Bí ẩn quanh “Khu vực 51” ở Australia

GD&TĐ - Nằm ở miền Trung Australia, giữa vùng đất khô cằn, cách thị trấn sa mạc Alice Springs khoảng 18km là một khu quân sự tối mật do Mỹ và Australia điều hành,.

Căn cứ Pine Gap nhìn từ trên cao.
Căn cứ Pine Gap nhìn từ trên cao.

Có tên chính thức là Căn cứ Phòng thủ liên hợp Pine Gap (JDFPG). Với vị trí biệt lập giữa đất trời mênh mông, căn cứ được xem là “Khu vực 51” ở xứ sở chuột túi này đã phát sinh những lời đồn về các thí nghiệm bí mật, UFO và nhiều điều bí ẩn khác.

Giám sát vệ tinh hay do thám?

Căn cứ Pine Gap bắt đầu hoạt động vào năm 1970, do Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) và Cơ quan Trinh sát quốc gia (NRO) của Mỹ phối hợp với chính phủ Australia thành lập. Được mô tả là căn cứ để “nghiên cứu không gian”, mục đích chính của nó, theo công bố, là giám sát vệ tinh.

Từ thời Chiến tranh lạnh, nó cũng được sử dụng như trạm phát hiện và theo dõi tên lửa, ghi nhận các loại vũ khí, cùng những tín hiệu liên lạc từ các quốc gia thù địch. Căn cứ có khoảng 1.000 nhân viên làm việc, trải rộng trên khoảng 20.000 mét vuông diện tích sàn và một mạng lưới đường hầm bên dưới.

Tuy nhiên, hệ thống bố trí các cơ sở dưới lòng đất được che giấu đằng sau một bức tường được xếp loại tuyệt mật. Căn cứ nơi sa mạc này hoàn toàn cấm cửa đối với người bên ngoài, lực lượng an ninh vũ trang tuần tra suốt ngày đêm xung quanh những hàng rào cao với các biển báo “Cấm vào”. Do sự bí ẩn này nên không có gì ngạc nhiên khi nhiều năm, Pine Gap đã thu hút về nó những câu chuyện lạ lùng.

Nhưng được cho là hợp lý nhất xung quanh Pine Gap là lời đồn nó có nhiệm vụ phối hợp và thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gây chết người ở các vùng chiến sự, như Afghanistan chẳng hạn. Những thông tin như vậy lan ra khiến không ít người dân

Australia tức giận, họ không muốn đất nước mình đồng lõa với những cuộc tấn công bất hợp pháp như vậy. Tuy nhiên, cáo buộc trên đã bị các giới chức quân đội phủ nhận, mặc dù các tài liệu giải mật của NSA đã cho thấy, nhiều cơ sở tương tự, chẳng hạn như Trạm Menwith Hill ở Anh, đã được sử dụng để tấn công vào mục tiêu bằng máy bay không người lái.

Từ các tài liệu này, có giả thuyết cho rằng Pine Gap, với công nghệ tiên tiến nhất, cũng không tránh khỏi bị dính líu vào các nhiệm vụ tương tự. Nhưng cho đến nay, NSA cũng chỉ thừa nhận sử dụng Pine Gap để chia sẻ thông tin tình báo và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố.

Bất chính và phi đạo đức là những lời kết án mà người tố giác nổi tiếng, Edward Snowden, quy cho Pine Gap vì nó đã được sử dụng để ngăn chặn thông tin, không chỉ từ kẻ thù của nhà nước, mà còn từ các liên lạc riêng tư qua điện thoại, email và fax.

Về cơ bản, điều này cho phép quân đội nghe lén và theo dõi bất kỳ ai trên thế giới, giám sát mọi người mọi lúc, mọi nơi. Tất nhiên, cả chính phủ Australia và Mỹ đều bác bỏ những cáo buộc này.

