Để học môn toán đạt điểm cao, em thường đọc qua bài một vài lần trước khi đến lớp, sau đó cố gắng tìm những gì khó nhất mà mình không hiểu để đến lớp hỏi giáo viên hoặc bạn bè.
Trong từng bài học, cố gắng giải càng nhiều bài tập càng tốt theo mức độ từ dễ đến khó. Đặc biệt, cần rút kinh nghiệm trong những lần giải sai.
Để làm tốt một bài hình (hình phẳng và cả hình không gian) trước hết phải đọc thật kỹ đề, vẽ hình ra giấy, xét xem những yếu tố mà đề đã cho và nên tưởng tượng một chút.
Đại số và giải tích thì khó hơn, cần làm những bài để nắm và vận dụng kiến thức cơ bản, sau đó tập suy nghĩ và giải quyết những bài khó theo hướng phức tạp hơn, có những dạng toán đòi hỏi kinh nghiệm nên có thể tham khảo nhiều dạng hơn ở sách tham khảo hay Internet và nên dùng máy tính Casio để thử lại kết quả.
Khi làm bài thi đại học môn Toán, các bạn thí sinh cần thật bình tĩnh, đừng quá lo lắng. Nên làm bài từ dễ đến khó, không nên làm từ đầu đến cuối.
Nếu gặp rắc rối ở một câu nào đó thì nên bỏ qua để dành thời gian cho các câu khác.
Một điều nữa là ở phần tự chọn, độ khó của 3 câu tương đương nhau nhưng câu hình học phẳng có thể sẽ mất nhiều thời gian để tìm hướng đi.
Do đó, khi đọc câu hình phẳng ở hai phần, phần nào bạn nhận ra hướng giải trước, không cần phải suy nghĩ gì thêm thì nên chọn phần đó để làm cho tiết kiệm thời gian.
Bài thì nên trình bày cẩn thận, rõ ràng và không được bỏ qua bước nào vì người chấm có thể bắt bẻ và sẽ trừ điểm nếu bạn phạm vào các lỗi này.
Cách dễ nhất để nhớ các công thức toán lâu là nên dùng nó ngay sau khi học để giải toán liên quan đến nó. Và khi đã làm nhiều, nhuần nhuyễn, công thức sẽ tự hiện lên trong đầu khi mình giải toán. Cũng nên làm nhiều bài tích hợp để quen với cách vận dụng linh hoạt các công thức trong một bài.