Thấy vậy, cô chủ nhiệm của con cười hiền lành: Các bậc phụ huynh thử cùng con học tập xem sao? Nghe cô nói, ai cũng nửa tin nửa ngờ, còn với chị, đó lại là một ý kiến và cách làm hiệu quả.
Con gái lớn của chị năm nay mới vào lớp 1. Mỗi buổi học trên trường về, tối đến, sau khi được mẹ nhắc nhở đến giờ học bài, bao giờ con cũng nhìn chị và năn nỉ: “Mẹ học bài cùng con đi! Con muốn có mẹ ngồi học cùng con à!”.
Chị chẳng thể từ chối lời thỉnh cầu của con dù thời gian buổi tối, với chị cũng có cả tá việc phải làm. Thế là trong khoảng thời gian từ 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ học cùng con, với những bài học cụ thể, bằng cách riêng của mình, chị đã khơi dậy niềm hứng thú cho con, cùng con trải nghiệm nhiều điều thú vị.
Nhịp sống ngày càng hiện đại, việc các bậc phụ huynh thực hiện học cùng con vì thế càng trở nên khiêm tốn. Người than thở: Đi làm cả ngày, tối về mệt lử, còn thời gian đâu mà ngồi học cùng con cho được.
Người thì phân trần: Chương trình học giờ mới toanh so với mình ngày xưa. Có những kiến thức mới, mình không kịp cập nhật, làm sao giải thích cho con mỗi khi gặp câu hỏi hóc búa. Người thì lại nói: Mình vốn nóng tính, không thể ngồi học bài bên con. Mỗi khi giải thích mãi mà con vẫn chậm hiểu, mình thường hay cáu bẳn và nạt nộ.
Chi bằng nhờ cô dạy vậy... Ai cũng tìm mọi lí do để cho thấy việc học cùng con là vô cùng khó. Mọi người không biết rằng, đôi khi sự hờ hững, thiếu quan tâm từ các bậc cha mẹ vì mải mê bận rộn với công việc đã vô tình khiến các con mình trở nên lười biếng, chán học.
Hơn nữa, việc học cùng con không chỉ giúp con củng cố kiến thức trong sách vở mà qua đó còn gắn kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.
Giai đoạn khi trẻ học cấp 1, cấp 2 được xem là dấu mốc quan trọng để hình thành kĩ năng sống và nhân cách. Sự phối hợp của gia đình cùng nhà trường chắc chắn sẽ đem lại nhiều kết quả giáo dục tích cực.
Dẫu biết rằng việc học cùng con nếu không chú ý sẽ khiến trẻ lười suy nghĩ và ỷ lại vì có ba mẹ kè kè bên cạnh. Nhưng nếu ba mẹ biết duy trì tính độc lập cho con, chỉ giúp con khi cần thiết thì không gì tốt hơn thế.
Đến nhà chơi, thấy chị ngồi học cùng con, hai mẹ con say sưa trao đổi về bài học của con, thấy con gái chị thích thú học khi có mẹ học cùng, nhiều người trầm trồ khen chị giỏi.
Chị cười: Chỉ cần biết được thói quen học tập của con, biết con có năng khiếu học môn học nào đó,... thì việc tạo hứng thú cho con học không phải là khó. Vả lại chị không cấm đoán, cũng không bắt ép con học quá nhiều.
Thấy con mệt mỏi, chị sẽ dành thời gian cho con nghỉ ngơi, cho con tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh, hoặc hỏi về cuộc sống ở trường của con, gợi mở cho con đến với những kiến thức bổ ích trong cuộc sống...
Nhiều phụ huynh thấy bài học của con nhiều, trong khi đó con lại không tự giác học tập ở nhà, thành ra, họ dễ cáu gắt, có khi họ nặng lời quát mắng con khiến con càng bị áp lực và dẫn đến tâm lí càng chán nản việc học.
Chị chọn cho mình phương pháp riêng, chị động viên, khuyến khích mỗi khi con ngoan ngoãn, chăm chỉ dù là thành tích nhỏ nhất. Bởi nó vừa khiến con không nản chí, ngược lại tạo hứng thú để con tiếp tục khẳng định bản thân, phát triển nhận thức, suy nghĩ của mình một cách tốt nhất.
Với ba mẹ, học cùng con tuy chỉ là một việc nhỏ nhặt, thế nhưng nhiều đứa trẻ khi không được ba mẹ cùng đồng hành trong việc học đã tự cảm thấy mình như bị bỏ rơi, mình không được quan tâm và bằng cách này hay cách khác, chúng sẽ bộc lộ những hành động, suy nghĩ tiêu cực.
Làm thế nào để trẻ bộc lộ tính tự lập và ham học hỏi trong học tập? Với chị, mỗi người làm cha làm mẹ không chỉ là một tấm gương cho trẻ noi theo mà còn phải kiên trì, nhẫn nại làm bạn với con, cùng con học tập.