Theo BS Nguyễn Tuyết Mai, nguyên BS Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, sở dĩ nhiều người hay bị khô mũi trong mùa lạnh là do lớp niêm mạc mũi rất mỏng, dễ bị tổn thương. Khi gặp thời tiết lạnh và khô, lớp mao mạch trong niêm mạc bị khô, co lại, nên dễ bị đau rát thậm chí chảy máu.
Khô mũi không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bị khô mũi, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu trong vấn đề hít thở hàng ngày. Bên cạnh đó, mũi bị khô có thể dẫn đến các vấn đề như kích ứng mũi, ngứa mũi, viêm mũi, viêm xoang, thở khò khè...
Để điều trị chứng khô mũi, các chuyên gia khuyến cáo, có thể dùng thuốc xịt mũi dạng nước muối sinh lý, không có hóa chất co mạch, xịt 3 lần/ngày. Bên cạnh đó, kết hợp vệ sinh mũi hàng ngày bằng nước sạch để giúp loại bỏ các tác nhân gây hại cho mũi.
Các chuyên gia khuyến cáo, khô mũi không phải là vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên, nó gây khó chịu và ảnh hưởng nhất định đến việc hít thở hàng ngày. Ảnh minh họa
Khi thời tiết hanh khô, nên tăng cường uống nhiều nước để hạn chế việc cơ thể bị thiếu nước dẫn đến tình trạng da bị khô. Hơn nữa, có thể sử dụng máy tạo độ ẩm (máy phun sương) tại nơi ở và nơi làm việc để tăng độ ẩm cho mũi, giảm tình trạng bị khô.
Hạn chế lưu thông tới những nơi nhiều khói bụi, ô nhiễm. Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài đường vừa giúp mũi đỡ bị lạnh, khô vừa bảo vệ mũi trước nguy cơ bị bụi bẩn tấn công.
Ngoài ra, có thể dùng các loại tinh dầu như hạnh nhân, dầu dừa, dầu mè… để làm hạn chế tình trạng bị khô mũi. Đây là những tinh dầu rất giàu vitamin E cùng một số vitamin khác, các acid béo thiết yếu và khoáng chất. Chúng có tác dụng như chất làm mềm, giữ ẩm cho da.
Do đó, có thể thoa trực tiếp các loại tinh dầu này vào bên trong mũi hoặc nhỏ tinh dầu vào nước ấm để xông hơi mũi. Phương pháp này sẽ khiến mũi thoải mái hơn, cải thiện đáng kể việc mũi bị khô rát, đau nhức.
Bên cạnh những liệu pháp chăm sóc bên ngoài, cần tăng cường ăn nhiều hoa quả, những loại giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, táo... sẽ rất tốt cho làn da trong mùa khô hanh.
Lưu ý:
- Không nên ngoáy mũi nhất là dùng móng tay nhọn chạm vào vùng niêm mạc mũi. Nó có thể làm tổn thương niêm mạc và mạch máu trong mũi. Ngoài ra, ngoáy mũi nhiều cũng dễ khiến mũi bị nhiễm khuẩn.
- Không cắt lông mũi vì đây là bộ phận có chức năng "hàng rào" ngăn chặn các bụi, bẩn, vi khuẩn gây hại cho mũi. Do đó, nếu mất đi lớp bảo vệ này, niêm mạc bê trong mũi rất dễ bị tấn công đồng thời làm tăng nguy cơ bị khô mũi khi thời tiết hanh khô.
- Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ xì mũi đúng cách. Bởi lẽ, nếu xì mũi quá mạnh, liên tục cũng khiến mũi dễ bị khô hơn.