Bi kịch cuộc đời của diễn viên Em còn nhớ hay em đã quên

Khi tất cả những kịch bản cay đắng về cuộc đời còn dang dở, nam diễn viên tài năng của điện ảnh Việt đã rời cõi tạm trong sự tiếc thương của bạn bè, đồng nghiệp.

Bi kịch cuộc đời của diễn viên Em còn nhớ hay em đã quên

Năm 1992, bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chính thức ra mắt khán giả.

Hơn 20 năm đã trôi qua, thậm chí có nhiều người đã quên mất nhiều tình tiết của bộ phim nhưng chắc chắn họ có thể gọi tên những diễn viên của Em còn nhớ hay em đã quên.

Ít ai ngờ rằng Em còn nhớ hay em đã quên lại có rất nhiều mẫu số chung. Và đáng buồn rằng số phận đau đớn của dàn diễn viên chính là mẫu số chung không ai nghĩ tới.

Nếu "Khánh Ly" Hoàng Hồng Nhị để quên cuộc đời vì những cám dỗ sau hào quang, Lê Công Tuấn Anh tự tử vì những áp lực của cuộc sống thì Nguyễn Huỳnh cũng rời xa cuộc đời sau những bi kịch chất chồng bi kịch.

Gã diễn viên hào hoa, lịch lãm

Bi kịch cuộc đời của diễn viên Em còn nhớ hay em đã quên ảnh 1

Nguyễn Huỳnh trong vai Tuấn của Em còn nhớ hay em đã quên.

Sinh năm 1967, Nguyễn Huỳnh là một trong những lớp diễn viên đầu tiên tại trường Điện ảnh TP.HCM.

Anh đến với điện ảnh từ năm 21 tuổi, đã đóng hàng chục bộ phim như Tình người kiếp rắn, Vầng trăng bị che khuất, Bóng đêm cuộc tình… được xem là một trong những ngôi sao hàng đầu của thập niên 90, cùng thời với Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Tuấn Anh...

Thời ấy, nhắc tới Nguyễn Huỳnh người ta sẽ nghĩ ngay tới chàng diễn viên điển trai, hào hoa và lịch lãm.

Đã có thời, Nguyễn Huỳnh được đánh giá là thế hệ ngôi sao kế cận của dòng phim thị trường hưng thịnh. Anh có đủ những "điều kiện cần" để trở thành ngôi sao mới: ngoại hình lý tưởng, tài năng và sức trẻ.

Để đảm bảo cho thành công của Em còn nhớ hay em đã quên, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã rất dụng tâm trong việc tìm diễn viên.

Ông mất hàng tháng trời để tìm thấy 1 "Khánh Ly" Hoàng Hồng Nhị, vất vả để đưa cô bé Trương Ngọc Ánh 17 tuổi trở thành Diễm. Hay tìm đến Lê Công Tuấn Anh để thành một Trịnh Công Sơn và mời Nguyễn Huỳnh để xây dựng nhân vật chồng Khánh Ly.

Đảm nhận vai thứ chính trong Em còn nhớ hay em đã quên, Nguyễn Huỳnh khiến người xem không thể quên nhân vật không nhiều đất diễn nhưng lại vô cùng quan trọng trong mạch phim.

Nguyễn Huỳnh hoàn thành xuất sắc khi vào vai người đàn ông lịch lãm, quyết tâm làm mọi điều để theo đuổi tình yêu của mình.

Bi kịch chất chồng bi kịch

Bi kịch cuộc đời của diễn viên Em còn nhớ hay em đã quên ảnh 2

Nguyễn Huỳnh và Trương Ngọc Ánh trong Giã từ dĩ vãng.

Sau thành công trong Em còn nhớ hay em đã quên, Nguyễn Huỳnh tiếp tục ghi dấu ấn với loạt vai diễn mà đặc biệt là vai Trường trong Giã từ dĩ vãng (1995).

Trong Giã từ dĩ vãng, Nguyễn Huỳnh lại có cơ hội gặp lại cô em gái Trương Ngọc Ánh từng đóng chung trong Em còn nhớ hay em đã quên.

Tuy nhiên, trong bộ phim này, Nguyễn Huỳnh lại có cơ hội thành người tình màn ảnh của Trương Ngọc Ánh.

Sau vai diễn nhà văn Trường trong Giã từ dĩ vãng, cuộc đời của Nguyễn Huỳnh bắt đầu bi kịch chất chồng bi kịch.

Bi kịch cuộc đời của diễn viên Em còn nhớ hay em đã quên ảnh 3

Ít ai ngờ rằng sau bộ phim Giã từ dĩ vãng cuộc sống của Nguyễn Huỳnh bi kịch chất chồng bi kịch.

