Chia sẻ của chị về phương pháp giúp con yêu sách, mê đọc sách đã truyền cảm hứng cho rất nhiều ông bố, bà mẹ có mặt tại buổi tọa đàm.
Nuôi dưỡng thói quen đọc sách
Ngay từ khi Nam còn trong bụng mẹ, chị Diệp đã thường xuyên đọc sách cho con nghe và duy trì thói quen đó đến khi Nam lớn lên. Theo chị Diệp, ban đầu, không nên áp đặt trẻ phải đọc sách gì mà hãy đọc những sách nào trẻ thích. Việc cùng đọc với con rất quan trọng để trẻ cảm thấy như có một người bạn đồng hành.
Chị Diệp chia sẻ: Mình biến căn nhà thành một thư viện nhỏ. Đừng nghĩ thư viện là phải có một giá sách lớn với rất nhiều sách mà là có một góc đọc sách riêng trong gia đình.
Vì Nam rất mê ăn nên mình có một cách là góc đọc sách cũng là nơi duy nhất trong nhà mình đặt vào đó một địa kẹo nhỏ. Do đó, Nam rất mong đến lúc đọc sách để được ăn kẹo. Ngoài ra, mình cũng cùng con đến các thư viện, nhà sách để chọn sách.
Một việc khác cũng vô cùng quan trọng, theo chị Diệp, bố mẹ phải là một tấm gương về đọc sách. “Nếu bạn không thích sách, không hay đọc sách thì sẽ rất khoa để trẻ thích. Một khi đã tạo được hứng thú đọc sách, trẻ sẽ thu được rất nhiều lợi ích từ việc đó” - chị Diệp cho hay.
Chọn sách phù hợp cho con
Tâm sự về cách chọn sách phù hợp cho con, chị Phan Hồ Điệp chia sẻ: Khi Nam còn trong bụng mẹ, sách được chọn là các bài thơ, văn vần. Cũng có khi đó là những câu chuyện liên quan đến em bé mà chị tự nghĩ ra để kể cho con nghe.
Khi Nam từ 0 đến 6 tháng tuổi, mình thường đọc các đoạn văn ngắn, có vẻ giống như lời ru rất êm ái. Khi đọc, hoặc mình đặt Nam vào bụng mẹ và mẹ hơi dựa ra ghế để con có thể nhìn vào trang sách; hoặc Nam được đặt ở vị trí có thể nhìn vào khuôn mặt mẹ. Lúc này, mình rất chú ý đến biểu cảm gương mặt, để con phát hiện ra sự liên quan giữa ngôn từ đến biểu cảm của mẹ.
Khi Nam 6 tháng - 1 tuổi, em được mẹ đọc cho nghe những sách phát triển tri giác, khi đọc xong, bé có thể sờ và cảm nhận được. Vì thời gian này gia đình sống ở Nhật, sách ở đây rất đắt, nên mình hay tự làm sách cho con.
Thời gian Nam 1 - 3 tuổi, mình chú trọng các loại sách thể loại ngụ ngôn liên quan đến các con vật hoặc các bài thơ có sự tương tác, đối đáp giữa hai mẹ con. Một cây chuyện, mỗi quyển sách thường được hai mẹ con đọc đi đọc lại nhiều lần.
Giai đoạn Nam 3 - 6 tuổi, là tuổi chuẩn bị đến trường, mình tìm mua những cuốn sách thông thường có sự lặp lại về câu chữ, đó thường là những mẩu truyện ngắn và có bìa đẹp.
Thời điểm này, mình hay kết hợp đọc truyện với các hoạt động khác, như vẽ lại câu chuyện theo trí tưởng tượng của con chẳng hạn. Giai đoạn sau đó, việc lựa chọn sách hầu như do Nam chủ động.
Để trẻ yêu đọc sách cần rất kiên nhẫn
Chị Điệp cho rằng, không phải lúc nào một đứa trẻ cũng mê đọc sách ngay từ đầu bởi bản năng của trẻ luôn ham mê nô đùa, chạy nhảy.
Với Đỗ Nhật Nam, chị Diệp phải mất hơn 1 năm để hình thành thói quen đọc sách cho con và đó là quãng thời gian cũng không hề dễ dàng.
Chia sẻ một số “mẹo” lôi kéo con đọc sách, chị Diệp cho biết, đầu tiên mình luôn đặt ra một thời gian biểu cố định cho việc đọc sách, đó là buổi sáng khi ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ.
Thứ hai: Đặt ra mục tiêu ngắn hạn để không nản chí.
Thứ ba: Trong quá trình đọc tương tác với con. Ví dụ, một trang có từ “lâu đài”, dừng lại hỏi con “Con có biết lâu đài là gì không nhỉ?”… Cách làm này giúp con biết sẽ có nhiều điều hấp dẫn, mới mẻ hơn từ cuốn sách.
Thứ tư: Dùng sách thật “tiết kiệm”. Chỉ nên đặt tối đa 3 cuốn sách ở chỗ thuận tiện nhất, khi nào sử dụng hết 3 cuốn sách mới lấy quyển mới.
Có một số cách giúp sử dụng triệt để cuốn sách, đó là ngoài đọc mẹ có thể cho con vẽ lại theo câu chuyện; dùng con rối tay diễn trên sân khấu liên quan đến câu chuyện đó; hỏi con muốn thay đổi những chi tiết nào của chuyện…
“Khi Nam còn nhỏ, mình cũng phải vượt qua những thời kỳ rất khủng hoảng để con có được thói quen đọc sách như bây giờ. Để thấy rằng, giúp con yêu đọc sách là một hành trình rất gian khó và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn” - Chị Phan Thị Hồ Điệp tâm sự.