Bỏ biên chế ngành giáo dục là xu thế phù hợp với việc đẩy mạnh tự chủ
PV: Ông nghĩ sao về những luồng ý kiến đang sục sôi những ngày qua quanh chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên? Sự băn khoăn ấy đến từ đâu?
TS Trần Đình Lý: Có lẽ câu hỏi lớn cho vấn đề rất lớn này được dư luận xã hội quan tâm, thậm chí thắc mắc là tại sao không tiến hành triển khai đồng bộ việc bỏ biên chế đối với cả công chức lẫn viên chức mà chỉ đặt vấn đề đối với viên chức trong ngành giáo dục?
Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo đã “nhìn thấy và nhìn thấu” đích đến của câu chuyện này phải là vấn đề chất lượng!? Chất lượng đào tạo, chất lượng giáo dục, chất lượng giáo viên, chất lượng quản lý...tất cả đều phải có sự chọn lọc!? Ngay cả các trường phổ thông, việc biên chế hay không không quan trọng bằng cơ chế, chính sách áp dụng cho giáo viên!
Giáo dục là ngành hết sức quan trọng, ảnh hưởng cực lớn đến toàn xã hội. Những sự thay đổi, điều chỉnh chính sách, thi cử..của ngành giáo dục luôn được xã hội quan tâm và phản biện. Giáo dục luôn là của số đông, của toàn xã hội, tác động mạnh mẽ đến thế hệ tương lai. Bỏ biên chế trong ngành giáo dục là phù hợp với xu thế tự chủ đại học và cũng là việc mà các nước tiên tiến đã đi qua.
PV: Vậy theo TS, cái được và cái không được của “cái mác” biên chế đang tồn tại là gì?
TS Trần Đình Lý: Biên chế là đồng nghĩa với sự “yên tâm công tác ổn định” theo hướng tích cực thì tốt nhưng được hiểu theo nghĩa “yên vị” thì sẽ gặp những tiêu cực trong cả tâm lý và việc dấn thân cho sự phát triển của tổ chức. Thực tế ở vài nơi nhiều công chức, viên chức vẫn còn tư tưởng cứ “tà tà” rồi cũng sẽ xong. Đặc biệt, biên chế rất dễ xảy ra tình trạng “ổn định thu nhập ở mức...thấp”. Khi đó, việc triệt tiêu động lực để nâng cao năng suất lao động và nâng chất lượng, hiệu quả trong công việc là điều rất dễ xảy ra..
PV: Có một thực tế khi còn biên chế sự đánh giá giáo viên vẫn còn ít nhiều mang tính cào bằng, sức ì của giáo viên là rất lớn. Việc tiến tới xóa bỏ biên chế giáo viên ngoài việc giảm đi quỹ lương, ngân sách chi thường xuyên của Nhà nước, mặt tích cực lớn nhất của việc xóa biên chế mang đến cho nhà trường nếu có sẽ là gì?
TS Trần Đình Lý: Chắc chắn là như vậy. Sức ì càng tăng khi “tính ổn định” càng cao. Thậm chí, chúng ta cũng nên hiểu thêm khía cạnh có thật ở hầu hết cơ quan ban ngành rằng: nếu anh phấn đấu để ngồi được vị trí đó là 1, điều quan trọng là sự phù hợp với vị trí đó của CB-VC mới là 10. Bố trí một người không có năng lực sẽ nguy hại vô cùng lớn (vì không còn cách nào khác khi đã nằm trong ..biên chế), điều này sẽ vừa nguy hại đến bản thân CB-VC đó, vừa lãng phí xã hội, nhưng cũng vừa làm cho bộ máy nặng nề thêm, không hiệu quả..
Việc bỏ hình thức biên chế đối với công chức, viên chức là điều cần làm khi chúng ta chuyển sang vận hành cơ chế thị trường. Vấn đề chỉ là sớm muộn và cách thức tiến hành, ngoại trừ một số khu vực và ngành nghề đặc thù như vùng sâu vùng xa, ngành quân đội, công an, …
Cá nhân tôi nhận thấy, việc xóa cơ chế biên chế cộng với đánh giá viên chức minh bạch, có tiêu chí rõ ràng, định lượng tốt sẽ giúp bảo đảm công bằng, gia tăng tính linh hoạt, dân chủ, cạnh tranh và chuyên nghiệp hóa môi trường làm việc, đồng thời, góp phần hạn chế những tiêu cực trong tuyển dụng, quản lý và sử dụng nhân sự.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cùng các Đoàn viên ưu tú của trường |
Biên chế về bản chất nó là ô che cho những người lười biếng
PV: Có vài ý kiến cho rằng bỏ biên chế là một “cuộc chơi” mới của ngành, cần sự công bằng từ cấp quản lý đến giáo viên. Quan điểm ấy có vẻ chệch hướng và mục tiêu mà chủ trương hướng đến. Góc nhìn của ông về ý kiến này thế nào?
