'Hồi sinh' sắc phong

GD&TĐ - Sắc phong cũng như các tư liệu cổ là kho báu tri thức của tiền nhân, chứa đựng hồn phách dân tộc, là ký ức của quốc gia và bản sắc của đất nước.

Việc bảo quản sắc phong, tài liệu cổ cần đảm bảo các tiêu chuẩn khoa học.
Việc bảo quản sắc phong, tài liệu cổ cần đảm bảo các tiêu chuẩn khoa học.

Câu chuyện về 6 đạo sắc phong tại đình Thần Mỹ Thọ (Cao Lãnh, Đồng Tháp) là minh chứng điển hình về hành trình “hồi sinh” từ tình trạng bết dính, hư hỏng nặng... đến được khôi phục gần như hoàn chỉnh.

“Tái sinh” 6 đạo sắc phong hư hỏng nặng

Sắc phong cũng như các tư liệu cổ là kho báu tri thức của tiền nhân, chứa đựng hồn phách dân tộc, là ký ức của quốc gia và bản sắc của đất nước. Việc bảo vệ an toàn và kéo dài tuổi thọ các sắc phong cũng như tư liệu cổ có ý nghĩa rất lớn. Trước sự cấp thiết đó, ngày 12/4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức tọa đàm “Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để kí ức luôn hồi sinh”.

Các đạo sắc phong được ví như linh hồn của các làng xã, đình đền. Bởi vậy việc 6 sắc phong tại đình Thần Mỹ Thọ bị hư hỏng đến mức “không có cách nào phục hồi” đã từng khiến không ít người buồn bã. Trong suốt thời gian từ tháng 4/2017 đến tháng 7/2020, nhiều người mất ăn mất ngủ, chỉ cầu mong sao sắc phong làng mình có thể “hồi sinh”.

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, các cụ trong Ban tế tự kể lại rằng, khi chạy giặc những năm 1940, cuộn sắc này bị rớt xuống sông, sau đó được vớt lên cho vào ống quyển (bằng đồng) cứ để vậy đến nay. Đây là trường hợp tài liệu bị hỏng nặng nhất mà người dân nhờ trung tâm khắc phục. Mặc dù rất lo lắng nhưng đoàn công tác vẫn tiếp nhận và quyết tâm bóc tách, tu bổ phục chế.

Tại trung tâm, các chuyên gia đã tiến hành thăm dò, khảo sát, tìm hướng giải quyết. Nhờ kinh nghiệm từng thực hiện bóc tách các tập Châu bản triều Nguyễn, nhóm chuyên gia đã thận trọng từng bước tiến hành mở, bóc cuộn sắc phong. Có những lúc công việc tưởng như bế tắc, mọi người lại động viên nhau kiên trì với phương châm “chậm mà chắc còn hơn nhanh rồi hỏng”.

Nhân đợt trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản về bóc tách, tu bổ phục chế Châu bản triều Nguyễn, các chuyên gia đã tham khảo thêm ý kiến và thống nhất giải pháp như xử lý tài liệu Châu bản triều Nguyễn. Tuy nhiên, có điểm khác biệt về chất liệu giấy sắc do hư hại nặng nên bong rộp. Do vậy, tình trạng đã khó lại càng khó hơn, khi xử lý cần thận trọng hơn. Do giấy quá yếu và bị rách thành nhiều mảnh vụn nên có một số công đoạn phải đảo ngược quy trình.

Cứ như vậy, việc bóc tách các sắc phong của đình Thần Mỹ Thọ vẫn tiếp tục. Đến tháng 3/2019, tròn 2 năm việc bóc tách và xếp các mảnh nhỏ tái hiện hình hài cho các đạo sắc phong đã cơ bản. Đến tháng 7/2020, nghĩa là sau 3 năm 3 tháng, việc tu bổ hoàn thành trong sự vui mừng của cả người dân lẫn chuyên gia.

Ông Trần Đăng Phương - Trưởng phòng Xử lý nghiệp vụ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, là một trong những người góp phần “hồi sinh” 6 đạo sắc phong đình Thần Mỹ Thọ cho biết: “Mặc dù rất lo lắng nhưng đoàn công tác vẫn quyết định tiếp nhận và quyết tâm bằng mọi cách, đáp ứng tâm nguyện của người dân với suy nghĩ “người dân đã tin tưởng giao phó mà chúng ta - những người làm chuyên môn sợ khó, sợ khổ không nhận thì họ biết tìm ai?”.

Với sự cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, cầu thị học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia… chúng tôi đã hoàn thành việc bóc tách, tu bổ, phục chế và làm phiên bản để sắc phong ‘hồi sinh’”.

Cuộn 6 sắc phong của đình Thần Mỹ Thọ (Cao Lãnh, Đồng Tháp) trong tình trạng hư hỏng nặng.

