Ngày 18/3/1990, hai nhân viên cảnh sát bước vào bảo tàng Isabella Stewart Gardner (thành phố Boston, Mỹ). Họ nói rằng họ đến làm nhiệm vụ vì nhận được cuộc gọi thông báo có một sự xáo trộn tại đây. Nhân viên an ninh đã phá vỡ quy trình để 2 viên cảnh sát này vào trong mà không ngờ rằng đây là 2 tên trộm.
Sau khi trói hai nhân viên an ninh, hai kẻ giả danh cảnh sát đã đánh cắp 13 tác phẩm nghệ thuật của các danh họa Rembrandt, Vermeer và Degas rồi bỏ trốn với số tác phẩm ước tính tổng giá trị hiện giờ lên tới 500 triệu USD.
Một nhân viên an ninh đứng bên ngoài Phòng Hà Lan của bảo tàng Isabella Stewart Gardner vào ngày 21/3/1990. Ảnh: Business Insider. |
Vụ trộm lớn nhất chưa được giải mã
Đây là vụ trộm tác phẩm nghệ thuật lớn nhất thế giới chưa tìm được thủ phạm và chưa tìm được tung tích các bức tranh. Sau 28 năm, hồi đầu năm 2018, bảo tàng Isabella Stewart Gardner Museum tuyên bố tiếp tục mở rộng tìm kiếm nghi can vụ việc này.
Chủ tịch ban điều hành bảo tàng Steve Kidder cho biết đã tăng gấp đôi tiền thưởng lên 10 triệu USD và kéo dài vô thời hạn cuộc truy tìm bởi họ vẫn hy vọng các tác phẩm có thể được tìm thấy.
“Mức thưởng thể hiện cam kết của bảo tàng và ban quản trị đối với việc thu hồi các tác phẩm giá trị này”, ông Kidder nhấn mạnh. “Chúng tôi là người mua duy nhất những tác phẩm này và chúng thuộc về một mái nhà hợp pháp”.
Trong số các tác phẩm bị lấy trộm phải kể đến bức Chúa trong cơn bão ở hồ Galilee và Quý bà và quý ông mặc đồ đen của danh họa Rembrandt. Ngoài ra, còn có Buổi hòa nhạc của Johannes Vermeer và tranh sơn dầu Landscape with Obelisk của Govert Flinck. Khi du khách tới thăm bảo tàng ngày nay, những khung tranh để trống trên tường chính là nơi từng treo những kiệt tác bị đánh cắp.
Những khung hình trống của các bức họa bị đánh cắp vẫn để nguyên trong bảo tàng Isabella Stewart Gardner Museum. Ảnh: Newengland.com. |
Anthony Amore, người đứng đầu đội an ninh của bảo tàng, hiện dành toàn bộ thời gian để điều tra vụ việc với các đặc vụ thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Vào đầu năm 2018, ông cho biết đã nhận được một lượng lớn cuộc gọi trong suốt 6 tháng. Amore khẳng định: “Đảm bảo an ninh cho bảo tàng là công việc của tôi, song giải mã vụ án mới là cuộc đời tôi”.
Ông nhấn mạnh vấn đề không phải là số lượng mà chất lượng của các cuộc gọi. Mặc dù nhiều người đã liên lạc song ông đã nói rõ rằng nhóm điều tra không tìm kiếm giả thuyết mà sự thật.
Trong số những người gọi đến, một số cho rằng đây là hành động của mafia, trong khi những người khác tin rằng nhân viên an ninh đã thông đồng với tội phạm.
Năm 2015, phóng viên Jonathan Jones của tờ Guardian đã yêu cầu được trích xem đoạn video an ninh do cảnh sát cung cấp, qua đó cho thấy vụ trộm đã được tập dượt một ngày trước đó.
Vai trò của một nhân viên an ninh, nhạc sĩ sáng tác nhạc rock Richard Abath (23 tuổi vào thời điểm đó) cũng bị đặt vào vòng nghi vấn.
Một giả thuyết khác là vụ việc là do 2 tên tội phạm gây ra, trong đó một người là Myles Connor, một tay chơi guitar rock bị đi tù do trộm tác phẩm nghệ thuật năm 1975. Tên này đã ra đầu thú và tự nguyện trả lại tác phẩm vào năm 1997 thông qua một đồng phạm mang tên William Youngsworth.
Một phóng viên của tờ Boston Herald đã được mời đến xem tác phẩm bị đánh cắp năm đó tại một nhà kho ở Red Hook, song độ tin cậy của tác phẩm và nghi phạm đã bị hoài nghi.
