Bí quyết đặt câu hỏi phát huy tư duy sáng tạo môn Toán

GD&TĐ - Nếu người thầy có kỹ thuật đặt câu hỏi sẽ góp phần phân loại, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động và tư duy sáng tạo trong học tập môn Toán của học sinh THPT.

Bí quyết đặt câu hỏi phát huy tư duy sáng tạo môn Toán

Tầm quan trọng, tác dụng của hệ thống câu hỏi

Thầy Lê Khắc Khuyến (Trường THPT Yên Định 2, Thanh Hóa) cho biết: Trong dạy học nói chung và môn Toán nói riêng, hệ thống câu hỏi của giáo viên có vai trò quan trọng, là một trong những yếu tố quyết định chất lượng lĩnh hội kiến thức của học sinh.

Thay cho việc thuyết trình, đọc chép, nhồi nhét kiến thức, giáo viên phải chuẩn bị hệ thống các câu hỏi để học sinh suy nghĩ, phát hiện kiến thức, phát triển nội dung bài học, đồng thời khuyến khích học sinh động não tham gia thảo luận xoay quanh những ý tưởng, nội dung của bài học theo trật tự loogic.

Hệ thống câu hỏi còn nhằm định hướng, dẫn dắt cho học sinh từng bước phát hiện ra bản chất sự vật, quy luật của hiện tượng, kích thích tính tích cực tìm tòi, sự ham hiểu biết.

Trong quá trình nêu câu hỏi, giáo viên là người tổ chức, học sinh chủ động tìm tòi, sáng tạo, phát hiện kiến thức mới. Đồng thời qua đó học sinh có được niềm vui, hứng thú của người khám phá và tự tin khi thấy trong kết luận của thầy cô có phần đóng góp ý kiến của mình.

Kết quả là học sinh vừa lĩnh hội được kiến thức mới đồng thời biết cách thức đi đến được kiến thức đó, trưởng thành thêm một bước về trình độ tư duy.

Việc thiết kế hệ thống câu hỏi theo các cấp độ tư duy như vậy rõ ràng mất nhiều thời gian hơn là thuyết trình bài giảng, nhưng nó có tác dụng khắc sâu kiến thức và phát triển tư duy cho học sinh.

Câu hỏi đóng

Câu hỏi đóng là dạng câu hỏi chỉ có một câu trả lời duy nhất, đúng hoặc sai hoặc có thể trả lời “có” hoặc “không”.

Câu hỏi này được sử dụng chủ yếu trong đánh giá kiến thức đã có, đánh giá mức độ ghi nhớ thông tin, trong các trường hợp cần trả lời chính xác, cụ thể, không đòi hỏi tư duy nhiều.

Câu hỏi đóng thường được dùng trong phần kết luận bài hoặc cuối phần giới thiệu bài để kiểm tra xem học sinh đã hiểu nhiệm vụ và những hướng dẫn cần thực hiện trong phần phát triển bài hay chưa.

Ví dụ : Xét tính đúng, sai các mệnh đề sau:

Hình chóp đa giác đều là hình chóp có các cạnh bên bằng nhau

Hình chóp đa giác đều là hình chóp có các cạnh bên bằng nhau và các cạnh đáy bằng nhau.

Hình chóp đa giác đều là hình chóp có các cạnh bên bằng nhau, các mặt bên là các tam giác cân.

Hình chóp đa giác đều là hình chóp có các cạnh bên bằng nhau và các mặt bên tạo với mặt đáy các góc bằng nhau.

Thầy Khuyến lưu ý: Một số câu hỏi đóng hay bán mở không hữu ích, không nên dùng khi trao đổi, thảo luận trong giờ học. Như câu hỏi đóng đã hàm ý câu trả lời, ví dụ: Khi khảo sát sự biến thiên của hàm số có cần tính đạo hàm không?

Với những câu hỏi này, học sinh chỉ có thể trả lời có hoặc không, không cần phải trình bày thêm, ít phải suy nghĩ.

Câu hỏi đóng mở đầu bằng giả định của người hỏi, ví dụ: Thầy ( cô) nghĩ em nên xét chiều biến thiên của hàm số bằng việc tính đạo hàm. Em có đồng ý không?

Loại câu hỏi này cũng bao hàm một gợi ý. Học sinh không có quyền tự do lựa chọn để đưa ra câu trả lời của mình.

Câu hỏi mở

Giáo viên muốn có thông tin về ý kiến hoặc suy nghĩ của học sinh hoặc muốn tìm hiểu, kiểm tra về kiến thức của học sinh thì cần sử dụng câu hỏi mở.

Câu hỏi mở là dạng câu hỏi có thể có nhiều cách trả lời. Khi đặt câu hỏi mở giáo viên tạo cơ hội cho học sinh chia sẻ ý kiến của cá nhân mình.

Một số loại câu hỏi mở:

Câu hỏi lấy thông tin: Giúp học sinh có cái nhìn tổng quan hoặc đưa ra những băn khoăn về tình huống hiện tại.

Dạng: Khi nào…? Cái gì…? Cái nào…? Ở đâu…? Đến đâu…? Để làm gì…?