TS Trần Đình Lý: Vai trò tiên phong bao giờ cũng sẽ có những rủi ro nhất định. Thực tế cho thấy cũng đã có nhiều bài học đắt giá trong quá trình cải cách giáo dục. Những gì liên quan đến chính sách cho con người là hết sức nhạy cảm, cần xem xét toàn diện, thực tế. Thậm chí gần đây còn có những câu chuyện “giải cứu giáo viên” bằng cách phụ huynh học sinh đóng góp tiền cho Thầy cô….
Câu chuyện như trên rất đau lòng! Người có lòng tự trọng không ai chấp nhận điều đó! Thử hỏi, nếu Thầy cô giáo đó không phù hợp với công việc và làm việc không hiệu quả trong ngành, không tâm huyết hay không đủ điều kiện đứng lớp…nhưng nếu ở một môi trường khác, rất có thể họ sẽ là những người phù hợp, làm giàu rất tốt. Vậy thì, sự điều chỉnh công việc, thậm chí nghề nghiệp tương lai để hướng đến sự phù hợp là việc cần phải làm, rất cần thiết!
Có người giáo già nói rằng: còn vài năm nữa nghỉ hưu rồi, phấn đấu chi nữa. Ý của Thầy luôn đúng, nhưng nó khiến chúng ta phải suy nghĩ…
PV: Giáo dục cần một sự ổn định. Nhưng sự ổn định ấy không mang lại lực đẩy cho sự phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo thì cần phải thay đổi. Để việc tiến tới xóa bỏ hoàn toàn biên chế giáo viên, theo ông chúng ta cần phải đảm bảo được điều gì?
TS Trần Đình Lý: Vấn đề của chúng ta lúc này là cần phải có hệ thống đánh giá công chức, viên chức một cách bài bản, chuyên nghiệp, minh bạch công khai.
Việc bỏ biên chế rất cần tính hệ thống và lộ trình. Về lâu dài, chắc chắn cần nghiên cứu tiến hành đồng bộ, triệt để đối với tất cả các ngành có ngạch công chức lẫn viên chức, để tránh sự chông vênh nhau trong cơ chế vận hành và quản lý. Đây cũng là để đảm bảo công bằng xã hội. Còn nếu chưa thể tiến hành đồng bộ ngay thì ngành giáo dục cũng cần có một kế hoạch bức tranh tổng thể về vấn đề lớn này, xu hướng tự chủ tự chịu trách nhiệm đang luôn nóng, hãy xem xét toàn diện.
Việc bỏ viên chế giáo viên mang đến lo ngại là hiệu trưởng sẽ lạm quyền? Tôi cho rằng lo ngại này là đúng và cũng thể hiện sự cân nhắc của người phản biện. Tuy nhiên, như tôi đã nói, khi mà hệ thống tiêu chí, quy trình đánh giá CB-VC không có lỗi thì chắc chắn con người sẽ giảm lỗi. Và sự sai lầm, không khách quan hay thiên vị (nếu có) của người đứng đầu, theo tôi, không sớm thì muộn, cũng sẽ khó tồn tại với hệ thống kiểm soát chuyên nghiệp.
Khi đã có sự đánh giá chuẩn thì việc hiệu trưởng xem xét 2 năm, thậm chí chỉ cần 1 năm mà không hoàn thành nhiệm vụ thì thay ngay là chuyện bình thường, cho nhẹ cả 2. Còn nếu Thầy cô giỏi thực sự, yêu nghề và phù hợp với nghề chắc chắn sẽ được mời và có chính sách giữ chân phù hợp. Thầy cô sẽ có động lực phấn đấu để tồn tại và phát triển. Lúc đó, chất lượng sẽ tăng và ngành giáo dục sẽ tốt lên, tốt thực chất. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu rằng” “biên chế, về bản chất, sẽ là ô che cho những người lười biếng, lấy ngân sách nhà nước làm điểm tựa”.
Vấn đề quan trọng cuối cùng là khi bỏ biên chế, ngành giáo dục chúng ta phải chấp nhận hệ thống bộ máy vận hành theo cơ chế thị trường, sẽ không còn khái niệm phân biệt trường công và trường tư, thách thức sẽ đến với phía giáo viên, mà ngay cả với phía nhà tuyển dụng và sử dụng nhân lực. Ngành giáo dục cần có chính sách, lộ trình để sẵn sàng trước những thách thức đó?.
Giáo viên, dù ở vị trí nào cũng rất cần động lực phấn đấu để phát triển |
PV: Vậy theo ông, lộ trình của việc trên sẽ là như thế nào?
TS Trần Đình Lý: Để thể hiện lộ trình, trước tiên, có thể ngừng ngay việc biên chế thêm. Tiếp theo cần xây dựng cơ chế chính sách hợp lý để các giáo viên xác định lại sự phù hợp trong nghề nghiệp, để chuyển từ biên chế sang diện hợp đồng. Dù có thể cộng thêm một khoản kinh phí hỗ trợ ban đầu, vừa phòng tránh những rủi ro và điều quan trọng là việc tái cấu trúc bộ máy mang tính hệ thống. Việc làm trên nhằm hướng đến sự phân luồng lao động phù hợp, tránh tình trạng “cùng nhau giải quyết khó khăn”, “mức thu nhập của số đông chúng ta ổn định... ở mức thấp” và cùng nhau cố gắng…
PV: Xin cảm ơn ông!