus Dengue xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh. Sốt xuất huyết xuất hiện không ổn định phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời tiết, khí hậu, lượng mưa.

Dịch sốt xuất huyết ở nhiều vùng của nước ta đang có chiều hướng gia tăng và bùng phát dữ dội. Nhiều chuyên gia nhận định có thể dịch sẽ lên đỉnh từ giữa năm. Đây là bệnh lý có thể gây ra những biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí còn dẫn đến tử vong.

Đặc biệt, bệnh thường bùng phát mạnh vào khoảng thời gian trong và ngay sau mùa mưa ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cụ thể như châu Phi, Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, khu vực Caribe, Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Úc và Tây Nam Thái Bình Dương.

Ở Việt Nam, bệnh lưu hành phổ biến ở cả 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là từ tháng 7 đến tháng 10. Vì vậy, thời điểm số ca sốt xuất huyết tăng vọt vào cuối tháng 4 là lời cảnh báo dịch có thể bùng phát mạnh mẽ thời gian tới.

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 tuýp này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp nên có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những tuýp khác nhau.

Khi bị sốt xuất huyết và đã hồi phục, cơ thể sẽ có miễn dịch kháng lại virus gây bệnh. Tuy nhiên, kháng thể này không bền vững, nó chỉ tồn tại một thời gian không dài. Vì vậy, ai cũng vẫn có thể bị sốt xuất huyết Dengue nếu lại bị muỗi truyền bệnh. Do đó, điều quan trọng nhất là cần xác định những dấu hiệu của sốt xuất huyết và điều trị kịp thời.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sốt xuất huyết là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu và được WHO đánh giá là một trong những bệnh do vật trung gian truyền bệnh nguy hiểm nhất.

Kể từ khi được phát hiện vào những năm 50 của thế kỷ trước, sốt xuất huyết liên tục lan rộng ra các quốc gia. Bệnh đã lưu hành trên 100 quốc gia với hàng trăm triệu ca mắc mỗi năm, đặc biệt số người mắc đã tăng tới 30 lần trong 50 năm qua.

Nguy hiểm như thế nào?

Tự ý uống hạ sốt liên tục, uống kháng sinh là sai lầm khá phổ biến khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Nguyên nhân là bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra, không phải vi khuẩn. Do đó, kháng sinh không có tác dụng điều trị bệnh này.

Ngoài ra, người bệnh cần có chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và vitamin C, uống nhiều nước và nghỉ ngơi, tránh ăn đồ nhiều dầu mỡ, khó tiêu. Duy trì điều trị và theo dõi trong khoảng 12 ngày, người bệnh có thể quay lại cơ sở y tế để tái khám và nếu không xảy ra biến chứng bất thường có nghĩa là bệnh đã khỏi - Bác sĩ Nguyễn Thanh Mai.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Mai (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh ở dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột và tử vong.

Nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như tiểu cầu hạ. Biến chứng này không khiến cho người bệnh sốt cao hay mệt mỏi nhiều nên khó nhận biết. Đến khi người bệnh diễn tiến xuất huyết trầm trọng thì bệnh đã chuyển biến giai đoạn 2.

Sốt xuất huyết cũng có thể khiến cô đặc máu. Việc máu bị cô đặc sẽ dẫn đến các hệ lụy khác như mệt mỏi, đau nhức toàn thân, sốt cao và đầu óc lơ mơ, buồn nôn không tỉnh táo.

Đối với trẻ em, sốt xuất huyết có thể gây những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Đó là thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc sốt xuất huyết.

Trẻ cũng có thể bị chảy máu cam nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng. Xuất huyết nặng có thể dẫn đến đông máu rải rác lòng mạch.

Khi sốt xuất huyết bước vào giai đoạn nguy hiểm cũng là lúc quá trình thoát mạch đưa dịch từ lòng mạch chảy ra khoảng gian bào diễn ra rất tích cực làm cho cơ thể bị suy giảm thể tích tuần hoàn. Tình trạng này có thể gây sốc do mất nước dẫn đến tử vong chỉ trong vài giờ nếu không được phát hiện và điều trị ngay.

“Hiện, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, hầu hết bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Bác sĩ sẽ điều trị các triệu chứng để hạn chế diễn tiến nặng có thể xảy ra. Những trường hợp nhiễm bệnh nhẹ có thể tự khỏi sau một tuần.

Những trường hợp nặng được điều trị chủ yếu giảm triệu chứng và kiểm soát các nguy cơ diễn biến nặng của bệnh bằng cách hạ sốt, truyền dịch và chống sốc tích cực”, bác sĩ Mai thông tin.

Cũng theo bác sĩ Mai, việc điều trị sốt xuất huyết phải tuân theo phác đồ điều trị chuẩn. Khi xác định dương tính với sốt xuất huyết, người bệnh sẽ được kê đơn điều trị tại nhà hoặc nhập viện điều trị nội trú tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Cần tránh các thuốc giảm đau có nguy cơ tăng biến chứng chảy máu như aspirin, ibuprofen và naproxen sodium.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