Hiện nay khi nói đến thần tượng của giới trẻ thì hầu như ai cũng nghĩ ngay đến những ngôi sao điện ảnh hay các nhóm nhạc Kpop – không chỉ là sự ngưỡng mộ mà còn đi đến mức phát cuồng với những hành động khó coi và khó hiểu
Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh – Trung tâm Rồng Việt Vũng Tàu có một số chia sẻ cùng các bậc cha mẹ giúp các con "thần tượng" đúng "đối tượng".
Đừng bóp méo khái niệm "thần tượng"
Khái niệm “thần tượng” (L’idole, idol) là một từ dùng để chỉ một nhân vật nào đó được yêu mến, kính phục, sùng bái, tôn thờ.
Đối với trẻ nhỏ, hình tượng của người mẹ là biểu tượng của sự trìu mến, ấm no, vui sướng và an toàn. Đấy cũng là những tín hiệu ở cấp độ sơ khởi nhất về “thần tượng”. Những ảnh hưởng từ cha mẹ ở thời kỳ ban đầu này của trẻ chủ yếu bằng bản năng, nên trẻ noi theo cha mẹ một cách thụ động, theo kiểu bắt chước.
Khi trẻ bắt đầu đi học thì cuộc sống của chúng cũng bắt đầu mở rộng ra thế giới bên ngoài, với xã hội. Điều đó khiến cho năng lực quan sát của trẻ không ngừng phát triển, qua đó từng bước thay đổi những nhận thức bản năng bằng những nhận thức của trí tuệ với những điều chúng thấy, chúng biết, chúng tìm hiểu.
Do vậy, thần tượng của trẻ có thể chuyển từ cha mẹ, người nuôi dưỡng sang những đối tượng khác tùy theo tính cách, khả năng nhận thức hay sở thích của trẻ.
Thông thường, những thần tượng của trẻ cấp I có thể là các thày cô mà chúng kính mến hoặc những người bạn có các khả năng nổi trội mà trẻ khâm phục. Đây là những đối tượng gần gũi trẻ, mà các em thường có dịp tiếp xúc thường xuyên.
Tuy nhiên cũng vì thường xuyên gần gũi nên thần tượng có thể bị “lật đổ” hay thay thế, hoặc đơn giản hơn là quên dần vì đã trở nên quen thuộc hay do sự phát triển về cơ thể, và năng lực sẽ khiến cho trẻ không còn thấy các thần tượng của chúng quá tài năng.
Giai đoạn học cấp II, trẻ đã có những định hình hơn về sở thích và điều quan trọng hơn nữa là ảnh hưởng của bạn bè, trẻ bắt đầu tìm kiếm để gắn bó với những người bạn hay nhóm bạn cùng sở thích, và chịu tác động “hiệu ứng đám đông” nên khi thấy có nhiều bạn của mình thích một ai đó, trẻ cũng dễ có khuynh hướng hưởng ứng hay bắt chước theo.
Đây cũng là cơ sở để hình thành những nhóm fan và tùy theo ảnh hưởng hay tác động của những “thủ lĩnh” của nhóm đó, để biến thành một nhóm fan cuồng hay hay là những fan ái mộ có chừng mực.
Giai đoạn bước vào cấp III, đặc biệt là những năm cuối cấp, việc tìm kiếm lựa chọn “thần tượng” còn có mục đích làm khuôn mẫu cho những ước mơ nghề nghiệp, tiền đồ của các bạn trẻ. Đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng và nhiều ảnh hưởng đến tâm lý và hành động của mỗi bạn trẻ.
Tâm lý đám đông của "Fan club"
Từ việc bị tác động và cuốn hút bởi các thần tượng đã nối kết các bạn trẻ có cùng khuynh hướng ngưỡng mộ thần tượng kết hợp lại thành các nhóm, gọi là các fanclub, các hội ưu thích...
Khi tham gia các nhóm này, ngoài cơ hội tiếp xúc với các thần tượng hay có thể chỉ là để đáp ứng nhu cầu hội họp, bộc lộ cảm xúc thì các em có thêm môi trường thuận lợi để hình thành những tình cảm của tuổi mới lớn.
