Biến chất thải xây dựng thành… tiền

GD&TĐ - Quản lý phế thải xây dựng nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới là đề tài nghiên cứu của ThS Hoàng Ngọc Hân, Viện Nghiên cứu Môi trường quốc gia (Nhật Bản).

Biến chất thải xây dựng thành… tiền

Xây dựng càng nhiều, chất thải càng lớn

Cũng như nhiều thành phố khác ở Việt Nam, Hà Nội luôn có những công trình được thi công với nhiều quy mô khác nhau tại nhiều ngóc ngách trong thành phố, dẫn đến phát sinh hàng ngàn tấn phế thải xây dựng mỗi ngày.

ThS Hoàng Ngọc Hân ở Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia (Nhật Bản) đã tìm hiểu và nghiên cứu về phế thải xây dựng.

ThS Hân và đồng nghiệp ở Đại học Xây dựng đã khám phá bức tranh toàn cảnh về chất thải xây dựng qua đề tài “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam” (2018 - 2023).

Đề tài thuộc Chương trình hợp tác nghiên cứu KH&CN phát triển bền vững (SATREPS) giữa Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Tổ chức KH&CN Nhật Bản (JST).

Đặc tính của chất thải xây dựng phụ thuộc vào kiến trúc. “Ở Việt Nam, kết cấu của các tòa nhà ở ba khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam rất khác nhau do đặc điểm khí hậu ba miền khác nhau. Trong phạm vi nghiên cứu này, chúng tôi tập trung vào Hà Nội”, ThS Ngọc Hân cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã khảo sát thực tế 15 công trình xây dựng và công trình phá dỡ trên địa bàn thành phố, bao gồm cả quy mô nhỏ và lớn. Những dữ liệu chi tiết đầu tiên về chất thải xây dựng ở Hà Nội đã hé lộ: Các loại chất thải phổ biến nhất là đất, bê tông, gạch, kim loại, giấy bìa, nhựa, gỗ...

Trong đó, loại chất thải phát sinh nhiều nhất từ các công trình xây dựng là đất đào, còn đối với công trình phá dỡ là bê tông và gạch.

Tỉ lệ phát sinh chất thải ở công trình xây dựng và công trình phá dỡ ở Hà Nội có xu hướng ngược nhau: Công trình phá dỡ quy mô nhỏ tạo ra lượng chất thải trên một đơn vị diện tích phá dỡ cao hơn công trình quy mô lớn (quy mô nhỏ là 610 kg/m2, quy mô lớn là 318 kg/m2), trong khi công trình xây dựng càng lớn thì lượng chất thải tạo ra càng lớn (quy mô nhỏ là 79,3 kg/m2; quy mô lớn là 1.030 kg/m2).

Kết quả này càng khiến người ta càng lo ngại bởi phần lớn các công trình phá dỡ ở Hà Nội hiện nay là những công trình quy mô nhỏ, thường bị phá dỡ để xây dựng các công trình lớn hơn.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu, tổng tỉ lệ tái chế của tất cả các loại chất thải xây dựng, bao gồm sắt, nhựa để bán phế liệu, đất, gạch, bê tông dùng để đổ san nền… chỉ khoảng dưới 10%.

Các loại chất thải chiếm tỉ lệ lớn nhất như đất, bê tông và gạch lại có tỉ lệ tái chế thấp nhất. Như vậy, khoảng 90% chất thải xây dựng tại các điểm khảo sát ở Hà Nội không được tái sử dụng.

Tìm giải pháp tái chế

Việc đổ thải xây dựng dù đúng quy định cũng gây áp lực lên các bãi chôn lấp vốn đã quá tải. Nó còn gây lãng phí không ít nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt. Nghiên cứu chỉ ra trong chất thải xây dựng thì đất là loại ít được tái sử dụng nhất.

Nhưng trong thực tế gần đây, hàng loạt dự án như cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (từ Bình Thuận đến Đồng Nai) hay cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua Thừa Thiên - Huế đang có nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu đất san lấp.

Việt Nam đã bắt đầu nghĩ đến những giải pháp tái chế và đề ra mục tiêu đến năm 2025, 60% chất thải rắn xây dựng phát sinh từ các đô thị của Việt Nam sẽ được tái chế, theo Chiến lược về quản lý chất thải rắn quốc gia năm 2018.

Thị trường dành cho sản phẩm tái chế từ chất thải xây dựng có vẻ rất hứa hẹn bởi bên cạnh nguồn cung dồi dào là lượng chất thải phát sinh lớn, nhu cầu về cốt liệu bê tông tái chế ở Hà Nội hiện nay thậm chí còn cao hơn nguồn bê tông thải.

Tuy nhiên, không dễ để tạo dựng một thị trường chưa có tiền lệ này. Một trong những nguyên nhân chính là rác thải xây dựng ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là rác thải lẫn, không được phân loại.

Cũng như các giải pháp xử lý chất thải nói chung, mỗi công nghệ tái chế chất thải xây dựng sẽ phù hợp với từng loại chất thải khác nhau. Nếu tỉ lệ chất thải lẫn lộn cao như hiện nay - khoảng hơn 80% thì sẽ rất khó áp dụng các biện pháp tái chế, theo ThS Hoàng Ngọc Hân.

Làm thế nào để phân loại chất thải xây dựng là một vấn đề không đơn giản. Rác thải sinh hoạt có thể phân loại tại nguồn. Chất thải xây dựng thường phát sinh với tỉ lệ rất lớn, gồm đất, bê tông, gạch... “Chúng ta không thể ngồi phân loại tại công trình, sẽ mất rất nhiều thời gian và diện tích”, ThS Hoàng Ngọc Hân nói.

Tuy nhiên, thông qua một một nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu Môi trường quốc gia Nhật Bản, họ dự kiến sẽ đề xuất áp dụng phương pháp phá dỡ chọn lọc để giảm thiểu lượng rác trộn.

Với hình thức phá dỡ này, đơn vị phá dỡ sẽ phá dỡ theo từng bước. Mỗi phần rác thải tạo ra sẽ được phân loại ngay tại nguồn. Việc này sẽ giúp giải quyết vấn đề chất lượng đầu vào của nhà máy tái chế.

Một yếu tố quan trọng để phát triển thị trường tái chế là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm tái chế từ chất thải xây dựng. Việt Nam chưa có bất kì tiêu chuẩn hay quy chuẩn nào về các sản phẩm này.

Đây cũng là một trong những lo ngại mà các công ty trong lĩnh vực xây dựng bày tỏ trong quá trình thực hiện dự án. “Nếu không có tiêu chuẩn chất lượng thì ít ai sẵn lòng dùng sản phẩm đấy cả, nên họ vẫn còn dè dặt”, chị cho biết.

Việc giải quyết những vấn đề trên có lẽ không chỉ trong “ngày một ngày hai”. Các quốc gia phát triển như Nhật Bản cũng từng trải qua thời kì đổ rác thải xây dựng bừa bãi. Tuy nhiên, Việt Nam có thể đẩy nhanh quá trình này nếu có sự phối hợp của các bên - nhà quản lý, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và người dân.

“Lựa chọn công nghệ xử lý như thế nào? Nó có được đón nhận hay không? Nếu công nghệ đấy không khả thi với nhà đầu tư thì chính phủ làm như thế nào? Nên có mô hình kinh doanh như thế nào để hỗ trợ nhà đầu tư cũng như khuyến khích hoạt động tái chế. Đấy sẽ là nỗ lực chung của rất nhiều bên thì mới thực hiện được”, ThS Hoàng Ngọc Hân nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