Tại Myanmar, Bộ Y tế do quân đội kiểm soát báo cáo 595 ca mắc Covid-19 mới vào hôm qua khi số ca mắc hàng ngày đạt mức cao nhất kể từ khi quân đội lên nắm quyền – sự kiện khiến nhiều nhân viên y tế bỏ việc làm và chương trình chống dịch.
Số ca mắc được báo cáo tăng vọt trong tháng này, làm dấy lên lo ngại về một làn sóng dịch lớn hơn nhiều. Nhiều ca mắc mới được báo cáo gần biên giới với Ấn Độ.
Tỷ lệ xét nghiệm dương tính với virus SARS-COV-2 đã tăng lên gần 12% vào hôm qua, cao hơn nhiều so với mức từ trước khi cuộc chính biến xảy ra và gần mức đỉnh điểm hồi tháng 11/2020.
Tại Trung Quốc, trung tâm sản xuất Dongguan ở tỉnh Quảng Đông hôm qua đã tiến hành xét nghiệm Covid-19 hàng loạt và phong tỏa cộng đồng này sau khi phát hiện ca mắc đầu tiên trong đợt tái bùng phát.
Quảng Đông báo cáo 168 ca mắc từ ngày 21/5, gần 90% trong số này nằm ở thủ phủ Quảng Châu.
Indonesia báo cáo đã vượt kỷ lục về số ca mắc mới với 14.536 ca, nâng tổng số ca toàn quốc lên tới 2.004.445 ca. Trong 24 giờ qua, 294 ca tử vong cũng được ghi nhận, nâng tổng số ca tử vong toàn quốc lên 54.956 người.
Indonesia đã chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng mạnh trong những tuần gần đây sau ngày lễ Idul Fitri của tháng trước. Mặc dù nhà chức trách cấm người dân di cư về quê vào dịp này nhưng nhiều người không tuân thủ.
Tại Philippines, Tổng thống Rodrigo Duterte đe dọa sẽ bỏ tù những người từ chối tiêm vắc xin Covid-19 khi đất nước đang đối mặt với một trong những đợt bùng phát tồi tệ nhất châu Á với hơn 1,3 triệu ca mắc và hơn 23.000 ca tử vong.
“Bạn hãy chọn đi, tiêm vắc xin hoặc tôi sẽ bỏ tù bạn” – ông Duterte nói trên truyền hình hôm qua sau các báo cáo về số người tiêm vắc xin thấp tại một số điểm ở thủ đô Manila.
Tuyên bố này của ông Duterte trái ngược với các quan chức y tế của ông khi họ cho rằng tiêm vắc xin là hoạt động tự nguyện. Ông Duterte từng bị chỉ trích vì cách làm cứng rắn trong việc ngăn chặn virus corona, ông cũng không cho phép các trường học mở cửa trở lại.
Tính đến ngày 20/6, quốc gia 110 triệu dân này đã tiêm chủng cho 2,1 triệu người trong khi mục tiêu đề ra là tiêm cho 70 triệu người trong năm nay.
WHO hôm qua cho biết đang thiết lập một trung tâm chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc xin mRNA Covid-19 ở Nam Phi để có thể cho ra sản phẩm trong 9 đến 12 tháng.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra thông báo trên nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận vắc xin trên khắp lục địa châu Phi, nơi số ca mắc và tử vong đã tăng gần 40% trong tuần qua. Pfizer, BioNTech và Moderna là nhà sản xuất chính của vắc xin Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA.