Phân loại đối tượng học sinh
Thực tế, tại Trường THPT Hàm Thuận Nam, chỉ có từ 30% đến 40 % học sinh đạt trung bình trở lên - tính theo trung bình điểm thi tuyển vào lớp 10. Trước tình hình đầu vào thấp và không đồng đều như vậy, ngay từ khi tiếp nhận học sinh khối 10, nhà trường căn cứ vào điểm thi ba môn và kết quả cuối năm lớp 9 để làm cơ sở phân loại và phân lớp.
Theo đó, học sinh khá giỏi vào học các lớp nâng cao ba môn Toán, Lý, Hoá; học sinh yếu kém có điểm trung bình các môn thi vào một lớp; số còn lại được phân đều các lớp. Sau một năm, khi học sinh đủ điều kiện lên lớp sẽ xoá lớp gồm các học sinh yếu, phân trộn vào các lớp cơ bản. Thay vào đó, mở 1 lớp phụ đạo cho học sinh yếu kém (với lớp 11, 12).
Những chủ trương mới trong nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, trong đó có bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém, chủ trương dạy thêm được phổ biến tới từng phụ huynh ngay từ đầu năm để hiểu, đăng ký cam kết phối hợp cùng nhà trường.
Dạy học bám sát đối tượng
Để nâng cao chất lượng dạy học, theo cô Đặng Thị Nhâm, việc thực hiện đẩy mạnh phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" là rất quan trọng.
Cùng với đó, chú trọng đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng, tạo niềm tin và sự hứng thú học tập của học sinh.
Giáo viên cần dạy học sinh cách học, cách tự học, cách tư duy bằng hướng dẫn cụ thể, như cách đọc sách, cách ghi chép, trích dẫn, mở rộng, bằng hệ thống câu hỏi dẫn dắt, hệ thống bài tập phù hợp với học lực của từng em.
Đồng thời, phát huy tác dụng của các sáng kiến, áp dụng công nghệ vào giảng dạy để nâng cao chất lượng.
“Tại TTrường THPT Hàm Thuận Nam, với học sinh lớp chọn, ngoài giảng dạy đúng theo nội dung chương trình quy định, trường tổ chức dạy bồi dưỡng nâng cao rèn luyện tư duy, phát huy tính tích cực theo hướng bồi dưỡng nhân tài.
Đối với lớp yếu kém, ngoài giảng dạy chương trình cơ bản, trường tổ chức phụ đạo củng cố, bổ sung kiến thức lớp dưới có liên quan đến chương trình bài mới để các em có kiến thức cơ bản đề tiếp thu kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng làm bài” – cô Nhâm chia sẻ
Khảo sát chất lượng học sinh qua thi cử, kiểm tra
Việc tăng cường kiểm tra bài cũ, kiểm tra việc học và làm bài tập ở nhà của học sinh là rất cần thiết để nâng cao chất lượng học tập.
Cách thức kiểm tra, đánh giá cần chú trọng đổi mới, xây dựng hệ thống câu hỏi học tập, hệ thống ngân hàng đề thi theo chuẩn kiến thức; thực hiện ba chung: Đề chung, kiểm tra chung, chấm chung theo từng khối, phân phòng và quy trình như thi tốt nghiệp THPT.
Cách tổ chức thi cử nghiêm túc như vậy nhằm thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng thực chất của việc dạy và học.
Yêu cầu kế hoạch nâng cao chất lượng đến từng giáo viên
Theo chia sẻ của cô Đặng Thị Nhâm, tại Trường THPT Hàm Thuận Nam, mỗi tổ bộ môn, mỗi giáo viên đều được yêu cầu xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục, tập trung nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi, hạn chế học sinh yếu kém môn mình giảng dạy để Ban giám hiệu duyệt.
Bên cạnh đó, nhà trường phân công giáo viên giảng dạy một cách linh hoạt. Đối với các lớp nâng cao, chọn giáo viên có năng lực, tay nghề khá giỏi; với lớp yếu kém, chọn lựa giáo viên nhiệt tình chịu khó, tận tuỵ kiên trì, hết mực thương yêu học trò, có phương pháp truyền thụ tốt.
Song song với những biện pháp trên là thực hiện đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, đi sâu giải quyết những vấn đề thật cụ thể về chuyên môn ngoài những công việc mang tính hành chính. Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, tăng cường giao đổi học tập kinh nghiệm trong đồng nghiệp.
“Bằng các giải pháp trên, chất lượng dạy học của nhà trường đã biến chuyển đáng kể. Tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm đạt trên bình quân của tỉnh. Đặc biệt, trường đã có xếp hạng trong việc đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, có cả học sinh đoạt giải quốc gia. Ngoài ra, hàng năm, học sinh của trường còn giành giải cao trong các kỳ thi Tin học trẻ không chuyên, Olympic Tiếng Anh...” – cô Đặng Thị Nhâm chia sẻ
"Để nâng cao chất lượng dạy học, mỗi nhà trường cần xây dựng quy mô phát triển nhà trường trong từng giai đoạn (5 - 10 năm), duy trì và ổn định sĩ số học sinh hàng năm; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các cấp uỷ Đảng chính quyền và các đoàn thể .
Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng đội ngũ; quản lý chặt chẽ kế hoạch dạy học và kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục theo biên chế năm học của Bộ ban hành" - cô Đặng Thị Nhâm.