Nắm vững ma trận đề
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân, GV môn Tiếng Anh, Trường THPT Lê Hữu Trác, Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết: Để chất lượng công tác ôn thi cho học sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia bộ môn Tiếng Anh đạt hiệu quả cao, nhà trường chia học sinh thành 2 nhóm: Nhóm cần đạt điểm để đủ chỉ tiêu xét tuyển tốt nghiệp kỳ thi THPT; Nhóm tham gia ôn thi để lấy điểm xét tuyển vào các trường đại học.
Sau khi đã phân nhóm HS, các GV được phân công ôn thi tổ chức ôn tập theo đúng nội dung tổ chuyên môn xây dựng.
Với cả hai nhóm HS, các em đều phải nắm chắc phần kiến thức ngữ pháp thuộc chương trình THPT, đặc biệt là những kiến thức có trong sách giáo khoa lớp 10, 11 và 12. Đối với phần bài đọc, các em nên tập trung vào các chủ đề liên quan đến môi trường, giáo dục, việc làm, công nghệ thông tin… và phải nắm vững ma trận đề dựa trên phân tích đề tham khảo của Bộ GD&ĐT đã công bố.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Ngân (ảnh nhân vật cung cấp) |
Cô Hồng Ngân phân tích, tổng quan của một đề tham khảo của Bộ GD&ĐT có 60% là kiến thức cơ bản và 40% là nâng cao. Các bài mà HS có thể tập trung để lấy điểm đó là phần ngữ âm, kiểm tra từ đồng nghĩa, trái nghĩa, tìm lỗi sai…Đây là các kiến thức chuẩn ở mức độ nhận biết và thông hiểu.
Đối với nhóm học sinh xét điểm đại học thì các em cần có một vốn từ vựng cao hơn. Các em cần ôn tập những bài tập từ mức độ thông hiểu, vận dụng tới nâng cao.
Để đảm bảo không mất điểm oan ở những câu hỏi dễ và đạt điểm cao nhất có thể, HS cẩn thận khi làm bài, luôn phải đọc và cảm nhận hết cả câu để hiểu ra dụng ý của người ra đề. Luôn cân nhắc kỹ trước các cấu trúc kỳ quái nhằm đánh lạc hướng thí sinh gây ra sai ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tránh tình trạng dịch nghĩa của từng từ hoặc cố hiểu hết nghĩa của tất cả các từ; vô hình trung tăng số câu hỏi lên và tự gây khó cho bản thân. Hãy vận dụng các nguyên tắc văn phạm để xử lý. Tuyệt đối không chủ quan với câu dễ - cô Hồng Ngân chia sẻ.
Đối với nhóm HS thi lấy điểm xét tuyển đại học, các em phải chuẩn bị cho mình phần kiến thức thuộc các nội dung nêu trên theo kiểu hiểu đúng bản chất, không “học mẹo” và cũng cần tránh phức tạp hóa vấn đề đối với những câu dễ.
Đề thi sẽ bao quát toàn bộ kiến thức của cả lớp 10, 11 và 12. Vì vậy, học sinh cần đọc lại tất cả các cấu trúc, cụm từ, ngữ pháp và từ vựng đã học trong sách giáo khoa. Đây là việc cực kỳ quan trọng, bởi nó sẽ cho các em cái nhìn tổng quát về các chủ đề mình đã học, từ đó làm bài đọc hiệu quả hơn.
Thời điểm này, các em làm lại các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập cũng rất có ích. Nó sẽ giúp các em củng cố lại kiến thức đã quên.
Nắm vững từ vựng theo các chủ đề
Cô giáo Nguyễn Thu Thủy, Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết: Muốn học Tiếng Anh được tốt, ôn thi hiệu quả, trước hết các em cần nắm vững từ vựng theo các chủ đề của chương trình Tiếng Anh 12 và rà soát lại cấu trúc ngữ pháp phổ thông cơ bản theo đúng dạng đề thi THPT QG.
Trong khi làm bài, các em nên làm câu dễ trước, câu khó sau. Thường các phần khó là Reading (đọc) và Writing (viết), trong đó 3 bài đọc sẽ gồm 3 cấp độ dễ - trung bình và khó. Phần writing cũng sẽ có dạng viết lại câu hoặc ghép nối 2 câu thành 1, do đó HS nên chọn các câu dễ và cơ bản trước.
Thường là phần Phonetics và Vocabulary – Grammar (ngữ âm và từ vựng – ngữ pháp), tìm từ đồng nghĩa và trái nghĩa (Closest và Opposite meanings) cũng khá cơ bản, rồi đến kĩ năng Writing và Reading, các em cần bình tĩnh nhận định và làm từ câu dễ đến khó.
Về kỹ năng làm bài, để đạt kết quả cao nhất, cô giáo Thu Thủy đưa ra 3 vấn đề HS cần lưu ý: Thứ nhất, các em cần chia thời gian hợp lí cho các câu: Trung bình 1 câu/ phút. Còn lại 10 phút HS nên soát lại lỗi. Làm xong câu nào nên tô ngay vào phiếu trả lời trắc nghiệm (Answer sheet) và cẩn thận, tránh để cuối giờ mới tô cả 50 câu.
Thứ hai, các em nên tập trung làm câu dễ trước câu khó sau.
Thứ ba, các em sử dụng tốt kĩ năng phán đoán 50/50 hợp lí nhất, bởi nguyên tắc của thi trắc nghiệm là không bỏ bất kì câu hỏi nào, nếu không biết, hãy loại trừ và chọn đáp án các em thấy dễ đúng nhất.
Việc ôn tập cần được học sinh thực hiện đều đặn mỗi ngày. Mỗi ngày học một số lượng cấu trúc và từ vựng vừa phải sẽ hiệu quả hơn so với việc học nhồi nhét. Học sinh nên ôn tập bài đọc hiểu mỗi ngày, học kỹ các bài trong sách giáo khoa và làm đề thi thử để mở rộng vốn từ, tập phân bố thời gian và tăng sự tự tin.