Vào năm 2000, trong lần phim Giã từ dĩ vãng tham dự Liên hoan phim ở Hà Nội, Nguyễn Huỳnh được bạn bè rủ đi liên hoan.

Trong lúc ngà ngà say anh được mời hít thử heroin, sau này do gặp một số chuyện không hay trong cuộc sống anh đã tìm đến ma túy để giải khuây.

Từ đó cuộc đời của tài tử điện ảnh Việt Nam một thời đã tàn theo làn khói trắng.

"Lần đầu gặp cậu ấy, tôi thấy Nguyễn Huỳnh đầy triển vọng. Cậu ấy lịch lãm, hào hoa, tài tử.

Đến bây giờ, tôi vẫn không thể giải thích được vì sao, bằng cách nào, cuộc đời lại xô đẩy cậu ấy vào con đường nghiện ngập, bất hạnh như thế", đạo diễn Hữu Phần kể lại hồi ức về Nguyễn Huỳnh.

Khi biết tin dữ gia đình đã đưa anh lên Trung tâm Bình Phước chữa trị. Tại đây anh trở thành đội trưởng đội văn nghệ, rất tích cực trong việc sáng tác và vận động anh em trong trại tham gia văn nghệ.

Đầu năm 2006, Nguyễn Huỳnh được ra trường cai nghiện, trở lại gia nhập cuộc sống đời thường. Khi trở về anh nhận được sự yêu thương và cưu mang của các anh chị em nghệ sĩ.

Anh tiếp tục tham gia các bộ phim như Chuyện tình yêu, Nhịp đập trái tim... Đặc biệt trong đó bộ phim Bông hồng trà anh để lại nhiều ấn tượng trong vai một sĩ quan phản diện của chế độ cũ do đạo diễn Trần Ngọc Phong thực hiện.

Những tưởng cuộc sống của Nguyễn Huỳnh có thể khởi sắc một lần nữa nhưng mọi cố gắng của anh lại tan thành mây khói từ cuộc gặp gỡ với những người bạn cũ trong trại cai nghiện.

Trong thời gian Nguyễn Huỳnh tái nghiện, anh đang viết kịch bản vở Mảnh vá cuộc đời.

Tháng 4/2007, anh tiếp tục đi cai ở Bình Phước. Ở đây, anh là đội trưởng đội văn nghệ, viết kịch bản và đạo diễn nhiều kịch ngắn về chủ đề ma túy.

Khi những dự định tái hòa nhập cộng đồng còn dang dở thì Nguyễn Huỳnh lại đón nhân tin dữ khi đứa con trai 6 tuổi của anh cũng qua đời vì bệnh bại não.

Những bi kịch chất chồng bi kịch khiến cho nam diễn viên một thời gục ngã hoàn toàn. Ngày 28/5/2009, Nguyễn Huỳnh đã từ giã cõi đời sau cơn tai biến mạch máu não tại bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bi kịch cuộc đời của diễn viên Em còn nhớ hay em đã quên ảnh 4

Trong đám tang lẻ loi, vắng lặng của Nguyễn Huỳnh, đồng nghiệp, bạn bè của anh xót xa đau đớn vì những bi kịch của cuộc đời nam diễn viên tài hoa của điện ảnh Việt một thời.

Khi nhớ về Nguyễn Huỳnh, Trương Ngọc Ánh từng chia sẻ cô chưa bao giờ quên đám tang lặng lẽ, u buồn, vội vã của anh.

Trương Ngọc Ánh gần như là đồng nghiệp duy nhất có mặt kịp thời tiễn đưa Nguyễn Huỳnh về nơi an nghỉ cuối cùng.

“Tôi không nhớ ai đã báo tin Nguyễn Huỳnh mất. Tôi sốc thực sự, và thương anh ấy vô cùng. Nguyễn Huỳnh đã phải trả cái giá quá đắt cho những sai lầm của mình.

Anh ấy tài năng, nhiệt huyết. Chỉ một sai lầm, cuộc đời anh ấy đã rẽ sang một hướng hoàn toàn khác. Tôi đã mừng khi nghe tin anh đã bình phục, đã yêu đời, đã chuẩn bị đóng phim, diễn sân khấu trở lại…

Vậy mà, ngay giữa khi mọi người tin anh có thể trở lại, Nguyễn Huỳnh lại ra đi. Lễ tang của anh ấy rất vắng người đưa tiễn. Có lẽ do tang lễ tổ chức vội vã, không ai đến kịp.

Tôi chạy đến ngay để kịp tiễn đưa anh…”- Trương Ngọc Ánh nhớ lại.

Theo Trí Thức Trẻ/soha

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