Cuộn 6 sắc phong của đình Thần Mỹ Thọ (Cao Lãnh, Đồng Tháp) trong tình trạng hư hỏng nặng.

Mất 3 năm 3 tháng, các chuyên gia của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I mới hoàn thành việc bóc tách và khôi phục 6 đạo sắc phong.

Mất 3 năm 3 tháng, các chuyên gia của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I mới hoàn thành việc bóc tách và khôi phục 6 đạo sắc phong.

Biết bảo quản để giữ gìn cho đời sau

Theo Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, sau khi “hồi sinh” sắc phong và trao lại “linh hồn” làng xã cho các cơ sở, trung tâm đều có những buổi tập huấn bảo quản tài liệu, để những người có trách nhiệm liên quan hiểu được giá trị, biết các kỹ thuật cơ bản trong công cuộc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tư liệu.

“Tôi cho rằng, đây là giải pháp hiệu quả nhất, lan truyền mạnh mẽ nhất, làm thay đổi suy nghĩ, giúp người dân hiểu hơn về bảo quản đúng cách. Trong nhiều năm qua, trung tâm cũng đã mở lớp tập huấn bảo quản tài liệu tại nhiều cơ quan, địa phương. Mục đích của lớp tập huấn là trang bị thông tin về tài liệu, về nghiệp vụ bảo quản, khai thác sử dụng tài liệu. Từ đó, giúp người dân nâng cao ý thức giữ gìn và kéo dài tuổi thọ cho các tài liệu quý, hiếm”, ông Trần Đăng Phương cho hay.

Cũng theo ông Phương, việc bảo quản an toàn tài liệu sau tu bổ phải được thực hiện theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tài liệu sau tu bổ dù tình trạng vật lý được cải thiện nhưng không thể trở lại như mới.

Vì vậy, trong bảo quản và sử dụng cần phải được thực hiện theo giải pháp phù hợp (có trường hợp tài liệu sau tu bổ có thể cuộn lại, nhưng cũng có trường hợp không được cuộn mà phải bảo quản trong tủ chuyên dụng).

Xét về góc độ an ninh, phòng chống cháy nổ thì các cơ sở thờ tự, nhà dân không phải địa chỉ an toàn để bảo quản tài liệu quý hiếm. Thực tế tại rất nhiều cơ sở thờ tự trên cả nước xảy ra việc mất trộm các đạo sắc phong hoặc bị thiêu hủy khi có hỏa hoạn.

Câu chuyện 39 sắc phong và 1 bản đồ của đền Quốc tế, xã Dị Nậu (Tam Nông, Phú Thọ) bị mất trộm vào năm 2021 là một ví dụ. Đây là tổn thất nghiêm trọng, cũng là bài học về sự cần thiết phải có biện pháp bảo quản, bảo vệ an toàn tài liệu quý. May mắn là trước đó, vào năm 2020 Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã đến đền Quốc tế scan 40 tài liệu quý. Đây là nguồn cung cấp bản số hóa cho cơ quan chức năng để phục vụ công tác thu hồi bản gốc.

Ngày 12/4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức tọa đàm 'Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để kí ức luôn hồi sinh'.

Ngày 12/4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức tọa đàm 'Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để kí ức luôn hồi sinh'.

GS Michaelle Biddle thao tác với tài liệu Châu bản tại xưởng tu bổ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

GS Michaelle Biddle thao tác với tài liệu Châu bản tại xưởng tu bổ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Chuyên gia Mỹ gợi ý cách tu bổ

Trước thực trạng nhiều sắc phong, tư liệu quý giá bị xuống cấp, ngày 12/4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức tọa đàm “Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để kí ức luôn hồi sinh”. Tọa đàm thu hút đông đảo giới chuyên gia trong và ngoài nước tham gia bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như những bài học hiệu quả trong việc bảo quản và phục chế tài liệu.

GS Michaelle Biddle - chuyên gia tu bổ văn bản cổ của Thư viện Đại học Wesleyan (Mỹ), trong dịp làm việc và trao đổi kinh nghiệm với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã khảo sát kho bảo quản tài liệu Châu bản triều Nguyễn. Từ đó, bà đã chia sẻ kinh nghiệm tu bổ tài liệu giấy dó, nhất là những tập châu bản bị hỏng.

GS Michaelle Biddle cho rằng, Chính phủ Việt Nam rất tập trung đầu tư cho việc lưu trữ tài liệu. Trong những tập hư hỏng nặng của khối châu bản, tình trạng hỏng của mỗi tập rất khác nhau. Có một số tập chỉ cần tập trung và cẩn thận bóc tách, thì chỉ mất 24 giờ làm việc.