Khi lấy thông tin, câu hỏi “Vì sao” không thích hợp vì câu trả lời mang tính chất phán xét.

Ví dụ: Khi nào thì chân đường cao của hình chóp trùng với tâm đường tròn ngoại tiếp đáy của hình chóp ấy?( Hình học lớp 11)

Câu hỏi giả định giúp học sinh suy nghĩ vượt khỏi khuôn khổ của tình huống hiện tại.

Dạng câu hỏi: Điều gì nếu….?Điều gì sẽ xảy ra nếu….?Hãy tưởng tượng….Chúng ta có thể tưởng tượng rằng….Việc tìm kiếm các giải pháp thay thế có ý nghĩa không?

Câu hỏi ý kiến: được sử dụng để khai thác suy nghĩ của học sinh về một số chủ đề nào đó.

Dạng câu hỏi: Em nghĩ gì về điều này? Ý kiến của em về…? Em thấy như thế nào?

Câu hỏi về cảm giác: được dùng để khuyến khích học sinh phân tích bản thân và các cảm giác về một tình huống cụ thể.

Dạng câu hỏi: Em đã trải qua cảm giác gì? Cảm giác của em về…?

Câu hỏi về hành động: giúp học sinh lập kế hoạch và triển khai các ý tưởng vào tình huống cụ thể.

Dạng câu hỏi: Em chuẩn bị làm gì? Khi nào em sẽ…? Những khó khăn em sẽ gặp phải khi…?Em cần những sự trợ giúp nào? Liệu đây có phải là câu trả lời cho vấn đề này…? Em có thể dự đoán phần trăm…? Có những chữ số nào là số lẻ?....

Đặc điểm của những câu hỏi mở tốt

Trung tính: Câu hỏi trung tính cho phép thu thập được nhiều thông tin về ý kiến, kiến thức, cảm xúc và giá trị nêu ra trong tình huống.

Khi đặt câu hỏi dạng này giáo viên thể hiện thái độ hoàn toàn trung tính và học sinh có thể diễn đạt câu trả lời theo cách các em muốn.

Ngắn gọn: Một câu hỏi mở tốt cần ngắn gọn và đơn giản, tránh vòng vo, khó hiểu hoặc giải thích quá nhiều, không đi thẳng vào vấn đề.

Bắt đầu bằng từ hỏi đúng - không phải câu hỏi nào cũng bắt đầu bằng cụm từ:

“Em có ý kiến thế nào về ….?”, đôi khi dạng câu hỏi này khiến câu trả lời của học sinh không đi thẳng vào vấn đề.

Khi biết chính xác thông tin mình cần trong câu hỏi giáo viên nên bắt đầu câu hỏi bằng một từ khác như: Khi nào? Ở đâu?, bằng cách nào? Hoặc bao nhiêu?

Rõ ý hỏi: Cần biết rõ mục đích hỏi thì mới chọn từ hỏi cho chính xác. Ý hỏi sẽ không rõ ràng nếu câu hỏi quá chung chung.

Phù hợp: Câu hỏi phù hợp với nội dung, chủ đề học tập; với hoàn cảnh, tâm lý, văn hóa, trình độ của người học.

Kĩ thuật đặt câu hỏi mở

Trong mỗi tiết học giáo viên giỏi là người đưa ra hệ thống câu hỏi mở phù hợp.

Khởi đầu cuộc hội thoại: Một câu hỏi mở đầu bằng các từ ai, khi nào, cái gì, như thế nào, ở đâu, … thì câu trả lời sẽ không thể là “có” hoặc “không”.

Có thể học sinh chỉ trả lời được một từ, tuy nhiên loại câu hỏi này giáo viên đang khuyến khích học sinh đưa ra câu trả lời có độ dài là một câu.

Không nên bắt đầu câu hỏi mở trong hội thoại bằng “Tại sao?”. Vì "Tại sao” hàm ý một nhận định.

Ví dụ khi giáo viên đặt câu hỏi: “Tại sao em làm theo cách đó?”, thông điệp đưa ra là em không biết làm theo cách đó không hiệu quả hay sao?

Dù giáo viên cố gắng đưa ra câu nhận định thì câu hỏi bắt đầu bằng “tại sao” đã có hàm ý như vậy rồi.

Tuy nhiên nếu giáo viên muốn tìm ra động cơ của hành vi của học sinh thì có thể chuyển câu hỏi theo hướng khác: “Điều gì đã khiến em quyết định giải bài toán theo cách này? Hoặc: “Em muốn đưa ra lý do gì cho việc chọn cách giải này?”

Sau khi đặt câu hỏi mở, giáo viên giữ im lặng trong khoảng 5 giây, ngay cả khi câu trả lời không được đưa ra.

Cho học sinh thời gian suy nghĩ câu trả lời và nếu học sinh không trả lời, giáo viên coa thể đặt câu hỏi thêm một lần nữa hoặc giải thích rõ hơn, có thể trở thành điểm xuất phát để tiếp tục đặt câu hỏi.

Lắng nghe tích cực: Nên để học sinh biết mình đang lắng nghe bằng biểu lộ qua ánh mắt, gật đầu.

