>>> Cần dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề ở độ tuổi nào?
>>> Giúp con xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề - Chìa khóa quản lý cuộc sống
>>> Tầm quan trọng khi dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề
Luôn đặt câu hỏi
Con được 5 tuổi và chuẩn bị hành trang vào lớp 1 nhưng chưa biết cách xử lý tình huống hay những vấn đề đơn giản khiến chị Nguyễn Phương Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) rất lo lắng.
“Con nhút nhát và thường phụ thuộc vào người lớn mỗi khi xảy ra chuyện. Ngay cả việc tranh giành đồ chơi cũng phải nhờ bố mẹ giải quyết hoặc khi gặp sự cố nhỏ cũng chỉ biết ngồi khóc”, chị Lan chia sẻ.
Giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng thiết yếu của cuộc sống. Cha mẹ cũng không thể lúc nào cũng ở bên cạnh để bao bọc hay giúp đỡ con. Chẳng hạn như làm thế nào để buộc dây giày, làm thế nào để lấy con diều bị mắc trên cao... Tất cả những điều này tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng cần phải được rèn luyện mỗi ngày.
Theo cô Nguyễn Mai Trang (Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa, Nam Định), trẻ được hình thành kỹ năng giải quyết vấn đề tốt thường rất tự tin, bản lĩnh và dễ thành công trong cuộc sống. Do đó, ở trường cũng như ở nhà, giáo viên và cha mẹ học sinh cần phối hợp để cùng dạy con kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề từ đơn giản đến phức tạp hơn.
Đơn giản ở đây được hiểu là những nhu cầu cá nhân của con như sắp xếp đồ chơi gọn gàng để dễ tìm khi cần, làm bài tập nào yêu cầu nộp gấp, bài tập chưa cần ngay làm sau… Còn phức tạp là những tình huống tác động bên ngoài đòi hỏi phải có hướng dẫn, dạy bảo của người lớn đối với độ tuổi mầm non như xử lý thế nào nếu người lạ cho quà, đi lạc đường, bị bắt cóc…
Để dạy kỹ năng giải quyết vấn đề cho trẻ mầm non, cô Trang cho rằng, trước tiên, cha mẹ cần giúp trẻ xác định vấn đề cần giải quyết. Đối với trẻ nhỏ, bước này sẽ rất khó khăn và tốn nhiều thời gian cho nên cha mẹ cần kiên trì. Bằng cách trò chuyện và lắng nghe con, cha mẹ có thể cùng con xem xét và phân tích vấn đề con đang gặp phải.
Một số câu hỏi cha mẹ có thể tham khảo như “Có chuyện gì vậy con?”, “Sao trông con chán nản vậy?”, “Con đã thử chưa?”, “Nếu con làm thế này thì điều gì sẽ xảy ra?”, “Con sẽ làm thế nào bây giờ?”…
Điều quan trọng là cha mẹ cần giúp trẻ biết cách phải làm thế nào. Để sau này khi gặp tình huống tương tự, trẻ sẽ ghi nhớ và giải quyết được vấn đề đó. Bên cạnh đó, ba mẹ cần làm gương và giữ bình tĩnh khi đối mặt với tình huống. Người lớn phải để trẻ thấy rằng, bản thân cha mẹ đã vượt qua khó khăn thế nào. Từ đó, trẻ sẽ học theo và hình thành cách ứng xử tốt trước những thử thách trong cuộc sống.
Bước tiếp theo là tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề. Ở mỗi tình huống, nên hướng dẫn trẻ cách xem xét vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau để tìm ra nguyên nhân chính xác. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn, lắng nghe, chia sẻ của người lớn. Bởi ở độ tuổi mầm non, cách giải thích, trình bày của trẻ còn hạn chế về mặt từ ngữ. Ở bất kỳ tình huống nào, chỉ khi hiểu được nguyên nhân mới có cách giải quyết hiệu quả.
Sau khi tìm hiểu được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, cha mẹ cần dạy trẻ tìm ra những giải pháp và chọn giải pháp tốt nhất. Một số câu hỏi mở để khuyến khích con đưa ra các giải pháp như “Con nghĩ con nên làm gì khi bạn giận con?”, “Làm sao để mở chiếc hộp này đây?”… Sau đó, ba mẹ hãy cùng con đánh giá và chọn ra giải pháp tối ưu nhất.
“Hãy giúp trẻ hình thành thói quen kiểm tra kết quả sau khi áp dụng giải pháp của mình. Đừng quên nhận định cảm xúc của con bằng các câu hỏi như “Con có cảm thấy ổn không?”, “Con cảm thấy dễ chịu hơn chưa?”… Nếu trẻ làm tốt, ba mẹ hãy khen ngợi và cho trẻ những phản hồi để trẻ tích lũy thêm kinh nghiệm hữu ích trong những trường hợp sau”, cô Trang lưu ý.
Ảnh minh họa. |
“Tập luyện” cùng con qua trò chơi
Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tuổi Hoa, với độ tuổi mầm non, cha mẹ nên cùng con tham gia “tập” giải quyết vấn đề qua một số tình huống hoặc trò chơi.
Theo đó, người lớn hãy cùng con chơi đóng kịch với nhiều tình huống, câu chuyện khác nhau như bé đi học, gặp người lạ, bị lạc... Hoặc sắm cho con những món đồ chơi đóng vai thú vị như búp bê, thú bông, đồ chơi bác sĩ, đồ chơi bán hàng… Trẻ sẽ được hóa thân vào các nhân vật, tự do thể hiện suy nghĩ và cách giải quyết vấn đề của mình. Nhờ đó mà kỹ năng giải quyết vấn đề cho trẻ mầm non cũng được cải thiện.
Hoặc bằng cách miêu tả lại các đồ vật, sự vật xung quanh, trẻ có thể rèn luyện kỹ năng quan sát, tăng cường trí nhớ. Trẻ cũng sẽ lưu tâm đến những đặc điểm bề ngoài, kích thước, màu sắc cho đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Chẳng hạn, cha mẹ hãy cùng bé tìm hiểu các loại đồ vật trong nhà, các con vật trong công viên, xe cộ ngoài đường... Hoặc sử dụng các món đồ chơi mô hình động vật, đồ chơi mô hình xe ô tô... để giúp con dễ hình dung và mở rộng sự hiểu biết. Trẻ sẽ phải miêu tả đặc điểm, công dụng và cách phân biệt các loài vật, sự vật khác nhau.
Bên cạnh đó, đồ chơi lắp ráp khiến trẻ phải sử dụng những mảnh ghép nhiều màu sắc, nhiều hình dạng phù hợp nhất để tạo nên những mô hình độc đáo theo hướng dẫn có sẵn hoặc dựa trên trí tưởng tượng, sáng tạo của mình. Vì vậy, món đồ chơi này được đánh giá rất cao trong việc phát triển khả năng giải quyết vấn đề và tư duy logic của trẻ mà cha mẹ nên hướng dẫn hoặc tham gia cùng con.
Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng con làm các món đồ handmade từ vật dụng trong nhà kết hợp với các đồ dùng thủ công như kéo, bút màu... Hoạt động này vừa giúp trẻ rèn luyện sự khéo léo, tỉ mỉ vừa tăng cường khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng. Đồng thời, trẻ sẽ học cách giải quyết vấn đề khi phải tìm cách sử dụng các nguyên vật liệu để tạo ra những sản phẩm như ý muốn của mình.