Tuy nhiên có một số tập do trong quá khứ đã bị tình trạng ẩm ướt quá lâu dẫn đến nhiều loại nấm sinh sôi, ăn hết thành phần gỗ của giấy, khiến các trang này dính chặt với nhau. Vì thế nên thử giảm độ ẩm trên một phần văn bản xuống khoảng 15% để dễ dàng bóc tách.

Một số tập khác, chất lượng giấy có thêm thành phần đất sét, nên khi gặp nước sẽ biến thành chất keo, làm cho khả năng thành công của việc bóc tách rất thấp. Tất nhiên là còn quá sớm để kết luận nếu chưa phân tích thành phần giấy. GS Michaelle Biddle hi vọng trong tương lai, vấn đề này sẽ được chú ý.

Kỹ thuật đóng quyển của châu Âu cũng làm cho các trang văn bản càng gắn chặt. Bà nghĩ đến trường hợp giấy Papyrus, trong trường hợp này, đối với những tờ không thể tách rời và bị ngược chữ, có thể dùng kỹ thuật gương phản để đọc nội dung một số trang.

“Cũng không nên quá lo lắng, theo kinh nghiệm làm công tác bảo quản khoảng gần 50 năm, khi nhìn lại tôi thấy kỹ thuật đã biến đổi rất nhiều. Vì thế trong những trường hợp không chắc chắn cao về thành công, tôi đề nghị duy trì ở trạng thái hiện tại, có thể trong tương lai công nghệ phát triển sẽ giúp tu bổ các tập này”, GS Michaelle Biddle chia sẻ.

Phiên bản sắc phong phục chế của đình Thần Mỹ Thọ do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thực hiện.

Phiên bản sắc phong phục chế của đình Thần Mỹ Thọ do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thực hiện.

Hộp bảo quản sắc phong do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thiết kế có chất liệu bìa ép bọc giấy dó quét nhựa của cây cậy.

Hộp bảo quản sắc phong do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I thiết kế có chất liệu bìa ép bọc giấy dó quét nhựa của cây cậy.

Chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật bồi mặt văn bản hư hỏng, GS Michaelle Biddle cho rằng, loại giấy được sử dụng là giấy thủ công của Nhật Bản - loại 5g, bà đặt từ một nhà cung cấp của Nhật Bản, gia hồ bằng loại keo Klucel G- ¼ Ib và dùng cồn ethyl alcohl 99% dạng phun sương để gắn giấy lên bề mặt văn bản.

Loại giấy này mỏng, hoàn toàn có thể nhìn xuyên thấu nội dung văn bản, vì thế giúp gia cố bề mặt văn bản mà không cần mở hai nửa văn bản như châu bản, hoặc không cần tháo quyển như sách, cũng như phù hợp với loại văn bản viết hai mặt.

GS Michaelle Biddle giới thiệu về hộp đựng tài liệu mà bà đã nghiên cứu và phát triển trong nhiều năm qua. Loại hộp này có thể làm tại chỗ ứng với kích thước cụ thể của tài liệu. Bà đã từng nhiều lần hướng dẫn người dân tại châu Phi để họ cất giữ văn bản của mình.

Đặc điểm loại hộp đựng này là giá thành không quá cao (giá nguyên liệu khoảng 2 USD), hộp chắc chắn, thoáng khí và có thể làm tại chỗ tùy theo kích thước văn bản, tránh được trường hợp hộp lớn hơn và nhỏ hơn văn bản lưu trữ so với hộp làm sẵn theo tiêu chuẩn.

Đối với dụng cụ tu bổ, vị chuyên gia cũng giới thiệu những dụng cụ mang theo, như các loại đèn cầm tay soi giấy, nấm, côn trùng, hay kính lúp, kính hiển vi để quan sát bề mặt văn bản, hoặc các dụng cụ bóc tách có thể hỗ trợ cho xử lý châu bản.

Theo các chuyên gia Viện Bảo tồn di tích, tài liệu giấy cổ, đặc biệt là sắc phong trải qua thời gian lâu dài, với đặc tính là vật liệu dễ bị phân hủy theo thời gian, dưới tác động của môi trường, côn trùng, và điều kiện bảo quản, sử dụng, gia cố không đúng cách là những nguyên nhân gây hư hỏng.

Bởi vậy, việc bảo quản phải có kho bảo quản, giá đựng, hộp đựng... đủ tiêu chuẩn. Cách bảo quản sắc phong tốt nhất theo kinh nghiệm truyền thống là dùng giấy dó bọc lại, sau đó bỏ trong ống tre hoặc hộp giấy phi axit, kèm gói chống ẩm. Để ở vị trí khô thoáng và phải có sự kiểm tra định kỳ, vệ sinh tư liệu để kịp thời xử lý tình trạng hư hỏng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