Trong khi đó, FBI cho rằng các tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp đã bị đem bán tại thành phố Philadelphia vào đầu những năm 2000, và vụ trộm do một tổ chức tội phạm tại khu vực Trung Đại Tây Dương và New England gây ra. FBI nghi vấn rằng một trong hai nghi phạm là tay xã hội đen Bobby Donati ở Boston, kẻ đã chết trong cuộc thanh toán giữa các băng đảng năm 1991.
Tuy nhiên, Arthur Brand, một nhà điều tra Hà Lan và là cố vấn nghệ thuật tại Amsterdam, tin rằng các tác phẩm đang ở Ireland.
Ông Brand cho hay: “FBI đã nhiều lần tới Ireland bởi họ có đầu mối quan trọng rằng chúng đang ở trong tay của Quân đội CH Ireland, song một số người lại nghĩ rằng chúng còn ở Mỹ”.
“Giờ đây, họ đang tập trung vào Robert Gentile, một thành viên mafia đã 80 tuổi và được đề nghị miễn án tù nếu trả lại các tác phẩm. FBI có thực sự nghĩ rằng ông ta có thể từ chối thỏa thuận này nếu biết được điều gì? Gentile đã khẳng định không biết gì song FBI vẫn cứ tập trung vào người đàn ông đó”.
Năm 2013, FBI công bố đầu mối trong vụ trộm bảo tàng Isabella Stewart Gardner: Ảnh: Timesofisrael.com. |
Brand đang tìm kiếm đầu mối tại Ireland. “Tôi đã nói chuyện với các cựu thành viên IRA, những người xác nhận rằng việc các tác phẩm nằm trong tay tổ chức này hoàn toàn có thể xảy ra”. Đặc biệt, trong số này có một người cho biết từng nghe được chuyện IRA giữ những tác phẩm bị đánh cắp.
Ông cũng kêu gọi ai nắm được thông tin về các kiệt tác bị đánh cắp hãy liên lạc với ông. “Tôi là bên trung lập và tôi có thể đảm bảo rằng nếu bất kỳ ai cung cấp thông tin, họ sẽ được bảo mật danh tính, song không có ai phản hồi”. Ông đánh giá đây là một vụ án phức tạp và lạ lùng.
Theo nhà văn Stephen Kurkjian, từng đoạt giải Pulitzer và viết cuốn sách về vụ trộm mang tên “Những tên trộm siêu phàm: Những tên cướp Boston đứng sau vụ trộm tác phẩm nghệ thuật lớn nhất thế giới”, tay xã hội đen Boston Louis Royce từng tuyên bố hắn vẫn còn bị thiếu nợ 15% tiền lên kế hoạch vụ trộm tại bảo tàng Isabella Stewart Gardner. Royce hiện đã đi tù vì tội danh khác.
Hành trình gian nan đưa kiệt tác trở lại bảo tàng
Melanie Hall, Giám đốc chương trình nghiên cứu bảo tàng tại Đại học Boston, thừa nhận vụ trộm đã giúp các bảo tàng tăng cường an ninh hơn. “Kể từ năm 1981, Liên minh các bảo tàng Mỹ đã triển khai chương trình đánh giá, qua đó hỗ trợ các bảo tàng tầm trung cải thiện hoạt động và đáp ứng các tiêu chuẩn”, bà nói.
Tuy nhiên, bà Hall tin rằng mối quan tâm lớn hiện nay là việc hoàn trả các tác phẩm nghệ thuật về với công chúng.
Đối với bà, việc đưa các tác phẩm trở lại để những người trẻ tuổi được chiêm ngưỡng còn quan trọng hơn việc biết được chính xác điều gì đã xảy ra và trách nhiệm khám phá bí mật này sẽ thuộc về các thám tử tương lai.
Về khoản tiền thưởng vô thời hạn, bảo tàng Isabella Stewart Gardner đã phát hành một cuốn sách mang tên “Bị đánh cắp”, trong đó đưa ra cái nhìn cận cảnh về vụ trộm với các bình luận từ giám đốc, những người quản lý và nhân viên an ninh của bảo tàng.
Amore, người đã tập trung giải mã vụ án suốt 12 năm, tin rằng họ đã tiến gần tới việc tìm ra đáp án cho vụ trộm. “Chúng tôi đang tìm kiếm một vài thông tin để kết thúc vụ án. Một ai đó có thể gọi đến với mảnh ghép cuối cùng cho câu đố”, ông Amore chia sẻ.
Hàng chục năm đã trôi qua, mặc dù công chúng vẫn chưa nguôi hy vọng được thưởng thức những kiệt tác bị đánh cắp, song liệu các nhà điều tra có thực sự vén được bức màn bí ẩn về vụ trộm nghệ thuật lớn nhất thế giới này hay không vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.