Thông thường mỗi quốc gia đều có một bài quốc ca để thể hiện niềm tự hào của đất nước mình, gửi gắm trong đó những câu chuyện văn hóa - lịch sử của một dân tộc, dành để cất lên vào những dịp thiêng liêng, trang trọng, thể hiện những lý tưởng cao đẹp mà tất cả người dân trong cùng một nước đều hướng tới.
Xung quanh quốc ca của các quốc gia trên thế giới cũng có rất nhiều bí mật thú vị:
Quốc ca khó hát nhất
Bài quốc ca của Mỹ có tên “The Star-Spangled Banner” (Cờ sao lấp lánh) là một nhạc phẩm khó hát ngay cả với những ca sĩ chuyên nghiệp bởi cao độ và lời hát đều rất khó thể hiện. Nếu chuyên tâm vào việc thực hiện đúng cao độ các nốt, ca sĩ sẽ có thể quên lời; và nếu họ tập trung hát đúng lời, thì nhiều khả năng sẽ khó đạt tới những cao độ đa dạng trong bài hát.
Bài quốc ca này khó hát đến mức khiến ngay cả những ca sĩ nổi tiếng như Whitney Houston hay Beyonce Knowles cũng từng gặp lùm xùm vì hát nhép quốc ca tại những sự kiện lớn. Người Mỹ rất “không bằng lòng” với những ca sĩ hát nhép quốc ca, nhưng dù vậy, họ chưa từng “tẩy chay” ca sĩ nào khi mắc phải lỗi này bởi tất cả đều hiểu quốc ca của họ khó hát thế nào.
Tuy vậy, quốc ca của Mauritania (một quốc gia thuộc Tây Phi) mới là quốc ca khó hát nhất thế giới bởi nếu quốc ca Mỹ luyện tập thật cố gắng vẫn có thể hát được thì quốc ca Mauritania còn khó đến mức thường chỉ biểu diễn ở hình thức… nhạc không lời. Bài quốc ca này thực ra có lời, bởi phần nhạc vốn được phổ theo một bài thơ cổ viết từ thế kỷ 18.
Lời thơ cổ khó hát, khó nhớ lại thêm giai điệu phức tạp, khó thể hiện, vì vậy, bài quốc ca của Mauritania thường được thể hiện ở dạng nhạc không lời.
Quốc ca “dễ hát” nhất
Trước hết phải nói tới quốc ca Tây Ban Nha - bài “Marcha Real”, bài quốc ca này không có lời chính thức. Thứ hai là quốc ca của Bosnia & Herzegovina - “Državna himna Bosne i Hercegovine”.
Trong cả hai trường hợp này, việc quốc ca không có lời chính thức đều đến từ những đa dạng và khác biệt văn hóa của dân cư bản địa. Quốc ca trước đây của Bosnia & Herzegovina cũng từng có lời nhưng phần lời này khiến một số cộng đồng dân cư cảm thấy không hài lòng nên sau đó, khi có quốc ca mới kể từ năm 1998, người ta quyết định không viết lời cho quốc ca nữa.
Quốc ca của Tây Ban Nha thoạt tiên được sáng tác không lời, về sau, người Tây Ban Nha cũng đã nhiều lần thử viết lời cho quốc ca nhưng đều gặp phải những vấn đề đến từ sự khác biệt lớn trong văn hóa và ngôn ngữ của người Basque, Catalan và Galicia (những cộng đồng dân cư lớn của Tây Ban Nha). Vì vậy, cho đến nay quốc ca Tây Ban Nha vẫn là nhạc không lời.
Quốc ca lâu đời nhất
Ở hạng mục này, rất khó để quyết định đâu là bài quốc ca lâu đời nhất… Như quốc ca Tây Ban Nha - “Marcha Real” - cũng có thể xem là một trong những bài quốc ca chính thức lâu đời nhất thế giới, bởi nhạc phẩm đã được tuyên bố bằng các văn kiện chính thức từ năm 1770.
Quốc ca của Anh - nhạc phẩm “God Save the King/Queen” - lần đầu được in ấn giới thiệu chính thức với công chúng là vào năm 1744, nhưng thực tế, nhạc phẩm không biết rõ tung tích tác giả này đã được người Anh hát lên từ trước đó tới 20 năm. Dù vậy, nhạc phẩm này lại chưa từng được tuyên bố chính thức trong các văn bản hành chính của Anh với tư cách quốc ca.
Quốc ca của Hà Lan - “Wilhelmus van Nassouwe” - thậm chí còn được phổ nhạc từ thế kỷ 16, nhưng phải tới năm 1932 mới được tuyên bố chính thức là quốc ca. Xét về phần lời ca, lâu đời nhất phải kể tới quốc ca của Nhật Bản - “Kimi Ga Yo”, phần lời của bài quốc ca vốn là một bài thơ cổ được sáng tác từ khoảng năm 800 và được phổ nhạc lần đầu vào năm 1869.
Quốc ca đa văn hóa nhất
Không phải quốc gia nào cũng có một ngôn ngữ chính thức được sử dụng rộng rãi trên toàn quốc. Vì vậy, đối với những quốc gia sử dụng nhiều ngôn ngữ, sự đa dạng về văn hóa là điều thường thấy trong quốc ca.
Như đất nước Canada, nơi có hai ngôn ngữ chính là Anh và Pháp, bài quốc ca “O Canada” của đất nước này có cả phiên bản tiếng Pháp được sử dụng cho những vùng nói tiếng Pháp, ra đời từ năm 1880. Đến năm 1908, phần lời hát bằng tiếng Anh ra đời.
Quốc ca Thụy Sĩ - “Swiss Psalm” - có tới… 4 lời, được phổ trên cùng một nền nhạc, gồm tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Romance (4 ngôn ngữ chính thức của Thụy Sĩ).
Đặc biệt hơn còn có những bài quốc ca pha trộn các ngôn ngữ được sử dụng trong đất nước mình. Như quốc ca “God Defend New Zealand” của đất nước New Zealand. Bài quốc ca này có cả tiếng Anh và tiếng Maori (ngôn ngữ bản địa) được thể hiện luân phiên: một đoạn tiếng Anh - một đoạn tiếng Maori.
Quốc ca của Nam Phi là sự kết hợp của hai bài hát “Nkosi Sikelel’ iAfrika” (Chúa ban phước cho Châu Phi) và “Die Stem van Suid-Afrika” (Tiếng gọi Nam Phi) với phần lời sử dụng 5 trong tổng số 11 ngôn ngữ chính thức của đất nước này.