Bí thuật dưỡng nhan sắc của Từ Hy thái hậu

Từ Hy thái hậu (1835-1908) được xem là “nữ hoàng thứ hai” của Trung Hoa sau Võ Tắc Thiên. Trước khi qua đời, Từ Hy vẫn giữ được sức khỏe tốt, da dẻ mịn màng, mặt bóng sáng, răng chưa rụng, tinh thần mạnh mẽ, đó là nhờ bà rất chú trọng đến phương pháp dưỡng nhan sắc bằng dược thiện.

Bí thuật dưỡng nhan sắc của Từ Hy thái hậu

Từ Hy thái hậu đặc biệt chú trọng về ăn uống, có đến hơn 200 đầu bếp và thái giám chuyên lo việc này. Thái hậu mỗi ngày ăn 4 bữa, mỗi bữa có đến trăm món, được chế biến công phu theo nguyên tắc: thực phẩm phải thật tươi. Mỗi món ăn, thái hậu ăn nhiều nhất là 3 thìa, vì sợ bị đầu độc. Trước khi ăn thường dùng thẻ thử độc bằng bạc đặc chế để thử, nếu thức ăn có độc thẻ sẽ đổi màu. Chén ăn có 3 loại: làm bằng vàng, bằng bạc và bằng ngọc phỉ thúy, đũa bằng ngà voi, đầu giát vàng. Thức ăn cho thái hậu được chế biến thuận theo tiết khí trong năm để bổ dưỡng theo mùa, mùa đông thường ăn thịt dê, thịt nai; mùa hè thường phục linh, nấm, rau rừng… Riêng gạo để nấu cháo cho thái hậu có đến 7 loại.

Những bài thuốc dung nhan

Bảo nguyên thang:

Đây là món canh cá chép đặc biệt, còn gọi là Trú nhan dưỡng sinh thang, do một quan thái y họ Lưu dâng lên cho Thanh triều vào đời Càn Long, xưa được coi là mật truyền. Phương pháp chế biến tuy đơn giản nhưng rất công hiệu trong việc dưỡng nhan sắc, tăng khí lực, diên niên ích thọ.

Cách làm: 1 con cá chép tươi khoảng 1kg, thịt bắp bò 1/2kg, móng giò heo 1 cái, sơn tra sống 1 - 2 lạng, táo đỏ 10 quả. Cá chép đánh vảy, bỏ nội tạng; thịt bò bằm nhỏ nhét vào bụng cá; móng heo cạo sạch lông; sơn tra và táo bỏ hạt. Tất cả nguyên liệu cho vào nồi  với khoảng 2 lít nước, dùng lửa nhỏ nấu suốt 1 ngày hoặc 1 đêm. Sau đó lọc bỏ hết xác, chỉ lấy nước để vào tủ lạnh hoặc hầm đá cho đông cứng. Hôm sau lấy ra, vớt bỏ đi phần dầu mỡ đông nổi phía trên, rồi đem nấu lại cho tan chảy ra. Mỗi ngày uống nước ấy 3 lần, mỗi lần 1 chén, hết lại làm tiếp như trên.

Ngậm nhân sâm:

Từ Hy thái hậu ngậm nhân sâm suốt đời. Mỗi sáng cung nữ đúng giờ dâng lên Từ Hy 1 đồng cân (1/10 lạng) nhân sâm. Bà không nhai hay nuốt mà ngậm trong miệng cho đến khi sâm tan ra hết. Vì thế có nhiều khi thái hậu nói chuyện không rõ ràng là do ngậm sâm chứ không phải bệnh lưỡi như nhiều lời đồn.

Uống bột trân châu:

Trong “Ngự hương phiêu miểu lục”của công chúa Đức Linh có chép Từ Hy “ngoài 60 tuổi mà da dẻ mịn màng như nữ đồng trinh”, đó là nhờ Từ Hy kiên trì uống bột trân châu mỗi ngày để phản lão hoàn đồng. Trân châu đem nghiền thành bột mịn. Mỗi ngày trước khi ngủ và sau khi thức dậy, dùng 1 thìa bột điều với nước thành dạng hồ đặc rồi cho vào miệng, lấy 1 ly nước ấm uống vào nuốt bột xuống. 3 nguyên tắc uống bột trân châu dưỡng sinh của Từ Hy là: uống đúng giờ, đúng lượng và không gián đoạn.

Cúc hoa diên linh cao:

Từ Hy thái hậu rất thích hương hoa cúc, các ngự y đã chế ra loại cao hoa cúc này giúp thái hậu cường thân ích thọ, sáng mắt, mạnh tim. Cách làm là hái nhiều hoa cúc tươi cho vào nồi nước sắc chín nhừ, vớt bỏ xác, cô nước cho đặc lại, thêm mật ong vừa lượng vào cùng nấu thành dạng cao đặc, cho vào lọ sành. Mỗi lần lấy 15 - 20g uống với nước nguội.

Dưỡng nhan sắc bằng món ăn

Theo quan niệm y học cổ truyền “Dược-thực đồng nguyên” - thuốc và thức ăn là cùng nguồn. Từ đời Hán, danh y Trương Trọng Cảnh đã tìm hiểu, biên soạn nhiều món ăn từ động, thực vật có tác dụng làm đẹp, kéo dài tuổi thanh xuân, nổi tiếng như Trư phu thang, Cam thảo tiểu mạch đại táo thang... gọi là dược thiện.

