PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục Hà Nội (ĐHQG Hà Nội) đã trao đổi xung quanh vấn đề chọn trường, chọn nghề sao cho phù hợp khi mùa tuyển sinh đang tới gần.
Trao con quyền quyết định
+ Ông có thể cảnh báo điều gì cùng các bậc phụ huynh khi chọn trường, chọn nghề thay con?
Về mặt nguyên tắc tâm lý, con người chỉ thực hiện hoạt động nào đó khi bản thân tự chọn, ra quyết định và chịu trách nhiệm. Như vậy họ sẽ thực hiện đến cùng. Do đó, trường hợp bố mẹ định hướng, lựa chọn nghề nghiệp cho con (dù đúng và với mong muốn tốt đẹp” nhưng không xuất phát từ ủng hộ, đồng tình của con thì vẫn dẫn tới việc đứa trẻ không theo đuổi hoặc bỏ dở sự lựa chọn.
Khi sự chọn trường, chọn nghề là quyết định của cha mẹ thì hệ lụy sau đó không kém gì việc cha mẹ không lựa chọn, trẻ chống đối hoặc làm theo nhưng đối phó, không có tâm huyết nghề nghiệp sau này.
Trường hợp bố mẹ chọn sai nghề, sai trường cho con thì con sẽ là người trực tiếp trả giá những sai lầm từ quyết định của bố mẹ. Như vậy, bao mong muốn, ước mơ của bố mẹ với con cái sẽ mất hết. Bố mẹ buồn bã, thất vọng 1 thì trẻ đau khổ, buồn bã thất vọng gấp nhiều lần.
Việc áp đặt, lựa chọn nghề nghiệp thay con dù đúng hay sai hướng đều để lại những hệ quả đáng tiếc.
+ Vậy trong trường hợp những mong muốn của bố mẹ với con cái về nghề nghiệp cần được thể hiện theo cách nào cho đúng, theo ông?
Khi bố mẹ mong muốn con thực hiện những điều mình mong muốn (dù đúng) thì việc áp đặt sẽ có phản ứng ngược, không hiệu quả. Vì vậy bố mẹ phải đứng trên và xuất phát từ vị trí của con để gợi mở, chia sẻ và giúp con nhận thức vấn đề đúng đắn từ đó tự đưa ra quyết định.
Có thể trao đổi, gợi mở dần dần cùng con về công việc a, b, c… đã phù hợp với mong muốn, tính cách của con chưa? nếu làm việc này theo con có thành công hay không?... Chỉ khi nào trẻ tự ra quyết định với chọn trường, chọn nghề khi đó mới đi theo và triển khai quyết định đó một cách có trách nhiệm.
Trong việc chọn trường, chọn nghề cha mẹ không thể là người quyết định thay con mà chỉ có thể đóng vai trò gợi mở để trẻ tự ra quyết định cho tương lai. Muốn làm được điều đó, cha mẹ phải hiểu về con, dành thời gian chia sẻ với con và phải có lộ trình cho quyết định lựa chọn nghề nghiệp. Lúc nào mong muốn của bố mẹ trùng hợp với con thì khi đó con sẽ có quyết định phù hợp.
+Bố mẹ không thể chọn trường, chọn nghề cho con nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong định hướng nghề nghiệp. Vậy theo ông, hướng nghiệp từ gia đình cần bắt đầu khi nào để hiệu quả phù hợp?
Ngay từ khi đứa trẻ có xu hướng kết nối xã hội, tính cách bắt đầu bộc lộ ra bên ngoài, tham gia các hoạt động với bạn bè, trò chơi… thì cha mẹ phải quan sát xem con có đặc điểm tính cách nào (dụt dè, mạnh bạo, quyết đoán, sáng tạo…). Trên cơ sở đó sẽ có sự định hướng.
Việc hướng nghiệp từ lứa tuổi mẫu giáo không còn là sớm, cần chú ý tới vấn đề này bởi bộc lộ lứa tuổi của trẻ rất quan trọng để bố mẹ biết được xu hướng, tính cách trẻ.
