Bí quyết gắn kết sức mạnh giáo dục gia đình - nhà trường

GD&TĐ - Cô Bùi Thị Thu - Trường THPT Hậu Lộc 1 (Thanh Hóa) cho rằng, để phát huy được hết tiềm năng giáo dục của gia đình, đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm phải khéo léo nhằm đảm bảo được tính thống nhất, toàn vẹn của quá trình giáo dục.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phát huy hiệu quả của sổ liên lạc

Việc đầu tiên, theo cô Bùi Thị Thu là thường xuyên, trao đổi, liên lạc với phụ huynh học sinh thông qua sổ liên lạc hàng tháng (điều mà ngày nay còn rất ít giáo viên chủ nhiệm làm).

Sổ liên lạc cần giao cho các tổ trưởng trực tiếp ghi vào qua theo dõi từng ngày, từng tiết học (kể cả các điểm các bài kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết và học kì). Bản thân học sinh cũng phải tự nhận xét, cán bộ lớp ghi, ký tên rồi sau đó mới là nhận xét của giáo viên chủ nhiệm.

Các sổ liên lạc sẽ được gửi về cho gia đình học sinh hàng tháng, giữa kỳ và cuối kỳ có kèm theo bảng điểm của tất cả các học sinh trong lớp. Mục đích để phụ huynh có thể nghiên cứu so sánh lực học của con mình với các bạn, từ đó động viên khích lệ thậm chí “khiêu khích” con mình cố gắng.

Cô Bùi Thị Thu cũng cho biết, mình cũng cung cấp cho phụ huynh tên tuổi, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số điện thoại của học sinh cả lớp, số điện thoại của các giáo viên bộ môn dạy ở lớp để phụ huynh có thể liên lạc, hỏi han nếu trong trường hợp cần thiết.

Với các làm như vậy, gia đình cũng có thể trực tiếp liên lạc với giáo viên bộ môn để trao đổi về tình hình con em, hay xin tham mưu về việc mua tài liệu tham khảo, thậm chí cách định hướng cho con có phương pháp học môn học đó cho phù hợp.

Gắn kết chặt chẽ giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ học sinh

Cô Bùi Thị Thu có một cách quản lý học sinh hết sức chặt chẽ, bằng cách tận dụng tối đa sự phối hợp của cha mẹ học sinh.

Ví dụ, với những học sinh nghỉ học chính, học thêm, cô Thu đều yêu cầu phụ huynh phải gọi điện trực tiếp bằng số điện thoại đã đăng ký tại cuộc họp phụ huynh, đồng thời với việc học sinh viết giấy xin phép nghỉ.

Giấy xin phép này phải được chính phụ huynh ký tên và phải trùng với chữ ký tại cuộc họp đầu năm.

Vì sao phải chặt chẽ như vậy? Cô Thu lý giải, vì có không ít trường hợp học sinh đi học nhưng không vào trường, bỏ học đi chơi rồi nhờ người viết giấy xin phép, gọi điện báo cáo.

Nếu có học sinh nghỉ học bất thường không có lý do, theo cô Thu, giáo viên chủ nhiệm nên gọi điện trực tiếp cho phụ huynh ngay trong ngày hôm đó để tìm hiểu. Nếu không liên lạc được, có thể ghi thư tay với nội dung ngắn gọn rồi gửi học sinh khác đem về.

Trong mỗi cuộc họp phụ huynh, cô Thu cũng gửi lại cho phụ huynh xem bản tự kiểm điểm của từng học sinh sau mỗi học kì để phụ huynh biết con mình đã làm gì, đang như thế nào và sẽ định ra sao ở kỳ sau.

Thậm chí, các em còn được yêu cầu viết về ước mơ trong tương lai để giúp cha mẹ hiểu, định hướng con chính xác hơn.

Bên cạnh đó, học sinh phải ghi rõ lịch học thêm ngoài nhà trường để phụ huynh quản lý ( nhiều phụ huynh không làm được điều này, chỉ biết cho con tiền đóng học thêm mà không biết chính xác con học ai, ở đâu, giờ nào, học như thế nào để quản lý cho tốt).

Khi có những kế hoạch đột xuất hoặc liên quan đến các khoản thu, chi, cô Thu cho rằng, giáo viên chủ nhiệm nên gửi thông báo đến từng phụ huynh rồi thu lại kiểm tra chữ ký xác nhận của phụ huynh sau khi nhận được.

