Bí quyết, theo thầy Hiệu trưởng Lê Công Lợi nằm ở truyền thống, niềm tự hào về nhà trường của mỗi thế hệ học sinh.
Phòng truyền thống “chật chỗ”... ghi tên học sinh giỏi
Nằm trong khuôn viên của khu kí túc xá Mễ Trì, chung cơ sở với 7 đơn vị khác thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên có hệ thống cơ sở vật chất chỉ ngang một trường cấp 3 của một huyện. Dãy nhà C3, cái nôi của hàng trăm tài năng quốc tế và là nơi đặt trụ sở của Ban giám hiệu đã xuống cấp theo thời gian.
Dẫn chúng tôi đi thăm phòng truyền thống của nhà trường, thầy Hiệu trưởng Lê Công Lợi tự hào cho biết: Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên tiền thân là các khối chuyên Toán - Tin (thành lập năm 1965), Vật lí (năm 1985), Hóa học (năm 1992) và khối chuyên Sinh học (năm 1998) trực thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp trước kia).
Phát huy truyền thống của các khối chuyên Tổng hợp trước kia, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên là cái nôi của nhiều học sinh giỏi đoạt các giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế. Nhà trường có đội ngũ thầy cô giáo giỏi về chuyên môn, tư duy học thuật cao, luôn cập nhật nội dung cũng như phương pháp giảng dạy giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Để ghi nhận thành tích của học sinh đạt được trong các kỳ thi Olympic quốc tế, nhà trường làm một bảng vàng để ghi tên các em. Nhưng phòng truyền thống của nhà trường rộng chừng hơn 20 mét vuông, năm vừa qua có thêm 10 em đoạt giải nên bảng đã không còn đủ chỗ để ghi tên các em khóa sau nữa. “Nhà trường đang lên kế hoạch chuyển phòng truyền thống sang phòng khác to hơn, hoặc có thể phải ghi tên các em bé hơn mới đủ chỗ” - thầy Lợi bộc bạch.
Khi được hỏi về thành tích xuất sắc được duy trì trong nhiều năm gần đây trong bối cảnh nhiều trường THPT chuyên trên cả nước phát triển mạnh mẽ, tạo sự cạnh tranh gay gắt khi tuyển sinh đầu vào, thầy Lợi cho rằng: Đó là truyền thống, niềm tự hào về nhà trường của mỗi thế hệ học sinh. Một trong những thuận lợi khác của nhà trường là tuyển sinh lớp 10 vẫn thu hút được một số học sinh xuất sắc, đặc biệt nhà trường đã được gọi với cái tên quen thuộc “ngôi trường của nhân dân”.
Ngoài ra, trường là đơn vị tiên phong triển khai và áp dụng hiệu quả chương trình phát triển nhà trường. Chương trình được xây dựng trên nền tảng khung của Bộ GD&ĐT nhưng có sự cập nhật theo thế giới và sắp xếp một cách khoa học để tương thích với chương trình phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi riêng của nhà trường. Đặc biệt, trường luôn cập nhật chương trình phát hiện và bồi dưỡng học sinh năng khiếu về Toán học, Tin học, Vật lí, Hóa học và Sinh học theo hướng phát triển năng lực của giáo dục phổ thông trên thế giới.
Cận cảnh quy trình đào tạo
Chia sẻ về bí quyết đào tạo và bồi dưỡng học sinh năng khiếu, thầy Lê Công Lợi cho biết: Ngay khi học sinh lớp 10 nhập học, các bộ môn chuyên tiến hành kiểm tra, đánh giá để vừa giúp các em biết năng lực chuyên biệt của môn mình yêu thích; đồng thời giúp thầy cô phát hiện những học sinh có tố chất thông minh, có thể tham gia các đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường sau này.
Để khích lệ và động viên phong trào tham gia các lớp dự tuyển của các học sinh lớp 10, bộ môn chuyên, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn giúp trò tập trung toàn bộ thời gian và tâm trí cho bài vở của lớp dự tuyển như các lớp Tet school, Summer school.
Hàng năm, nhà trường tổ chức Cuộc thi Olympic chuyên Khoa học Tự nhiên cho học sinh các đội dự tuyển cùng với học sinh các lớp 10 và 11 của 15 - 20 trường THPT chuyên trên cả nước. Cuộc thi là cuộc thử sức đầu tiên của học sinh lớp 10 để chuẩn bị cho việc tham gia các kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế vào năm lớp 11 và 12.
Một trong những điểm nổi bật của mô hình phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi của trường trong những năm qua là các đội tuyển được tham gia thi đấu vòng 2 để thi học sinh giỏi quốc gia tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.
Tham gia bồi dưỡng đội tuyển là thách thức lớn với các thầy cô. Bài giảng cho những lớp đội tuyển vòng 2 đều là chủ đề, bài toán mới nhất được các thầy cô cập nhật từ các kỳ thi Olympic của các quốc gia có phong trào Olympic học sinh phổ thông mạnh trên thế giới.
Với quan niệm đội ngũ đóng vai trò trụ cột trong công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, nhà trường luôn chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn cho thầy cô phụ trách, tham gia bồi dưỡng các đội tuyển và đội tuyển vòng 2.
Cũng theo thầy Lợi, hàng năm, nhà trường cử các thầy cô làm quan sát viên của đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Mỗi lần như vậy, thầy cô được trực tiếp giao lưu, trao đổi với đồng nghiệp trên khắp thế giới. Đây là cơ hội vàng để cập nhật, học hỏi kinh nghiệm trong công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Thầy Nguyễn Công Toản - Trưởng Bộ môn Vật lý – Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, người đã hướng dẫn học sinh và mang lại nhiều huy chương Olympic quốc tế cho Trường trong những năm vừa qua trao đổi: Nhà trường là nơi tạo tiền đề tổng thể cho các tài năng có đất phát triển. Nếu như không có được chủ trương đúng của lãnh đạo và sự khích lệ cho cả thầy và trò, không thể có được thành công.