Nhưng những người theo thuyết âm mưu vẫn không bỏ cuộc. Họ bắt đầu xoay vấn đề sang hướng khác. Đó là quy kết căn cứ Pine Gap có liên quan đến UFO (vật thể bay không xác định) và người ngoài hành tinh.

Nhiều lời đồn Pine Gap có liên quan đến UFO.
Nhiều lời đồn Pine Gap có liên quan đến UFO.

Liên quan đến UFO?

Trong nhiều năm, Pine Gap là khởi điểm cho các lời đồn về hoạt động của UFO bên trong và xung quanh căn cứ, thậm chí còn được gọi là “Khu vực 51 của Australia”, càng làm tăng thêm sự hiếu kỳ của mọi người về bí ẩn của nó.

Vào đầu năm 1980, có một tường trình từ hai nhân viên cảnh sát đang ở gần khu vực này trong nhiệm vụ tìm kiếm một đứa trẻ bị mất tích. Họ cho biết, khi băng qua sa mạc gần Pine Gap thì ngay trước mặt là một cánh cửa mở ra, từ đó xuất hiện nhiều vật thể kỳ lạ được mô tả như “bồn tắm bay”. Chúng bay ngang căn cứ, vào một loại cổng nào đó trên ngọn đồi cách đó không xa, sau đó biến mất không để lại dấu vết nào.

Một báo cáo tương tự xảy ra vào năm 1989, khi một nhóm ba thợ săn nhìn thấy một cánh cửa ngụy trang kín đáo mở ra trên sườn đồi mà họ đang nấp, từ đó xuất hiện một chiếc đĩa bay lớn bằng kim loại màu xám. Cánh cửa sau đó đóng lại hòa vào môi trường như thể nó chưa từng tồn tại. Còn vật thể bay này đã âm thầm bay qua căn cứ, rồi lao vút lên bầu trời với tốc độ ngoạn mục.

Các hoạt động UFO kỳ lạ khác xuất phát từ căn cứ cũng đã được báo cáo. Trở lại năm 1975, phi công và hành khách của một chiếc máy bay tư nhân bay không xa Pine Gap đã chứng kiến một luồng sáng trắng khổng lồ phóng lên từ căn cứ với tốc độ vượt xa máy bay bình thường.

Đáng chú ý là, khi nộp báo cáo về vụ việc này, các phi công được bảo rằng hãy quên những gì đã thấy. Kỳ lạ hơn là, một sự việc được cho là xảy ra vào năm 1984, khi một nhóm 5 người theo dõi UFO đang quẩn quanh khu vực này thì nhận được một lời nhắn ẩn danh rằng sẽ có một cái gì đó thú vị xảy ra ở căn cứ.

Sau đó không lâu, có một chùm ánh sáng bắn lên bầu trời, hình thành một đám mây hình vòng cung thổi bay 5 UFO đang lượn lờ quanh căn cứ. Thực tế đã có rất nhiều báo cáo khác về UFO bay lượn trên các hệ thống radar của Pine Gap, dường như chúng quan tâm đặc biệt đến hệ thống này.

Người ta cũng đồn rằng, trong số nhiều nhiệm vụ bí mật được cho là thực hiện tại căn cứ, có thí nghiệm liên quan đến việc mở những cánh cửa dẫn đến các hành tinh khác, thậm chí là các chiều không gian khác. Một số thí nghiệm khác được cho là liên quan đến du hành thời gian, dịch chuyển tức thời, công nghệ của người ngoài hành tinh, kiểm soát thời tiết và tạo ra siêu chiến binh.

Thật khó để biết có bao nhiêu trong số những lời đồn này là sự thật. Nhưng do căn cứ Pine Gap là một địa điểm tuyệt mật, người ngoài không được đến gần, lại trơ trọi giữa một vùng đất bị bỏ hoang, nên những câu chuyện thêu dệt, những thuyết âm mưu luôn xuất hiện là điều không tránh khỏi.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.