Theo nghiên cứu, nếu một người phải rời xa quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ từ nhỏ, họ vẫn giữ lại khả năng học tập tiềm ẩn. Ví dụ, người trưởng thành nói tiếng Hà Lan, dù được nhận nuôi từ Hàn Quốc lúc vừa lọt lòng vẫn tỏ ra vượt trội khi học cách phát âm tiếng Hàn Quốc.
Các nhà khoa học từ Đại học Hanyang ở Seoul (Hàn quốc) khuyên cha mẹ nên nói chuyện với trẻ càng nhiều càng tốt trong giai đoạn đầu cuộc sống.
Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy những kinh nghiệm đầu đời của trẻ về mặt ngôn ngữ mang lại lợi ích vào nhiều thập kỷ sau đó, ngay cả khi họ nghĩ rằng mình đã quên.
Phát hiện này cho thấy rằng kiến thức ngôn ngữ hình thành rất sớm trong cuộc sống, và có thể thể “bảo lưu” mà không cần tiếp thu thêm, đợi chờ quá trình tái học hỏi.
Trong nghiên cứu, nhóm người trưởng thành gốc Hàn Quốc tầm 30 tuổi, nhận nuôi bởi gia đình nói tiếng Hà Lan từ tấm bé dễ dàng vượt qua bài phát âm tiếng Hàn sau một khóa đào tạo ngắn hạn. Về ngôn ngữ, phụ âm tiếng Hàn hoàn toàn khác biệt so với tiếng Hà Lan.
Ngược lại, nhóm đối tượng so sánh vốn chưa từng tiếp xúc với tiếng Hàn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện bài tập phát âm. Ngoài ra, không có sự khác biệt giữa người được nhận nuôi vào sáu tháng tuổi, trước khi biết nói, và những người sau 17 tháng, khi đã học cách nói chuyện.
Điều này cho thấy rằng kiến thức ngôn ngữ duy trì tự nhiên từ nhỏ, chứ không phụ thuộc vào lượng kinh nghiệm. Vì quá trình học tập ngôn ngữ xuất hiện rất sớm trong cuộc sống, phụ huynh cũng có thể cố gắng cho bé tiếp xúc với ngoại ngữ càng nhiều càng tốt.
Thậm chí có dấu hiệu cho thấy quá trình tiếp thu ngôn ngữ bắt đầu từ khi đứa trẻ vẫn còn trong bụng mẹ. Thể hiện qua việc trẻ nhận biết được giọng nói của mẹ vào thời điểm chúng sinh ra.