Cảnh báo: Trẻ 1 tháng tuổi tắm lá bị viêm da chảy mủ toàn thân

GD&TĐ -Ngày 06/10/2018, Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, tiếp nhận bé Nình Xuân T.(32 ngày tuổi), dân tộc Sán Chỉ, thường trú tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Viêm da chảy mủ do tắm lá
Viêm da chảy mủ do tắm lá

Trẻ nhập viện 1 tuần với biểu hiện ban đầu nổi bọng nước rải rác toàn thân, bọng nước to dần, vỡ chảy mủ. Gia đình đã tắm lá cho trẻ nên khiến tình trạng viêm da chảy mủ nặng thêm, vì vậy cháu bé được đưa đến để viện kiểm tra…

Kết quả khám lâm sàng cho thấy tổn thương da chảy mủ, mắt chảy dử vàng nhiều, đóng vảy rải rác toàn thân. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da mụm mủ/viêm kết mạc mắt. Bé được chỉ định nhập Khoa Các bệnh nhiệt đới để điều trị.

Bác sĩ Đỗ Thị Bích Phượng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết đa số các trường hợp trẻ nhập viện ban đầu chỉ bị mẩn ngứa nổi ít nốt đỏ li ti trên người, nhưng gia đình không đưa trẻ đi khám ngay, mà lấy nước lá tắm cho con, dẫn đến tình trạng ngày càng nặng đến lúc này mới đưa trẻ đi khám. Trường hợp của bé Nình Xuân T.(32 ngày tuổi) bị viêm da do tắm lá rất nặng, hai bên mặt, toàn thân bong tróc thành cả mảng lớn nhìn rất đáng sợ.

Các bác sĩ khuyến cáo các gia đình không nên tắm nước lá cho trẻ nếu không biết rõ loại lá và tính chất của chúng, tránh tình trạng lở loét, nhiễm trùng. Trường hợp bệnh nặng để lâu có thể gây nhiễm trùng toàn thân khi đó trẻ có biểu hiện sốt không kịp thời điều trị bệnh, trẻ sẽ có nguy cơ tử vong.

Hiện tại Khoa Các bệnh nhiệt đới đang điều trị cho 19 trường hợp trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm như Tay chân miệng, Sởi, rota...

Do đó khi thấy trẻ có các biểu hiện sốt cao trên 39 độ, nổi mụn chân, tay, người; giật mình khi ngủ; viêm da, phụ huynh nên đưa con tới khám tại các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để điều trị kịp thời và dứt điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.