Tất nhiên bố mẹ phải lưu ý, định hướng nghề nghiệp ở lứa tuổi nhỏ phải cho con được trải nghiệm với nhiều lựa chọn, gợi mở khác nhau để từ đó nhận diện có phù hợp với con hay không. Định hướng nghề nghiệp từ gia đình cần bắt đầu càng sớm càng tốt.
Cùng con gỡ rối
+ Nhiều cha mẹ “than” rằng con không có mong muốn, sở thích, định hướng nghề nghiệp sớm và nhất quán, thậm chí chọn nghề chỉ vì thấy hay hay, có lợi trước mắt… Trường hợp này cần có giải pháp ra sao để định hướng nghề nghiệp phù hợp?
Nhiều cha mẹ chia sẻ dù con đã học lớp 11, 12 nhưng mỗi thời điểm lại đưa ra một lựa chọn nghề nghiệp khác nhau cho mình. Lúc thích làm giám đốc để có thu nhập cao, lúc lại chọn đầu tư chứng khoán để kiếm nhiều tiền nhanh, khi khẳng định không cần thi Đại học vì có thể kiến thức trong sách, và thực tế…
Trong trường hợp này, hãy trao đổi với con về sự ủng hộ của bố mẹ và khẳng định con có quyền lựa chọn. Tuy nhiên phải giúp con thấy được sự lựa chọn nghề nghiệp rất quan trọng và không phải lúc nào cũng có thể thay đổi.
Cha mẹ có thể chia sẻ với con nhiều hơn ở góc độ đang quan tâm. Ví như với chứng khoán có thể đặt ra một trò chơi gia đình cùng đầu tư (phù hợp) cho con khoảng 1-2 tháng để xem con làm được hay không. Nếu tăng lợi nhuận bố mẹ có thể trả, nếu mất con phải trả lại bố mẹ…
Hãy cho con trải nghiệm, thử sai, để nhận ra thắng thua vì lý do nào? Cần giúp con hiểu, trong trường hợp con thắng có thể do may mắn, hoặc học hỏi được ít nhiều từ thực tế và có chút kiến thức. Nhưng để “chiến đấu” với biết bao người giỏi, những người được học tập trường lớp chuyên nghiệp thì con đã trang bị cho mình những kĩ năng gì? thiếu gì? có khả năng và phù hợp không?
Trường hợp con thua, hãy giải thích cho con hiểu những kiến thức ở vấn đề con quan tâm nếu không được đào tạo, không hiểu bản chất thì chỉ như người đang đi “đánh bạc”. Như vậy sẽ không an toàn, cần cân nhắc lại việc chọn chơi chứng khoán như một nghề nghiệp hay không?
Hãy luôn ủng hộ cho việc thử sai với nghề nghiệp. Khi có sự trải nghiệm trẻ sẽ có nhận thức đúng về nghề nghiệp mà bản thân định lựa chọn.
+ Trong trường hợp nhìn thấy sự lựa chọn nghề nghiệp của trẻ là sai lầm, không phù hợp với năng lực… thì cha mẹ cần ứng xử ra sao thưa ông?
Cha mẹ có thể ngăn cản con theo nghề a, b, c… nhưng càng ngăn cấm trẻ càng có xu hướng làm ngược lại hoặc chống đối. Thay vì như vậy, hãy phân tích để con nhận ra sự lựa chọn của mình chưa phải là hợp lý nhất trong các sự lựa chọn.
Phải cho con thấy kết quả sự lựa chọn đó trong mối tương quan năng lực và khả năng bản thân. Hãy chỉ ra kết quả dự báo dựa trên năng lực, tính cách, điều kiện… thì trẻ mới có thể nhận ra đã phù hợp hay chưa.
Cha mẹ cần đưa ra những tình huống thực tế để giúp con nhận ra sự lựa chọn sai, từ đó không làm nữa thay vì nói ‘toẹt” với con “việc này con không thể làm được”, “con không thể thành công”…