Bí ẩn kho báu thất lạc của trùm xã hội đen

GD&TĐ - Vào những năm 1920 và 1930, thời kỳ các băng đảng xã hội đen và bạo lực thao túng đường phố ở Mỹ, một tay găng-xtơ khét tiếng khi qua đời đã để lại truyền thuyết về khối tài sản khổng lồ mà đến nay vẫn còn bí ẩn.

Tại bệnh viện, trước khi chết, Dutch Schultz đã lan man nói về kho báu được chôn giấu.
Tại bệnh viện, trước khi chết, Dutch Schultz đã lan man nói về kho báu được chôn giấu.

Trở thành tội phạm

Arthur Flegenheimer sinh năm 1902 tại Bronx, Thành phố New York, Mỹ trong gia đình có cha mẹ là người Đức gốc Do Thái. Sau này nổi tiếng với cái tên Dutch Schultz, nhưng hắn có một tuổi thơ đầy nhọc nhằn, bị cha bỏ rơi khi còn là một đứa trẻ.

Để phụ giúp người mẹ đơn thân, Arthur phải bỏ học từ năm lớp 8, đi làm những công việc lặt vặt. Không lâu sau, hắn bị dụ dỗ vào thế giới tội phạm, bắt đầu từ những vụ móc túi, ăn cắp vặt, đến trộm tài sản và bị bắt bỏ tù ở tuổi 18. Sáu tháng sau, hắn được tự do và xin được việc tại một công ty vận tải đường bộ với mong muốn trở thành người lương thiện, nhưng chỉ một thời gian ngắn, xã hội đen lại chiêu dụ hắn.

Khi Luật cấm rượu có hiệu lực vào năm 1920, công ty vận tải đường bộ nơi Arthur làm việc bắt đầu buôn bán rượu lậu, và hắn không mất nhiều thời gian để nhận ra tiềm năng làm giàu từ lĩnh vực này.

Với bản tính gan lì và tàn nhẫn, hắn đã giành được quyền kiểm soát việc kinh doanh rượu lậu ở Bronx, xây dựng đế chế buôn lậu của riêng mình. Khoảng thời gian này, hắn đổi tên thành “Dutch Schultz,” vì nghe có vẻ “ngầu” hơn Arthur Flegenheimer.

Không hài lòng ở lĩnh vực buôn bán rượu lậu, hắn mở rộng sang các hoạt động tội phạm có tổ chức khác, bao gồm ma tuý, tống tiền và xổ số bất hợp pháp trên khắp tiểu bang New York và một số vùng của New Jersey. Khi chỉ mới 25 tuổi, hắn đã kiếm được hơn 20 triệu USD mỗi năm từ các hoạt động bất hợp pháp của mình và được coi là một trong những trùm xã hội đen giàu nhất thời đó. 

Cất giấu tài sản

Là một trong những trùm xã hội đen nguy hiểm nhất ở Mỹ, hắn lọt vào tầm ngắm của cảnh sát chống tội phạm. Giống như với nhiều tay xã hội đen khác, đầu tiên Shultz bị các cơ quan chức năng buộc tội trốn thuế.

Biết mình có khả năng đối mặt với án tù dài hạn nên Schultz tìm cách bảo vệ khối tài sản tích lũy được. Hắn cùng với một thủ hạ thân tín tên “Lulu” Rosencrantz, gom tất cả tiền mặt, vàng, trái phiếu và đá quý nhét vào một chiếc két sắt được thiết kế đặc biệt, kín hơi, không thấm nước, tìm đến vùng nông thôn của New York, cất giấu chiếc két ở nơi bí mật.

Khi mọi chuyện sắp xếp đâu vào đấy, Shultz tự nộp mình cho các điều tra viên vì biết không thể trốn tránh được. Tuy nhiên, qua hai phiên tòa xử tội trốn thuế, hắn được tuyên trắng án do thiếu bằng chứng.

Trong thời gian Shultz dính líu đến luật pháp, những băng nhóm khác bắt đầu lấn chiếm lãnh địa của hắn. Vì vậy, thay vì nằm im trong một thời gian, hắn nổi cơn thịnh nộ, quyết liệt giành lại khu vực làm ăn của mình, đồng thời mở rộng hoạt động ở New Jersey, với những vụ giết người gây chấn động.

