Biến chủng Ấn Độ

GD&TĐ - Quốc gia đông dân thứ hai thế giới đang trở thành mối lo về Covid-19 đối với toàn cầu, khi số ca nhiễm mới liên tục tăng kỷ lục, đẩy nước này thành ổ dịch lớn thứ hai toàn cầu.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong khi đó, một biến chủng mới xuất hiện tại Ấn Độ bị nghi ngờ có khả năng vô hiệu hóa vắc-xin.

Hiện nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Susan Hopkins, Cố vấn y tế trưởng của Trung tâm Xét nghiệm và Truy vết của Cơ quan Y tế Anh, đứng đầu đang tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt sau khi phát hiện 77 ca nhiễm biến chủng nCoV mới tại nước này có nguồn gốc từ Ấn Độ. 

Điều khiến họ lo ngại nhất là các bệnh nhân nhiễm virus lại không hề có lịch sử đi lại tới Ấn Độ trong thời gian gần đây. Chi tiết này khiến giới chuyên gia nhận định có thể biến chủng từ Ấn Độ có khả năng lây lan nhanh và vượt qua các loại vắc-xin đang được tiêm tại Anh.

Trong khi đó tại Ấn Độ, tình hình Covid-19 đang trải qua những ngày nghiêm trọng chưa từng có từ đầu dịch. Trong ngày 18/4, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục với 261.500 ca. Trung bình cứ 6 người được xét nghiệm có một người dương tính với Covid-19.

Số ca nhiễm mới tăng nhanh khiến Ấn Độ hiện vượt qua Brazil để trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, với gần 14,8 triệu người nhiễm và gần 180 nghìn ca tử vong.

Điều khiến các chuyên gia y tế quốc tế lo ngại hơn cả là do dân số quá đông, hệ thống y tế quá tải khiến Ấn Độ không đủ khả năng giải mã trình tự gene của các bệnh nhân.

Việc lấy mẫu Covid-19 từ một người bệnh để giải mã gene và so sánh với mẫu virus của bệnh nhân khác vốn là hoạt động quan trọng trong chống dịch ở các nước, giúp các chuyên gia truy vết được nguồn bệnh và tổ chức cách ly hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Broad của Mỹ, hiện chỉ có khoảng 0,05% tổng số ca nhiễm tại Ấn Độ được giải mã trình tự gene, một con số quá thấp so với trung bình trên thế giới.

Hiện trạng này khiến Ấn Độ giống như “một điểm mù” trên bản đồ chống dịch thế giới, tiềm ẩn những nguy cơ không thể lường trước được đối với toàn cầu. Việc biến chủng virus có nguồn gốc từ Ấn Độ không biết bằng cách nào đang lây nhiễm tại Anh là một ví dụ như vậy.

Các nhà dịch tễ học cho biết, nếu Ấn Độ tiếp tục để tình trạng lây nhiễm ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, cộng với năng lực giải mã gene virus hạn chế và số người nhiễm mới khổng lồ mỗi ngày sẽ là môi trường lý tưởng để virus hình thành các biến chủng khác nhau.

Khi đó sẽ không chỉ có một mà nhiều biến chủng từ Ấn Độ có thể sẽ lây lan ra khắp thế giới trước khi được phát hiện.

Chính Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Thực hành và Chính sách Phát triển Ấn Độ là Amir Ullah Khan cũng phải thừa nhận tình trạng trên tại nước này.

Vị tiến sĩ này cho biết thêm, cuộc chiến chống dịch tại Ấn Độ hiện nay thực chất là một cuộc “vật lộn trong mơ hồ” do không có các dữ liệu đầy đủ và đáng tin cậy về virus.

Chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu, công cụ chống dịch hữu hiệu nhất của loài người hiện nay khi đối mặt với Covid-19, cũng có thể bị thách thức và kém hiệu quả nếu các biến chủng được tư do sinh sôi như tại Ấn Độ hiện nay.

Điều này càng chứng minh lập luận của giới nghiên cứu rằng đại dịch sẽ chưa thể được thanh toán một cách triệt để nếu dịch vẫn còn hoành hành tại một quốc gia nào đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Phạm Văn Quang đi xác minh hoàn cảnh học sinh để hỗ trợ.

'Già làng khuyến học' đất Cà Mau

GD&TĐ - 77 năm tuổi đời, ông Phạm Văn Quang đã có 30 năm gắn bó với công tác khuyến học, khuyến tài tại huyện Thới Bình (Cà Mau).

Sinh viên năm thứ nhất ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng với buổi học nhập môn tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc, TP Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Giữ sinh viên ở lại với nghề

GD&TĐ - Để SV năm thứ nhất hứng thú trong học tập, nhiều trường học đã có những hoạt động dạy - học gắn với thực tế tại doanh nghiệp, đơn vị sản xuất…