Bí ẩn sừng min

Bí ẩn sừng min

(GD&TĐ) - Có sức khỏe phi thường và cặp sừng oai vệ, min là loài thú móng guốc gần như bặt bóng tại Tây Nguyên. Vì bộ sừng có ngà đầy uy lực mà min đã làm khổ chính nó. Sừng min quý hiếm đến độ toàn tỉnh Đăk Lăk, vùng đất được mệnh danh “thủ phủ Tây Nguyên” vốn một thời có nhiều dấu chân min, nhưng nay chỉ còn hai già làng lưu giữ.

Giấc mộng của chiến binh đại ngàn

Trong chuyến điền dã tại tỉnh Đăk Lăk, chúng tôi tìm đến buôn Ko Dhong - TP Ban Mê Thuột, nơi có già làng Ama H’rin nổi tiếng với tài nghệ ủ men rượu cần bằng bao tử nhím và “sở hữu” biệt tài sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ của người Ê đê. Vào “tiệc”, già H’rin lấy từ trên chiếc cột cặp sừng lên nước bóng loáng, cong vút rất đẹp. “Sừng con min đấy!” - già nói. Muốn uống cái rượu cho lâu, mình lấy sừng múc nước đổ vào. Làng mình chỉ dùng sừng min khi có lễ lớn hoặc đón khách quý thôi!”. Với chúng tôi thì đây cũng là lần đầu tiên nhìn thấy người đồng bào dùng đôi sừng min để châm nước rượu cần. Bởi thế mới rít nhiều hơi rượu cần xem thử mùi vị có khác biệt gì không. Khi men rượu đã thấm ngà ngà trong người, khi khoảng cách giữa hai miền xuôi ngược bằng không thì cũng là lúc già làng Ama H’rin và những già làng ở buôn Ko Dhong say sưa kể chuyện núi rừng. “Có người nói min là trâu rừng, có người nói là bò rừng nhưng không đúng đâu. Con min không phải trâu - bò gì hết. Nó là loài ở giữa hai giống kia đấy. Nó to hơn con bò rừng nhiều lắm. Nó sống ở nơi nửa rừng, nửa núi”.

Già làng thổi kèn bằng sừng min
Già làng thổi kèn bằng sừng min

Theo các già làng, điểm khác biệt giữa min và trâu bò ở rừng là bốn chân min cao ráo. Không sần sùi như bò rừng hoặc đen bẩn như trâu, vì min không có thói quen dầm bùn nên lông min đen hồng, lúc nào cũng mướt rượt. Già Ama Khăm từng một thời lừng lẫy với chiến tích “hạ cọp dữ, chém trăn khổng lồ”, góp chuyện: “Trâu rừng, bò rừng khác trâu nhà, bò nhà ở cặp sừng to lớn, chót sừng uốn cong gần đụng nhau. Có con vòng tròn to như cái nia sàng gạo”.

Trong đêm tối, bên ánh lửa bập bùng, giọng già Khăm sang sảng: “Con min to lớn hơn bò rừng. Thịt min ngon lắm, không nặng mùi như thịt trâu, không quá mềm như thịt bò. Sừng min cũng đẹp hơn nhiều lắm. Chót sừng min có ngà lên vân bóng loáng. Con min càng lớn thì sừng càng đẹp”. Già Ama H’rin, già Khăm và các già làng người Ê đê khác ở Đăk Lăk tâm sự, hồi TP Buôn Mê Thuột còn được phủ dáng bởi rừng rậm, săn được con min – con thú to lớn, dũng mãnh, tinh ranh… số 1, luôn là niềm khát khao của những chiến binh đại ngàn. Hạ được một con min là chiến công được nhiều thợ săn khác kính nể và cặp sừng của con vật được treo giữa nhà, xem là kì tích làm rạng danh không chỉ cá nhân người thợ săn mà còn là cả bộ tộc.

Săn min khó hơn săn voi

Tối hôm ấy, bên ánh lửa bập bùng, những câu chuyện, những kỉ niệm về cuộc chạm trán một mất một còn giữa các chiến binh Ê đê và những con min to như quả núi đã được các già làng hồi ức lại một cách hăng say. Già Ama Túc, năm nay đã 84 mùa rẫy, nhưng “cái tai vẫn thính như con nai, con mang” như trôi lạc vào dòng sông quá khứ, thuở già cùng những thợ săn của buôn làng hừng hực sức sống, giáp mặt với con mãnh thú nặng hơn 1 tấn rưỡi thở phì phì như cột khói: “Con bò rừng tai thính, mắt sáng. Nó rất nhút nhát nên mình khó lại gần, khó bắt được. Con min tinh hơn con bò rừng rất nhiều. Để không bị nó phát hiện mùi lạ, thợ săn phải rình ở ngược hướng gió!”.