Để ý đến những nội dung chưa rõ ràng trong câu trả lời: Giáo viên có thể đặt thêm một số câu hỏi để tìm ra ý nghĩa thực của nội dung đó.

Sau khi có được thông tin đầy đủ qua câu trả lời có thể tóm tắt câu trả lời của học sinh và hỏi học sinh xem mình đã hiểu đúng câu trả lời hay chưa.

Giáo viên có thể kết luận nội dung hội thoại bằng một câu kết luận rõ ràng và một sự thỏa thuận giữa giáo viên và học sinh.

Giáo viên thử sắp xếp lại các câu trả lời và tìm ra mâu thuẫn giữa các câu trả lời để đặt thêm câu hỏi: Giáo viên không nên chỉ dựa vào hàm ý của các câu trả lời để kết luận mà cần đặt thêm một số câu hỏi.

Câu hỏi theo cấp độ nhận thức

Khi trả lời các câu hỏi học sinh phải suy nghĩ, động não qua đó nâng cao nhận thức và phát triển tư duy. Mức độ phát triển tư duy phụ thuộc vào cấp độ nhận thức mà câu hỏi đặt ra.

Có thể chia các câu hỏi đóng và mở theo cấp độ nhận thức của Bloom:

Câu hỏi “Biết”, mục tiêu nhằm kiểm tra trí nhớ của học sinh về các dữ kiện, số liệu, tên người, hoặc các định nghĩa, định luật, quy tắc, khái niệm,…

Cách tiến hành: Giáo viên có thể sử dụng các từ, cụm từ sau đây: Ai…? Cái gì…? Ở đâu….? Thế nào…? Khi nào…? Hãy định nghĩa….; Hãy mô tả….; Hãy kể lại…

Câu hỏi “Hiểu” nhằm kiểm tra học sinh cách liên hệ, kết nối các dữ kiện, số liệu, các đặc điểm… khi tiếp nhận thông tin.

Cách tiến hành: Khi hình thành câu hỏi gióa viên có thể sử dụng các cụm từ sau đây: Hãy so sánh…; Hãy liên hệ…; Vì sao…? Giải thích…?

Câu hỏi “Áp dụng” nhằm kiểm tra khả năng áp dụng những thông tin đã thu được( các dữ kiện, số liệu, các đặc điểm…) vào tình huống mới.

Cách tiến hành: Trong quá trình dạy học giáo viên cần đặt ra các tình huống mới, các ví dụ, các bài tập để học sinh vận các kiến thức đã học.

Giáo viên có thể đưa ra nhiều câu trả lời khác nhau để học sinh lựa chọn một câu trả lời đúng. Chính việc so sánh các lời giải khác nhau là một quá trình tích cực. Các câu hỏi trắc nghiệm thuộc loại này.

Ở mức độ cao hơn trong thang đánh giá cấp độ nhận thức của Bloom giáo viên có thể khai thác các dạng sau:

Câu hỏi “Phân tích”: Thường đòi hỏi học sinh phải trả lời: Tại sao? (Khi giải thích nguyên nhân). Em có nhận xét gì? (Khi đi đến kết luận). Em có thể diễn đạt như thế nào? (Khi chứng minh luận điểm). Câu hỏi phân tích thường có nhiều lời giải.

Câu hỏi “Đánh giá”: Giáo viên có thể trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra đáp án, tiêu chí đánh giá,…và đặt câu hỏi yêu cầu học sinh đánh giá.

Câu hỏi “Sáng tạo”: Giáo viên cần tạo ra những tình huống, những câu hỏi, khiến học sinh phải suy đoán, có thể tự do đưa ra những lời giải mang tính sáng tạo riêng của mình. Câu hỏi tổng hợp đòi hỏi phải có nhiều thời gian chuẩn bị.

Một số cách ứng xử khi đặt câu hỏi

Để câu hỏi đặt ra có hiệu quả, ngoài việc chú ý tới nội dung, cách thức đặt câu hỏi thì giáo viên cũng cần quan tâm đến cách ứng xử.

Đó là: Dừng lại sau khi đặt câu hỏi; tích cực hóa tất cả học sinh; phân phối câu hỏi cho cả lớp; tập trung vào trọng tâm; phản ứng với câu trả lời của học sinh;

Giải thích; liên hệ; tránh nhắc lại câu hỏi của mình; tránh tự trả lời câu hỏi của mình; tránh nhắc lại câu trả lời của học sinh.

Thầy Khuyến lưu ý, câu hỏi chuẩn bị tốt nhưng kĩ năng hỏi không tốt thì hiệu quả cũng không cao: Yêu cầu học sinh trả lời ngay sau khi đưa ra câu hỏi làm cho học sinh hoàn toàn bị động sẽ dẫn đến không trả lời được hoặc trả lời sai.

Vì vậy giáo viên cần rèn luyện kĩ năng đặt câu hỏi và kỹ năng hỏi. Đồng thời trong một tiết dạy không nên áp dụng duy nhất phương pháp vấn đáp mà phải kết hợp nhuần nhuyễn, hợp lý các phương pháp dạy học để đem lại hiệu quả cao trong nhận thức và tư duy của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