'Chảy máu' sắc phong: Cách nào bảo vệ?

GD&TĐ - Mấy ngày nay, giới yêu mến lịch sử nước nhà ồn ào chuyện sắc phong Việt bị đem ra đấu giá tại Trung Quốc.

Lễ hồi hương sắc phong ở làng Nghè Tây, xã Thành Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa).
Lễ hồi hương sắc phong ở làng Nghè Tây, xã Thành Lộc (Hậu Lộc - Thanh Hóa).

Trên thực tế, các sắc phong này đều là các di sản bị đánh cắp. Theo một cách nào đó, các sắc phong được mua đi bán lại và xuất hiện chính thống tại các nhà đấu giá quốc tế. Nhiều làng bị mất sắc phong chỉ đành ngậm ngùi, vì một khi sắc phong đã “chảy máu” sang nước ngoài thì gần như không còn cơ hội hồi hương.

Hàng trăm sắc phong bị rao bán ở nước ngoài

Thông tin một số sắc phong Việt Nam rao bán trên trang đấu giá của Trung Quốc.

Thông tin một số sắc phong Việt Nam rao bán trên trang đấu giá của Trung Quốc.

Mới đây, trên website của công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” có đăng tải thông tin: Vào 9 giờ 30 ngày 22/4/2023, tại khách sạn Majesty Plaza Thượng Hải sẽ diễn ra phiên đấu giá “Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm” (ký hiệu phiên đấu giá S23041).

Hiện vật đấu giá là 672 món đồ bằng giấy, trong đó có đạo sắc khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam (có số thứ tự từ 2243 đến 2254, bao gồm sắc phong đã có tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).

Thông tin này ngay sau đó được nhiều người chia sẻ và đưa ra các bình luận. Theo anh Trần Ngọc Đông - một thành viên tích cực của cộng đồng bảo vệ di sản Việt Nam thì các sắc phong sắp bị đấu giá tại Trung Quốc đều là các di sản quý giá.

Trong các loại sắc phong thì sắc phong thần được coi là quan trọng nhất, là đạo sắc phong được nhà vua ban ra để phong tặng, xếp hạng, công nhận các vị thần linh, thành hoàng… được thờ tự tại các ngôi đình, đền, miếu.

Đây là tài sản chung của cả làng, cả xã nên thường được lưu giữ tại đình đền. Xưa kia sắc phong có ý nghĩa to lớn với làng xã về mặt tinh thần và tâm linh nên được toàn dân giữ gìn cẩn thận coi như bảo vật.

Theo thống kê của nhóm “Kể sử làng” - trên website công ty đấu giá ở Trung Quốc hiện đang rao bán khoảng 100 sắc phong Việt Nam.

Trong đó, khoảng 17 sắc phong thời Lê trung hưng (sớm nhất ghi niên hiệu Vĩnh Tộ (1626), 2 sắc phong thời Tây Sơn (1 sắc phong niên hiệu Quang Trung (1789), 1 sắc phong niên hiệu Cảnh Thịnh (1793), khoảng 81 sắc phong thời Nguyễn (các sắc phong thuộc niên hiệu Thiệu Trị: 13 sắc, Tự Đức: 19 sắc, Đồng Khánh: 8 sắc, Thành Thái: 4 sắc, Duy Tân: 12 sắc, Khải Định: 25 sắc).

Các sắc phong này chủ yếu thuộc về các làng xã thuộc các tỉnh thành: Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương. Trong đó, đáng chú ý là loạt sắc phong của đền Quốc Tế thuộc xã Dị Nậu (Tam Nông, Phú Thọ) với giá khởi điểm từ 2.800 - 3.500 nhân dân tệ (từ 9,5 đến khoảng 12 triệu đồng). Vào tháng 5/2021 kẻ gian đã đột nhập và cạy két lấy đi 40 đạo sắc phong của ngôi đền này.

Sắc phong là niềm tự hào, mang tính thiêng liêng với mỗi làng và cá nhân người được phong sắc nên được giữ gìn cẩn thận. Không chỉ có về phương diện tư liệu, sắc phong còn là cổ vật, di sản. Với sắc phong thần, năm Tự Đức thứ 6 (1853) định lệ “nơi nào bị mất sắc thần, thì người giữ sắc và lý trưởng bị phạt trượng”.

Chuyện buồn chưa có hồi kết

Sắc phong ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) của làng Hoàn Dương (Duy Tiên, Hà Nam) trên trang website của nhà đấu giá Trung Quốc.

Sắc phong ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909) của làng Hoàn Dương (Duy Tiên, Hà Nam) trên trang website của nhà đấu giá Trung Quốc.

Cục Di sản văn hóa đề nghị các đơn vị phối hợp chặt chẽ trong quá trình xác minh tính xác thực của các sắc phong; xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và các địa điểm liên quan ở địa phương. Đồng thời, đề nghị các Sở VH,TT&DL (nơi bị mất sắc phong) triển khai thực hiện và báo cáo đầy đủ gửi Cục Di sản văn hóa trước ngày 17/4 để có cơ sở triển khai các bước theo quy định.

Liên quan đến những thông tin bán đấu giá sắc phong có nguồn gốc Việt Nam, chiều 12/4, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hoá (Bộ VH,TT&DL) đã ký công văn gửi Sở VH,TT&DL các tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang rao bán.

Cục Di sản văn hóa đề nghị thu thập và cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… và các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản và các hồ sơ liên quan) để phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật theo nội dung Công ước UNESCO 1970 mà Việt Nam tham gia.

Theo giới nghiên cứu, hồi hương sắc phong là hoàn toàn khả thi khi nhìn từ việc hồi hương ấn vàng Minh Mạng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc hồi hương sắc phong là không thể - bởi những lý do rất “khó nói”.

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học, hiện tượng mất sắc phong trong các đình, đền, miếu đã diễn ra từ đầu thập niên 1990, chứ không phải vào những năm gần đây. Việc mất cắp này do tội phạm hình sự - văn hóa ham tiền, bất chấp tâm linh, đạo lý, luật pháp, đánh cắp để tuồn ra nước ngoài.

Cho đến nay, việc các làng mất sắc phong vẫn chưa dừng lại và đó là câu chuyện buồn chưa có hồi kết. Với những người yêu mến di sản văn hoá, việc mất đi sắc phong không chỉ là nỗi đau mà còn là một tội. Bởi vậy, việc cảnh giác trước kẻ gian để gìn giữ di sản sắc phong là không thừa.

Tuy nhiên theo khảo sát của PV, hiện vẫn rất nhiều di tích tại các làng khá chủ quan trong việc đề phòng kẻ gian. Thay vì để trong ống quyển, đặt trong hòm sắc thì lại treo trên tường, trưng bày như để “khoe”. Có nơi không treo, vẫn để trong ống quyển nhưng lại đặt ngay trên ban thờ…

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, đi đến làng xã nào ông cũng thực hiện mấy việc, để góp phần bảo vệ sắc phong: Thứ nhất, nhắc các cụ bảo vệ sắc phong nơi kín đáo, chỉ 2 - 3 cụ có trách nhiệm biết với nhau. Nếu có điều kiện thì mua két sắt bảo quản (két sắt phải “gông” lại đề phòng kẻ gian bê cả két đi). Thứ hai, không cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ danh nghĩa nào, mượn - mang sắc phong ra khỏi di tích. Khi bàn giao giữa các nhiệm kỳ phải ghi rõ biên bản các sắc phong còn lưu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.