Tại các khu du lịch, sừng trâu giả làm sừng min để bán
Tại các khu du lịch, sừng trâu giả làm sừng min để bán

Già làng Ama H’rin cụ thể sự tinh ranh của min bằng so sánh: “Bắn được min khó bằng 3 con voi, 4 con cọp. Voi to lớn, thính hơi nhưng tai thường, mắt kém. Cọp cũng vậy, lại thêm mũi trơ (ăn đồ hôi thúi cũng không biết). Con min to khỏe lại thêm mắt sáng (trông xa được), mũi thính, tai nhạy… Nói chung mọi giác quan của nó phát triển hơn voi, cọp rất nhiều”. Già kể đã từng chứng kiến màn tử chiến giữa min và cọp. “Hai con lao vào nhau. Đấu một hồi, con cọp biết không địch lại nên cúp đuôi bỏ chạy. Con min dữ lắm đó!”.

- Nó không có điểm yếu nào sao, thưa già?

- Khi trời nóng, min thường tìm bóng mát nằm nghỉ. Lúc nó thức dậy, giác quan không bén nhạy. Khi đó canh bắn nó rất thuận lợi.

Sau cuộc trò chuyện với các già làng Ê đê về con min, chúng tôi có ghé Buôn Đôn thăm vua voi Ama Kông - ông vua không ngai cuối cùng của Tây Nguyên với chiến tích săn được 298 con voi rừng. Trò chuyện về kỹ thuật săn min, vua voi Ama Kông rực lửa: “Không ai săn min vào buổi tối, vì lúc đó nó sống cặp, bắn con này, con còn lại sẽ xâu xé thợ săn ngay. Min dậy lúc trời vừa sáng. Khi ăn xong, nó vào rừng ngủ trưa. Biết ý nó, mình đón đầu chờ vào tầm là bắn. Lúc nó ăn chiều xong vào rừng ngủ, mình cũng làm như vậy”.

Những chiến binh rừng già một thời truyền đạt kinh nghiệm, bình thường min rất nhát, thấy mùi người là nó chạy một mạch 2 - 3 cây số. Bị tấn công nhưng vẫn sống, min sẽ như con thú điên, quyết truy sát bằng được kẻ cả gan làm mình bị “tổn thương”. Vua voi Ama Kông nhắc nhở: “Bắn min khó lắm! Nếu không bắn trúng tim thủng phổi thì min không bao giờ chết. Nó sẽ lao tới, mình trở tay không kịp đâu. Min còn sống thì mình chết thôi!”.

Không chỉ bắn giỏi, chiến binh hạ được min còn phải có sức khỏe phi thường. Ngày trước không có súng, chỉ bắn bằng lao, ná. Ở khoảng cách xa và do da min dày nên nếu mũi tên, mũi lao không làm con mãnh thú đổ gục thì nó vẫn đủ sức tấn công đối phương. Lúc bấy giờ con vật dữ dội muôn phần. Già Khăm kinh nghiệm: “Nếu có xuyên thủng tim phổi cũng không được đến gần. Phải chờ hồi lâu cho nó chết hẳn hãy tới”.

Vua voi Ama Kông (thứ hai từ phải sang)
Vua voi Ama Kông (thứ hai từ phải sang)

Chỉ dùng trong đại lễ

Tìm khắp buôn làng Ko Dhong, chúng tôi chỉ thấy mỗi già Ama H’rin có được cặp sừng của con vật mà theo lời kể của già, nó nặng gần 2 tấn. Tại Buôn Đôn, vua voi Ama Kông cũng có một cặp sừng min nhưng nhỏ hơn rất nhiều. Giải thích sự khan hiếm này, vua voi Ama Kông giọng trầm lắng: “Con min sinh đẻ ít lắm, hiếm lắm. Người đi rừng chỉ gặp min đực thôi, hiếm khi gặp min cái, nhất là min cái lúc đó bụng mang dạ chửa. Min hiếm nhưng bộ tộc nào cũng thích săn nó, nên số lượng không còn nhiều”.

Bom đạn trong chiến tranh cùng mốt săn mãnh thú và lấy sừng min làm đồ mỹ nghệ bán cho đám thị dân lắm tiền cũng góp phần thúc đẩy sự hao hụt vì số lượng loài này. Già Ama H’rin lắc đầu: “Mấy ông nhà giàu ở thành phố rất thích đầu sừng con min, bò tót. Được trả tiền cao nên bọn thợ săn hạ min không tiếc. Rừng bây giờ vắng min rồi!”.

Rời Ban Mê, hình ảnh về chiếc sừng của loài thú nửa bò nửa trâu theo chúng tôi suốt hành trình trở về thành phố. Nhớ lại lời tự tình của già Ama H’rin mà lòng dạ nao nao: “Hồi trước, nhà thợ săn nào cũng có sừng min. Sau người ở phố xuống gạ đổi sừng lấy đầu máy Karaoke, nồi cơm điện, ti vi, nên giờ chẳng nhà nào có sừng. Già đau cái bụng lắm!”. 

Ở VN có hai loại bò hoang dã là bò rừng (Bos bangteng) và bò tót hay min (Bos gaurus). Bò tót cao lớn hơn bò rừng, con trưởng thành đến 1,9m, nặng 800 - 1.000 kg, con đực có thể lên tới 2.000 kg. Ước chừng cả hai quần thể còn tổng cộng 200 - 400 con, trong đó bò rừng nhiều hơn bò tót. Bò tót vô cùng quý hiếm, là động vật nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Việc săn bắt loài này bị nghiêm cấm.

 
Phúc Trinh – Hải Âu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