Trong hai chiếc tráp gỗ mà dòng họ Nguyễn Hữu (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) nghiêm cẩn bảo quản, thờ phụng có chứa báu vật của vua Lê Hiển Tông ban cho một vị tướng có nhiều công lao.
Giải mã bí mật hàng trăm năm
Trải qua hàng trăm năm truyền nối, gìn giữ và bảo quản chiếc tráp gỗ, mới đây, dòng họ Nguyễn Hữu ở xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) mới quyết định làm rõ những bí mật chứa bên trong.
Ông Nguyễn Hữu Bá - Tộc trưởng dòng họ Nguyễn Hữu cho hay, từ đời này qua đời khác, con cháu của dòng họ luôn bảo ban nhau trông coi cẩn thận hai tráp gỗ được sơn son thếp vàng, đặt ở vị trí trang trọng tại nhà thờ họ. Hi hữu mới có người được mở ra xem, tuy nhiên về nội dung bên trong không ai nắm được cụ thể.
“Mỗi lần mở ra chỉ có những người giữ chức sắc quan trọng của dòng họ mới được thực hiện. Trước khi di chuyển mở ra phải cẩn trọng thắp hương, khấn vái xin phép các cụ tổ tiên. Dù bên trong chỉ chứa các bản giấy viết bằng chữ Hán nhưng chúng tôi luôn coi đó là báu vật”, ông Bá nói.
Theo quan sát, tráp thứ nhất chứa ống nứa được quấn bằng hai lớp vải lụa bên ngoài màu vàng, bên trong màu đỏ, ống có nắp đậy, đánh véc-ni sáng bóng. Bên trong ống nứa có 3 bản giấy cứng có chiều dài khoảng 1,3m, chiều rộng khoảng 0,5m, màu vàng đậm, trên nền trang trí hình rồng và một số họa tiết mây, lửa...
Trên các bản giấy chữ Hán được viết bằng mực tàu màu đen, đóng triện màu đỏ. Dù trải qua hàng trăm năm nhưng các bản giấy còn khá nguyên vẹn, chỉ bị hư hỏng nhẹ ở bên góc.
Tráp còn lại cũng chứa ống nứa nhưng nhỏ hơn, không được quấn bằng lụa như ống trên. Bên trong ống nứa nhỏ chứa 3 bản giấy dó màu trắng đục, trên các bản giấy đó cũng được viết bằng chữ Hán bởi mực tàu màu đen, đóng triện đỏ.
Theo ông Bá, bí mật bên trong các tráp gỗ chỉ được giải mã cách đây khoảng một tháng khi con cháu quyết định mở ra và gửi các bản giấy viết bằng chữ Hán trong các tráp gỗ ra Viện Sử học nhờ các chuyên gia dịch nghĩa.
“Qua phiên dịch của Viện Sử học thì tráp gỗ thứ nhất chứa 3 tấm sắc phong do vua Lê Hiển Tông ban cho ông Nguyễn Danh Dương, một vị tướng nhà Hậu Lê từng lập được nhiều chiến công. Các tấm trong tráp còn lại là bảng sắc (quyết định giao nhiệm vụ) do Hà Tĩnh tuần phủ giao cho ông Nguyễn Độc”, ông Bá nói.
Mỗi lần mở các tráp gỗ, những người có chức sắc trong dòng họ Nguyễn Hữu phải thắp hương, khấn vái cẩn trọng. |
Vị tướng lập nhiều chiến công thời Hậu Lê
Theo bản dịch của Viện Sử học, sắc phong thứ nhất do vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 32 năm 1771, sắc cho ưu binh đội trưởng quân doanh trấn Ninh, Nguyễn Danh Dương người xã Đại Nại, huyện Thạch Hà.
Vị tướng này từng theo quan Tổng lãnh đạo Nghệ An là Đại tư đồ Đoan Quận Công tiến đánh trận Ninh trấn. Ra nơi trận tiền, ông nỗ lực lập công, chém được đầu giặc, lại bắt sống được tù binh, tịch thu được ngựa, voi, súng các loại, phá được sào huyệt của giặc, rất được công tích, đã từng có chuẩn chỉ cho làm chức Bách hộ, là Phấn lực tướng quân, Hiệu lệnh ti tráng sĩ Bách hộ, Hạ trật.
Sắc phong thứ hai do vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 39 năm 1778 sắc cho Nguyễn Danh Dương Phấn lực tướng quân hiệu lệnh ti tráng sĩ Bách hộ, Hạ trật là ưu binh doanh trấn Ninh, từng phụng mệnh tiến đánh đạo Thuận Quảng có nhiều công lao, đã từng có chỉ chuẩn thăng chức Phó Thiên hộ. Xứng đáng được thăng làm Tráng tiết tướng quân, Hiệu lệnh ti tráng sĩ, Phó Thiên hộ, Thiết kỵ úy, Trung liệt.
Sắc phong còn lại ban vào năm 1783, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44, vua Lê Hiển Tông viết: “Sắc cho Phó thiên hộ Nguyễn Danh Dương, người xã Đại Nại, huyện Thạch Hà, đã từng theo hầu Tự vương khi mới lên ngôi, lại lập được công lao.
Phía ngoài ống nứa chứa sắc phong được bọc bằng các tấm vải lụa. |
Các tấm sắc phong trải qua hàng trăm năm vẫn còn khá nguyên vẹn. |
Người là Ninh trấn quân doanh, một lòng phò giúp, đáng được khen thưởng, đã từng có chỉ chuẩn thăng chức Thiên hộ. Xứng đáng được làm Kiệt trung tướng quân, hiệu lệnh ti kỳ bài tráng sĩ, Vân kỵ úy, Thiên hộ, Trung tuyển”.
Tộc trưởng dòng họ Nguyễn Hữu cho hay, sau khi biết các sắc phong quý vua ban cho vị tướng của dòng họ, con cháu rất vui mừng họp lại, bàn bạc để chuẩn bị các thủ tục cần thiết trình lên các cơ quan chức năng để có phương pháp bảo vệ cổ vật của dòng họ và làm rõ lai lịch của người được vua sắc phong.
Ông Nguyễn Trí Sơn - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh cho biết, những sắc phong thời Cảnh Hưng không hiếm ở Hà Tĩnh, nhưng để có 3 bản sắc phong cho một nhân vật và hiện trạng sắc phong còn khá nguyên vẹn như vậy thì rất ít.
“Đây là những sắc phong của vua ban cho vị tướng khi đang còn sống. Qua đó, có thể thấy ngài ấy từng lập được nhiều chiến công ở thời Hậu Lê”, ông Sơn nói.