‘Bí kíp’ lấy điểm cao môn Lịch sử

GD&TĐ - Với 21 năm trong nghề, cô giáo Đỗ Thị Chí đã có những kinh nghiệm rút ra và chia sẻ giúp học sinh đạt được điểm cao với môn thi Lịch sử.

Học sinh trường THPT thành phố Điện Biên Phủ trong tiết ôn thi tốt nghiệp.
Học sinh trường THPT thành phố Điện Biên Phủ trong tiết ôn thi tốt nghiệp.

Kiến thức cơ bản như xương sống

Cô giáo Đỗ Thị Chí là giáo viên Lịch sử, công tác tại trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). 21 năm công tác trong nghề, cô Chí đã tích lũy nhiều kinh nghiệm quý giúp cho thí sinh có thể học tốt môn Lịch sử và hoàn toàn giành được điểm cao tại kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Chia sẻ về phương pháp ôn tập cũng như làm bài thi môn Lịch sử hiệu quả, cô Chí cho rằng: Với đặc thù của bộ môn lịch sử là tái hiện, dựng lại quá khứ theo dòng thời gian năm tháng, nên học sinh phải nắm vững sự kiện về ngày/tháng/năm, bối cảnh, ý nghĩa, tính chất…

Theo cô Chí: Kiến thức cơ bản được coi như xương sống của một giai đoạn, tiến trình lịch sử. Trong sách giáo khoa (SGK) cơ bản lớp 11 và 12, toàn bộ các sự kiện, giai đoạn, nhân vật lịch sử đều được trình bày thành các bài theo lối thông sử hết sức cơ bản. Do vậy cách tốt nhất để nắm kiến thức cơ bản là bám sát vào nội dung trong SGK.

Việc ôn thi môn Lịch sử cần có quá trình lâu dài để tích lũy kiến thức từ cơ bản đến nâng cao, làm quen với các dạng đề và luyện đề. Trong khoảng thời gian cuối của quá trình ôn thi, học sinh cần tiếp tục ôn tập những kiến thức cơ bản trong SGK và kết hợp với luyện đề. Các câu hỏi đều nằm trong phạm vi SGK nên cần ôn chắc và bám sát SGK.

Bên cạnh đó, học sinh cần nắm vững kiến thức theo các bước như: xác định bối cảnh lịch sử, nguyên nhân bùng nổ sự kiện, hiện tượng, diễn biến sự kiện gồm: những nội dung chính nào (?), kết quả của sự kiện lịch sử. Trong đó, kết quả lớn nhất, kết quả cơ bản nhất là gì (?). Từ đó suy ra ý nghĩa lịch sử của các sự kiện, hiện tượng, liên hệ thực tế đến nay (nếu có). Cuối cùng phải làm các bài tập ở cuối bài theo hình thức tự luận dù thi trắc nghiệm. Đó là cách nắm vững kiến thức cơ bản tốt nhất.

“Khi luyện đề, cần tập trung xác định từ khóa trong câu hỏi và nội dung kiến thức trong các đáp án. Qua đó củng cố vững chắc kiến thức khi luyện đề. Có thể sử dụng cách viết ra các từ khóa bám sát nội dung SGK, cần chú ý nguyên tắc học tự luận để thi trắc nghiệm” cô Chí lưu ý thêm.

Cô giáo Đỗ Thị Chí (áo dài xanh đứng giữa) chụp ảnh kỷ yếu cùng học trò.
Cô giáo Đỗ Thị Chí (áo dài xanh đứng giữa) chụp ảnh kỷ yếu cùng học trò.

Học theo sơ đồ tư duy...

Cô Chí cho biết: Học theo sơ đồ tư duy là một trong những phương pháp có hiệu quả hiện nay đối với môn Lịch sử. Sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức trong ôn tập từng bài, từng chương giúp học sinh nắm những kiến thức cơ bản. Lập bảng thống kê các sự kiện, hiện tượng Lịch sử tiêu biểu nhằm giúp học sinh khắc sâu kiến thức.

Sau mỗi tiết học, học sinh cần phải tóm lược lại kiến thức bằng sơ đồ với nhiều dạng khác nhau tùy theo nội dung bài học. Cần xác định đâu là ý chính, ý nào là cơ bản, ý nào là bổ trợ… nếu được nên tô màu sắc vào sơ đồ để tạo dấu ấn, dễ học dễ nhớ hơn mà lại khó quên.

“Cần phân kỳ lịch sử, phân chia từng giai đoạn để học là việc phải làm. Điều này sẽ giúp học sinh không bị nhầm lẫn về mặt thời gian của từng sự kiện vì có quá nhiều sự kiện. Trong từng giai đoạn hãy xác định sự kiện nào là cơ bản có ý nghĩa lịch sử cần phải ghi nhớ”, cô Chí nói.

Cô Chí lưu ý: Học lịch sử, các em phải nắm chắc bản chất, ý nghĩa sự kiện. Để khắc sâu sự kiện học sinh cần luôn đặt ra các câu hỏi và tự trả lời, sự kiện đó xảy ra trong hoàn cảnh lịch sử nào? Không gian và thời gian diễn ra sự kiện đó? Nguyên nhân vì sao đưa đến?... Với cách này, học sinh sẽ khó quên và không bị nhầm lẫn kiến thức.

Để có kiến thức phong phú bổ trợ cho việc học Lịch sử, theo cô Chí, học sinh cần đọc thêm các nguồn sử liệu khác, tham quan di tích lịch sử, học ở bảo tàng, nghe chứng nhân kể chuyện lịch sử, xem phim lịch sử… Hoặc gắn sự kiện đó với một ngày mà mình có thể ghi nhớ, như ngày sinh nhật, ngày kỷ niệm... Những điều này cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tạo hứng thú học môn Lịch sử.

“Học sinh cần lưu ý bài thi trắc nghiệm thì các câu hỏi đều bằng điểm nhau, dù câu hỏi khó hay dễ. Bởi vậy, học sinh cần thực hiện theo nguyên tắc: Câu dễ làm trước, khó làm sau để đảm bảo đạt điểm cao nhất. Điều quan trọng là phân bổ thời gian để không bỏ sót câu hỏi nào. Nếu hết thời gian mà vẫn còn những câu chưa làm được thì nên phỏng đoán một đáp án rồi tô, không nên để phiếu trống đáp án”, cô Chí nhắc nhở.

Theo cô Chí, ở trường THPT thành phố Điện Biên Phủ, quá trình ôn tập cho học sinh chia ra 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: ôn tập tổng hợp hệ thống hóa kiến thức. Giai đoạn 2: hướng dẫn cho học sinh giải đề, làm các đề thi cụ thể. Kết thúc mỗi giai đoạn sẽ có kiểm tra, đánh giá học sinh để đưa ra những phương pháp học đạt hiệu quả nhất.

“Với phương pháp học khoa học hợp lý cùng với niềm yêu thích thì việc học lịch sử sẽ trở nên dễ dàng và đạt kết quả tốt nhất”, cô Chí nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.