Theo cuốn sách của tác giả John Vincent Bellezza, một nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Tây Tạng, Đại học Virginia, Mỹ, người Tượng Hùng sống ở phía tây bắc Lhasa, thủ phủ Tây Tạng. Khu vực này có hồ, đồng bằng và các dãy núi dài. Ngày nay, dân cư vùng này rất thưa thớt, trái ngược với cảnh đông đúc từ khoảng năm 500 trước Công nguyên đến 625 sau Công nguyên.
Bellezza đã khám phá ra một quần thể di tích đáng kinh ngạc, là bằng chứng về sự tồn tại của người Tượng Hùng vào thời điểm năm 1.000 trước Công nguyên. Các lâu đài ở trên các khu đất cao, bao xung quanh là các vùng trồng trọt nông nghiệp. Các đền thờ được tìm thấy ở những ngóc ngách ẩn và các ngôi mộ nằm rải rác những nơi không có người ở. Nhiều pháo đài và đền thờ hoàn toàn được xây dựng bằng những tảng đá lớn.
Trao đổi với Ancient Origins, Bellezza cho biết có cả các khu chăn nuôi và canh tác ở miền tây Tây Tạng cổ. Một loạt các đồ tạo tác đã được thu hồi từ các ngôi mộ trong những năm gần đây, một số khác đã xuất hiện trên thị trường nghệ thuật và đồ cổ quốc tế, từ các loại đá quý tới nhiều đồ đúc kim loại, gốm sứ, đồ gỗ, lụa và vải dệt len.
Các ký ức về Tượng Hùng được lưu giữ trong các truyền thuyết, huyền thoại, thậm chí là lịch sử, tạo ra một bức tranh toàn cảnh về xã hội và văn hóa của họ.
"Họ lưu lại tài liệu về việc xây dựng đền đài, lâu đài, lăng tẩm, các hệ thống thủy lợi và phân xưởng", ông viết. Trong khi tầng lớp thượng lưu cư trú tại các thành lũy phân tán khắp nơi trong vùng thì nông dân và những người chăn nuôi có nhà cửa khiêm tốn hơn nhiều. Tuy nhiên, các gia tộc và nghi lễ đã liên kết các tầng lớp khác nhau của xã hội thành một liên minh vững mạnh, chiếm ưu thế trong nhiều thế kỷ.
Các vị thần của người Tượng Hùng thời kỳ đồ sắt vẫn được nhớ tới trong tín ngưỡng đạo Bon của Tây Tạng những năm về sau. Theo đạo này, vị thần tối cao Gekhoe được sinh ra từ một quả trứng, mô-típ quen thuộc phổ biến trong thần thoại.
Một trong 17 kiến trúc bằng đá được tin là nơi thần Gekheo giáng trần. Ảnh: John Vincent Bellezza |
"Ông là một vị thần thành hoàng quan trọng trong tôn giáo, được mô tả có 18 cánh tay. Vợ của thần là Drablhai Gyalmo, cũng là một vị thần quan trọng ở miền tây Tây Tạng. Bà có vẻ ngoài của một chiến binh".
Tín ngưỡng này ngày nay được biết đến dưới tên gọi "đạo Bon vĩnh hằng". Gekheo là vua của các vị thần, cai quản tất cả con người và các sinh vật ở tây Tây Tạng. Ông cũng cai trị rất nhiều linh hồn mạnh mẽ.
Gekheo trong ngôn ngữ Tượng Hùng có nghĩa là "người diệt quỷ". Các tài liệu mô tả về thần Gekheo có niên đại dưới 1.000 năm, vào khoảng thời gian nhiều tôn giáo cổ bắt đầu được gộp vào khái niệm và nguyên lý Phật giáo.
Bellezza còn tìm được một khu nhà bằng đá từ thời tiền sử. Ông cho rằng đây là nơi mà người Tượng Hùng tin Gekheo đã giáng trần. Khu kiến trúc này dường như xây dựng lên để sử dụng cho các chức năng tôn giáo, gồm 17 tòa nhà, xây theo kiểu kiến trúc được sử dụng ở vùng Thượng Tây Tạng trong thiên niên kỷ thứ nhất sau Công Nguyên. Nguồn gốc của khu vực này đã thất lạc trong lịch sử, không có tài liệu ghi chép cũng như truyền miệng về nó trong đạo Bon vĩnh hằng.
Kiến trúc này được xây dựng ở vị trí có độ cao từ 5.130 đến 5.250 mét so với mực nước biển. Theo Bellezza, con người có thể sống thoải mái ở độ cao đó vào thời kỳ đồ sắt do khỏe mạnh hơn và khí hậu khi đó ôn hòa hơn. Sau đó, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đã làm con người không thể chống chịu được.
"Dù nền văn minh Thượng Hùng đã biến mất từ lâu, những cơ sở cơ bản của nó vẫn còn trong trái tim người Tây Tạng ngày nay. Tinh thần của con người và những giá trị của nó sẽ trường tồn", Belleze nói.