Da lợn: món ăn đơn giản mà hiệu quả

Theo y học cổ truyền, để dưỡng nhan, nên thường sử dụng các loại thực phẩm “tinh huyết hữu tình”, tức là da, mỡ động vật. Đặc biệt, da lợn vị cam (ngọt), tính lương (mát), có tác dụng tư âm dưỡng huyết, tư nhuận da dẻ, dưỡng nhan sắc Theo phân tích hiện đại, da lợn, móng lợn chứa nhiều anbumin, sợi collagen giúp da đàn hồi, mịn màng, chống lão hóa, chống khối u.

bi-thuat-duong-nhan-sac-cua-tu-hy-thai-hau-1

Món da lợn nấu hồng táo

Canh da lợn - hồng táo: da lợn 500g, cạo rửa sạch, xắt thành miếng nhỏ; hồng táo (táo đỏ) 100g, cho hai thứ vào nồi với nước vừa lượng, hầm trên lửa nhỏ đến chín thì cho vào ít đường cát trắng. Ăn tùy ý. Món này ngon miệng, ngoài tác dụng tư bổ, đẹp da, còn trị chứng thiếu máu, xuất huyết.

    bi-thuat-duong-nhan-sac-cua-tu-hy-thai-hau-2

    Hồng táo

    Thịt đông: da lợn 1kg, rửa sạch, xắt miếng nhỏ, cho vào nồi với nước, hầm trên lửa nhỏ đến chín nhừ, đặc dính lại thì cho thêm vào ít rượu, tương dầu, muối, hành, gừng, nêm nếm vừa ăn. Nhắc xuống để nguội cho đông cứng lại. Ăn với cơm hoặc ăn dặm tùy ý.

    Canh da lợn rán: da lợn 1kg, dùng nước muối rửa sạch, ngâm qua nước ấm cho thấm, nấu trên lửa nhỏ cho chín khoảng một nửa. Vớt ra để ráo, xắt thành sợi nhỏ rồi đem rán trong dầu cho vàng giòn, cho vào hũ. Khi ăn thì lấy một ít nấu với canh gà hoặc thịt heo, thêm ít măng, dưa chuột.

    Đậu nành, sườn lợn: giúp hệ xương vững chắc

    Món canh này gọi là “Bổ cốt thang”, thật đơn giản mà hiệu nghiệm để bổ sung canxi, phòng trị chứng loãng xương, nhức mỏi.

    Cách làm: đậu nành 100g, xương sườn lợn 500g. Đậu nành đem ngâm nước 2 tiếng rồi vớt ra; xương rửa sạch, ướp gia vị cho thấm. Cho tất cả vào nồi đất với khoảng 2 lít nước, nấu trên lửa lớn cho sôi rồi chuyển sang lửa nhỏ hầm nhừ. Nêm nếm mà ăn hằng ngày hoặc cách ngày.

    bi-thuat-duong-nhan-sac-cua-tu-hy-thai-hau-3

    Bổ cốt thang

    Đậu nành tức hoàng đậu, đại đậu, được gọi là “thịt trong món chay”. Theo cổ thư “Diên niên mật lục” “Thường ăn đậu nành giúp da dẻ mịn màng, ích nhan sắc, tăng cốt tủy, thêm khí lực”. Theo phân tích hiện nay thì trong đậu nành có chứa nhiều axít amino cần thiết cho cơ thể, nhiều protein, vitamin nhóm B, E, nguyên tố Kali… có tác dụng điều tiết thần kinh đại não, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường trí lực. Sườn lợn không chỉ dinh dưỡng phong phú mà còn chứa nhiều lượng phốtphát canxi, keo xương... có tác dụng bổ sung canxi rất tốt. Hai món này phối hợp với nhau tạo thành món ăn bổ tủy ích âm, bổ huyết ích trí, rất thích hợp những người tỳ nhược khí hư, hư thận loãng xương, nhức mỏi xương khớp.

    Mộc nhĩ, hồng táo: da dẻ hồng hào

    Mộc nhĩ có 2 loại đen và trắng đều chứa nhiều đường, có tác dụng chống khối u, mộc nhĩ đen giúp thanh phế ích khí. Hồng táo chủ trị tỳ vị hư yếu, huyết hư da vàng, thiếu máu. Sử dụng thang mộc nhĩ hồng táo hằng ngày hoặc cách ngày từ trước kỳ kinh 1 tuần đến khi kết thúc có thể giúp bạn gái cải thiện nhan sắc, da dẻ hồng hào.

    bi-thuat-duong-nhan-sac-cua-tu-hy-thai-hau-4

    Mộc nhĩ

    Cách làm: mộc nhĩ đen 10g, hồng táo 5g, cho vào ít nước nấu chín, thêm đường trắng vừa lượng thành món chè mà ăn.

    Chú ý: khi ăn món này không nên ăn hải sản tươi sống, nếu không sẽ bị trướng bụng. Bụng trướng hay khó chịu cũng không nên ăn. Hồng táo mỗi lần ăn không quá 10 quả.

    Theo Sức khỏe và đời sống

    Tin tiêu điểm

    Đừng bỏ lỡ