Bầy tỏ tình cảm và thể hiện cái tôi cá nhân là hai nhu cầu quan trọng của tuổi trẻ cần phải được quan tâm và định hướng một cách hợp lý. Chính vì vậy, nếu cùng tôn sùng những thần tượng thiếu chuẩn hoặc lệch chuẩn sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường khi các Fan cùng tụ hội.
![]() |
Ảnh minh họa |
Lời khuyên giúp teen lựa chọn thần tượng
Theo Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh: Khi bước vào "tuổi mộng mơ", cảm xúc tình cảm của các em rất đa dạng, từ chuyện xây dựng những ước vọng về tương lai, về nghề nghiệp, cho đến tình cảm yêu mến các “thần tượng” và cả những cảm xúc mơ hồ lãng đãng với những người khác giới.
Các cảm xúc là những yếu tố cần thiết để kích thích năng lực hoạt động, nếu là những cảm xúc tích cực và lành mạnh sẽ là những tác động mạnh mẽ, đem lại những thành quả tốt đẹp, làm cho các em tự tin và năng động hơn.
Nhưng nếu là những cảm xúc tiêu cực hay quá khích, chỉ nhằm thỏa mãn những mong muốn nhất thời, hay đem lại những ích lợi vật chất hoặc những hư danh thì nó lại khiến cho các em có những ứng xử thiếu thận trọng, có những suy nghĩ có thể hủy hoại lòng tự trọng, khiến các em đánh mất giá trị bản thân để bộc phát thành những hành vi khó kiểm soát.
Chính vì điều đó, các em không chỉ cần có sự quan tâm đến việc tìm chọn những “thần tượng” cho đúng, cho có ý nghĩa mà còn cần phải biết nhận diện và "quản lý" được những cảm xúc đa dạng của mình.
Để lựa chọn đúng thần tượng, mỗi người phải có được những khả năng lựa chọn. Khả năng lựa chọn lại phụ thuộc vào năng lực của mỗi người.
Chúng ta biết rằng, con người có nhiều năng lực khác nhau. Nhưng có 3 năng lực cần thiết, đó là: năng lực về lý trí, năng lực về đạo đức và năng lực về thẩm mỹ. Để có được các năng lực đó, thì việc quan tâm, học tập và thực hành các giá trị sống là điều mà chúng ta phải áp dụng hằng ngày.
Để nâng cao năng lực ý chí thì chúng ta cần trau dồi những kiến thức và việc học tập có định hướng sẽ giúp chúng nhìn rõ và đánh giá một cách đúng đắn về các vấn đề khác nhau.
Để phát triển năng lực đạo đức, thì chúng ta cần vận dụng đúng theo các Quy luật đạo đức: Bao gồm các hành động theo thiện chí – suy nghĩ về những điều tốt (thiện ý) với tấm lòng chân thành (thiện tâm). Có năng lực đạo đức, mỗi người sẽ hành xử đúng đắn, sống tốt đẹp, nhìn nhận, đánh giá mọi điều chuẩn mực hơn.
Bên cạnh đó, mỗi chúng ta cũng nên trang bị cho mình năng lực thẩm mỹ. Nếu có được năng lực này, cuộc sống sẽ phong phú, thú vị, có ý nghĩa hơn rất nhiều. Khi ý thức một cách đúng đắn về thẩm mỹ, chúng ta sẽ có khả năng cảm nhận cái đẹp, cái tốt, cái giá trị đích thực từ các tác phẩm nghệ thuật, cho đến việc chọn lựa những thần tượng cho bản thân.
Việc trang bị cho con các năng lực cần thiết sẽ giúp các em định hình nhân cách, bộc lộ những bản sắc, cá tính, cái tôi tích cực trong đời sống, không bị cuốn theo lối a dua, theo tâm lý của đám đông.
Và khi đã trau dồi và vận dụng hợp lý các năng lực này thì các mặt trong đời sống tình cảm tuổi mới lớn sẽ là một nguồn lực hướng chúng ta đến những điều tốt đẹp để làm chủ bản thân, định hướng đúng đắn cho cuộc đời của mình.