Bí quyết đạt điểm cao thi vào Trường Múa: Rèn luyện khả năng xử lý tình huống

GD&TĐ - Ngoài việc chuẩn bị tốt phần thi, các thí sinh cần rèn luyện khả năng xử lý tình huống.

Để trở thành diễn viên múa là hết sức nhọc nhằn.
Để trở thành diễn viên múa là hết sức nhọc nhằn.

Và quan trọng, hãy tạo cho mình một tâm thế thoải mái. Trong phần thi năng khiếu, các thí sinh có lời giới thiệu về bản thân và phần dự thi lưu loát, truyền cảm hứng cũng góp phần tạo ấn tượng tốt với ban giám khảo. Nghề diễn viên múa kén người và cũng khó kiếm người vì sự khắt khe trong tuyển sinh và đào tạo.

Năng khiếu và sự tự tin

Theo ThS Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Trưởng khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật - Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, múa là ngành học không chỉ cần năng khiếu mà đòi hỏi sự đam mê và khổ luyện. Để đạt điểm vào ngành Diễn viên múa ngoài căn cứ vào điểm, các trường tập trung phần thi năng khiếu.

Bên cạnh kiểm tra kỹ năng cơ bản, giám khảo còn xét cả hình thể, vóc dáng. Tùy theo yêu cầu từng trường, thí sinh phải qua vòng sơ tuyển kiểm tra năng khiếu múa. Thông thường, nội dung sơ tuyển gồm: Kiểm tra sức khỏe, chiều cao, cân nặng...; sơ tuyển năng khiếu, chuyên môn, hình thức âm nhạc (thẩm âm, tiết tấu, quãng giọng, âm sắc, giọng nói và trình bày tác phẩm chuẩn bị trước...); sơ tuyển năng khiếu, chuyên môn, hình thức múa (độ mềm, dẻo của tay, chân, cơ thể, làm theo mẫu về các tổ hợp múa dân gian, ballet).

Cô Khánh Ngọc cho rằng: Để qua được các vòng thi, đặc biệt là vòng thi năng khiếu môn múa, thí sinh phải thể hiện được biểu cảm hình thể, kỹ năng thực hiện các tổ hợp, động tác múa, khả năng bắt chước, cảm thụ âm nhạc. Điều này không dễ với những ai thực sự không có khả năng cảm thụ âm nhạc cũng như độ mềm dẻo của tay chân, cơ thế. Nhưng nói vậy không có nghĩa là thi tuyển năng khiếu múa quá khó.

Nếu các bạn thực sự yêu nghề múa, nên tham khảo thêm và tốt nhất là có thể tham gia một trung tâm đào tạo sơ cấp về múa nào đó. Nói vậy không có nghĩa là những bạn không có điều kiện tiếp cận với những lớp bồi dưỡng sẽ khó khăn khi qua vòng sơ tuyển hay thi năng khiếu. Thực tế có nhiều bạn trẻ ở các tỉnh thực sự yêu nghề và có năng khiếu đã vượt qua kỳ sát hạch này.

Theo Biên đạo múa, ThS Lê Minh Thùy - Giám đốc Trung tâm Dạy múa và Biên Đạo Hà Nội, nắm bắt nội dung thi một cách chi tiết sẽ giúp các thí sinh chuẩn bị kiến thức tốt hơn. Tuỳ từng chuyên ngành, thí sinh tập trung vào nội dung ôn luyện.

Chẳng hạn thi chuyên ngành Diễn viên múa thì yêu cầu về hình thể, khuôn mặt và đặc biệt là độ mở, mềm dẻo của cơ thể được đưa lên hàng đầu. Ngoài ra, các em cần nắm bắt nhanh các kỹ thuật, tổ hợp. Bình tĩnh và tự tin trình bày tiết mục của mình, chắc chắn ban giám khảo sẽ đánh giá cao.

Chỉ có tình yêu nghề mới dẫn lối đến thành công.
Chỉ có tình yêu nghề mới dẫn lối đến thành công.

