Ngày 3/10, Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn miếu Quốc Tử Giám cho biết, sắp tới sẽ diễn ra trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” với chủ đề “Hiền tài là nguyên khí Quốc gia” nhân kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô.
Ngay từ những ngày đầu xây dựng nền quân chủ độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú trọng tới việc tuyển chọn và trọng dụng nhân tài. Kể từ khoa thi năm 1442, các nhà khoa bảng đỗ đại khoa được khắc ghi trên bia đề danh Tiến sĩ đặt tại Văn miếu ở kinh đô để lưu truyền danh thơm đến muôn đời sau.
Những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của 82 bia Tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám không chỉ được thể hiện đơn thuần qua những hàng chữ Nho hay hoa văn trang trí trên mặt bia. Ẩn sau lớp mặt đá khô cứng và câm lặng đó là hàng ngàn câu chuyện thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của hơn 1.300 vị tiến sĩ.
“Bia đá kể chuyện” được thể hiện qua các nội dung: Chiêu mộ hiền tài - giới thiệu một số nét chính về khoa cử của nước ta giai đoạn 1442 - 1529. Con đường khoa cử - giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt. Gương sáng tiền nhân - giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà. Lưu danh muôn thuở - giới thiệu những câu trích dẫn nổi tiếng về giá trị của đào tạo và sử dụng nhân tài.