Phụ huynh học sinh không nên cho con em sử dụng điện thoại di động vì “lợi bất cập hại”. Các em có thể bị chi phối về thời gian và tinh thần cho những cuộc điện thoại không cần thiết hay do những tin nhắn mang nội dung tiêu cực.

Cô Bùi Thị Thu 

Bên cạnh đó, việc ký cam kết giữa học sinh - nhà trường và gia đình luôn đượ chú trọng, đặc biệt không để các em sa ngã và bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Việc này thường được thực hiện trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm.

Những công việc rất cụ thể liên quan đến việc này được yêu cầu đến từng phụ huynh, như: Phụ huynh thỉnh thoảng nên kiểm tra cặp sách của con, kiểm tra con đi học có mặc đúng đồng phục, giầy dép quy định không, còn điện thoại (nếu có) thì có tin nhắn, hình ảnh bậy bạ không…

Tận dụng sức mạnh của chi hội cha mẹ học sinh

Cô Thu lưu ý, giáo viên chủ nhiệm không nên xem nhẹ vai trò của tổ chức chi hội cha mẹ học sinh. Hoạt động của chi hội góp phần quan trọng vào kết quả giáo dục học sinh ở lớp, nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Nội dung và phương pháp phối hợp với chi hội như sau:

Trước khi tiến hành cuộc họp phụ huynh học sinh, giáo viên trực tiếp trao đổi trước với Ban chấp hành chi hội để bàn bạc thống nhất về chủ trương, kế hoạch giáo dục, trên cơ sở thống nhất của đội ngũ cán bộ và tập thể lớp, dựa vào kế hoạch chung của nhà trường (trừ cuộc họp đầu tiên của năm lớp 10 khi chưa bầu ra Ban chấp hành).

Trong cuộc họp, giáo viên phổ biến chủ trương, kế hoạch giáo dục của nhà trường, đặc biệt là mục tiêu, kế hoạch phấn đấu của tập thể lớp; thống nhất với phụ huynh về yêu cầu, nội dung, biện pháp, hình thức giáo dục các em ở nhà. Cụ thể: Yêu cầu phụ huynh kiểm tra các em thời khóa biểu, thời gian biểu, thường xuyên để ý, quan tâm, theo dõi nhắc nhở kịp thời những sai sót của con em.

Cũng trong cuộc họp phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm thông báo rõ nội dung thưởng phạt trong lớp với hình thức bằng đồ dùng học tập chứ không bằng tiền.

Mỗi điểm 10, học sinh được thưởng một chiếc bút bi; mỗi đợt thi đua đẩy mạnh học tập, phần thưởng có thể từ một cuốn sổ, một quyển từ điển, một chiếc cặp cho đến một chiếc máy tính bỏ túi casio...

Kèm theo đó là các danh hiệu học sinh xuất sắc nhất lớp, các bộ lớp xuất sắc nhất, học sinh tiến bộ nhất ... được chính các em bình chọn.

Kinh phí khen thưởng trên có thể trích từ quỹ lớp, từ sự ủng hộ của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh.

Xác định hiệu quả hoạt động giáo dục của chi hội cha mẹ học sinh chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động của Ban chấp hành, nên ở mỗi cuộc họp đầu năm, cô Thu thường tham mưu, giới thiệu những phụ huynh nhiệt tình, có trách nhiệm, có điều kiện tốt để tham gia công tác.

Hàng tháng theo định kỳ, cứ tiết sinh hoạt của ngày thứ 7 cuối cùng của tháng, giáo viên chủ nhiệm mời các phụ huynh trong Ban chấp hành đến tham gia sinh hoạt cùng lớp.

Tại các buổi sinh hoạt đó, phụ huynh có thể thông báo cho các em kế hoạch hoạt động của chi hội, tuyên dương các em có thành tích hoặc trao đổi tâm tư nguyện vọng với các em và lắng nghe các em chia sẻ.

Thỉnh thoảng, giáo viên chủ nhiệm cũng có thể phối hợp cùng đại diện phụ huynh đến thăm những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc những em cá biệt trong lớp. Với những học ính có hoàn cảnh khó khăn, đề nghị Ban chấp hành kêu gọi sự giúp đỡ ngay trong chi hội.

Giáo viên chủ nhiệm cũng cần chú ý tập hợp, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của phụ huynh học sinh trong lớp, khuyến khích phụ huynh học sinh viết thư, gọi điện nếu có việc cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