Cháy bỏng tình yêu nghề

Để giúp thí sinh quen phần thi năng khiếu, một số trường mở lớp ôn luyện. Theo đó, thí sinh sẽ được ôn tập hình thể, GV hướng dẫn các tổ hợp múa từ cơ bản, đến nâng cao. Đây là những điều rất cần, có thể nói là lợi thế cho các em bước vào kỳ thi.

Từ thực tế đào tạo tại Trung tâm, ThS Lê Minh Thùy khuyên: Để vượt qua “cửa ải” của kỳ thi năng khiếu múa, thí sinh phải giữ được tinh thần tốt, có hình thể đẹp cũng như sức khỏe tốt. Các em cần có phong thái tự tin trước khi bước vào kỳ thi, không được ngại ngùng hay xấu hổ. Để có sự tự tin thể hiện hết kỹ năng của mình, nên tập luyện thường xuyên. Cùng với việc tập múa, phải luyện nghe nhạc giao hưởng, nhạc hòa tấu… rèn kỹ năng thẩm âm, giúp cảm thụ và linh hoạt trong các động tác khi thể hiện các phần thi.

Gắn bó và yêu môn nghệ thuật múa, thành lập Trung tâm Dạy múa và Biên đạo cũng nhằm giúp những người yêu nghệ thuật múa như mình có chỗ để học. ThS Lê Minh Thùy chia sẻ: Chỗ tôi có nhiều bạn trẻ đến học, có người học để thi vào trường múa, nhưng cũng có nhiều cô giáo mầm non đến học múa để về dạy cho các cháu.

Nghề múa chuyên nghiệp là rất vất vả. Đơn giản như để giảm cân, tiết trời nóng mà học viên phải mặc áo mưa đứng nhảy trong phòng học. Vì sao lại vậy, bởi môn nghệ thuật múa, hình thể là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Tăng cân, béo đùi hay béo bụng cực kỳ tối kỵ. Việc mặc áo mưa trong khi luyện tập, đối với học viên là cách giảm cân hữu hiệu. Thế nên, khi xác định theo học nghề múa, các bạn trẻ phải có cả năng khiếu, nghị lực lớn và tình yêu nghề cháy bỏng nữa.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

ThS Nguyễn Khánh Ngọc chia sẻ thêm: Thực tế cho thấy, nghề diễn viên múa rất kén chọn người và khó kiếm người. Để tuyển được thí sinh đạt yêu cầu về năng khiếu chuyên ngành, các trường đào tạo phải đi đến các địa phương, vùng sâu, vùng xa để tìm kiếm, tuyển chọn những em đạt yêu cầu về hình thể, sức khoẻ, độ bền dẻo, hình thể, chất giọng hay độ nhạy cảm về nghệ thuật, gọi chung là thanh, sắc... (đối với nghệ thuật).

Sau đó, tiếp tục tuyển sinh vòng sơ tuyển và chung tuyển theo hai vòng thi năng khiếu. Trong quá trình đào tạo cũng thường xuyên kiểm tra, đánh giá. Không ít học viên trong quá trình học tập không phát triển, bộc lộ được năng khiếu mà phải bỏ dở giữa chừng.

Thêm nữa, quá trình đào tạo kéo dài, học sinh phải khổ luyện và trải qua sự sàng lọc năng khiếu liên tục mới có thể khẳng định khả năng của mình. Đối với chuyên ngành Biên đạo, thí sinh cần tập trung xây dựng và triển khai ý tưởng câu chuyện có thông điệp thông qua ngôn ngữ múa. Câu chuyện càng mang tính nhân văn càng có chiều sâu và độ cảm cao. Ngoài ra, các em cần bình tĩnh, chuẩn bị trang phục, đạo cụ chu đáo trước giờ thi.

Thí sinh phải xác định học múa rất vất vả bởi người học vừa phải vận động trí óc, vận động tay chân, vừa phải nhớ bài, nhìn một cái là bắt chước được ngay. Các em vừa phải nghe – nhớ nhạc vừa phải kết hợp hoạt động liên tục của tay chân theo điệu nhạc. Cho nên thí sinh phải vận dụng hết các giác quan để hoàn thành bài tập, cũng như khổ luyện hàng ngày cho đến khi hoàn thành khóa học. - ThS Lê Minh Thùy 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