Dutch Schultz trở thành trùm xã hội đen khi còn rất trẻ.
Dutch Schultz trở thành trùm xã hội đen khi còn rất trẻ.

Bị thanh trừng

Một ngày nọ, hắn đến gặp các ông trùm của thế giới ngầm xin được tấn công vào công tố viên liên bang, Thomas E. Dewey, nhưng bị từ chối. Tuy nhiên, chính điều này đã khiến các ông trùm lo lắng. Họ không muốn Shultz manh động, thu hút sự chú ý từ các nhà chức trách đối với những hoạt động bất minh của nghiệp đoàn. Và số phận của Shultz đã bị định đoạt. Vào ngày 23 tháng 10 năm 1935, Shultz đang thư giãn tại cơ sở làm ăn của mình thì bị hai sát thủ bắn hạ cùng với vệ sĩ trung thành, “Lulu” Rosencrantz.

Mặc dù bị thương rất nặng, Schultz vẫn sống sót sau cuộc tấn công này và chính tại bệnh viện, hắn bắt đầu lan man về kho báu được cất giấu bí mật. Trên giường bệnh, hắn thú nhận đã giấu một số tiền lên đến 7 triệu đô la Mỹ, nhưng không tiết lộ địa điểm chính xác.

Hắn cũng đề cập đến “bộ sưu tập giấy tờ” của mình, và nói những chuyện kỳ quặc, không mạch lạc. Điều này cũng không có gì khó hiểu, bởi hắn được cho dùng nhiều morphin, đầu óc kém minh mẫn, luôn mê sảng. Ngày hôm sau, trùm xã hội đen chết vì viêm phúc mạc, mang theo bí mật về tài sản xuống mồ.

Kho báu ở đâu?

Sau cái chết của Dutch Schultz, không còn ai thực sự biết vị trí chôn giấu kho báu, vì người đi cùng Schultz cũng đã chết trong vụ thanh trừng kể trên. Người ta đồn rằng, trước khi bị bắn hạ, “Lulu” không chỉ nói với một người bạn tên là Marty Krompier về kho báu, mà còn vẽ bản đồ nơi chôn giấu.

Thế nhưng, Krompier cũng bị bắn tại một tiệm cắt tóc ở thành phố New York và bản đồ bị lấy mất. Mặc dù sống sót sau vụ này nhưng hắn tuyên bố không thể tìm thấy kho báu nếu không có bản đồ.

Kho báu bí ẩn của Schultz ước tính có giá trị từ 50 triệu đến 150 triệu USD theo thời giá đã làm dấy lên nhiều cuộc săn lùng. Không ai biết toàn bộ câu chuyện này có thật hay không, mặc dù Schultz chắc chắn có một khối tài sản kếch xù, nhưng hắn hầu như không để lại gì sau khi qua đời.

Sau cái chết của Schultz, người ta phát hiện hắn và vợ không kết hôn chính thức. Ngoài ra, có thể có một người vợ nữa, khi người ta tìm thấy trong những vật dụng của hắn tại một khách sạn ở Newark có một số bức thư cùng hình ảnh của một người phụ nữ và một đứa trẻ khác.

Điều này không được làm sáng tỏ vì người vợ theo luật của hắn từ chối nói về nó, còn người phụ nữ bí ẩn không hề ra mặt. Hai người phụ nữ khác cũng gọi đến nhà xác để nhận vật dụng của hắn, nhưng danh tính của họ không được tiết lộ.

Như vậy là hắn đã mang tất cả tài sản đi cất giấu. Nhưng giấu ở nơi nào? Những người có thể trả lời cho câu hỏi đó là Schultz và người đã giúp hắn chôn nó nhưng cả hai đều không còn. Cũng có thể Marty Krompier và kẻ đã đánh cắp bản đồ có dính líu, nhưng người thì đã chết, người thì không rõ tung tích. Vì vậy, kho báu của trùm xã hội đen vẫn chỉ là truyền thuyết.

Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.