Bí ẩn chuyện cổ phần hóa ACSV

GD&TĐ - Trong lời giới thiệu, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV) cho biết, doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 4/2009 với tên Công ty Dịch vụ hàng hóa hàng không (ACS), trực thuộc Tổng công ty cảng hàng không Miền Bắc. Nay công ty đã cổ phần hóa và mang theo những hoạt động “béo bở” của ngành dịch vụ hàng không cho các đối tác bên ngoài.

Trụ sở Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không - ACSV
Trụ sở Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không - ACSV

Người lao động mất quyền sở hữu

Thời điểm này, ACS là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước với chức năng chính cung cấp các dịch vụ liên quan tới vận tải hàng hóa cho các hãng hàng không đi và đến tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Đến năm 2012, ACS chuyển đổi mô hình từ công ty phụ thuộc sang thành Trung tâm dịch vụ ga hàng hóa Nội Bài, trực thuộc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (thuộc ACV).

Tháng 6/2015, trung tâm này được cổ phần hóa với vốn điều lệ 250 tỷ đồng, và chính thức mang tên ACSV cho đến nay. Trong lời giới thiệu, ACSV khẳng định công ty “được chọn là đại diện tiên phong của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thực hiện chuyển đổi vốn chủ sở hữu từ nhà nước sang tư nhân thông qua quá trình cổ phần hóa”. Đây cũng là nỗ lực nhằm thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Bộ GTVT và ACV.

Điều mà người lao động ở ACSV bức xúc là lợi ích từ việc tái cơ cấu bằng cổ phần hóa này lại không hề “lọt” tới người lao động tại ACSV thời điểm đó. Bởi khi đó có 5 pháp nhân chia nhau 100% cổ phần ACSV thời điểm thành lập doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa, người lao động đã không được tham gia cổ phần hóa tại ACSV cũng như được sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp này.

Chưa hết, trong số 5 cổ đông pháp nhân sáng lập, có đến 4 pháp nhân chia nhau góp 80% vốn điều lệ của ACSV đều là công ty tư nhân. ACV – công ty mẹ trước kia – chỉ còn nắm vỏn vẹn 20% vốn điều lệ. Một tỷ lệ cho thấy ACV không còn nhiều chi phối tại ACVS, hay nói cách khác là về bản chất ACV đã cơ bản bán đứt ACSV dưới “mác” cổ phần hóa.

Pháp luật về đổi mới doanh nghiệp nhà nước có các hình thức để lựa chọn như phá sản, giao, bán, khoán, cho thuê, và cổ phần hóa. Trong đó có quy định, khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, người lao động phải được tham gia mua cổ phần và có quyền lợi được làm “ông chủ” thực sự tại doanh nghiệp, nhưng qua những gì mà chúng tôi nêu ở trên, thực tế đã không diễn ra như vậy.

Việc người lao động không được tham gia cổ phần hóa ACSV là một điều không bình thường, và càng bất thường hơn khi ACSV đã và đang là doanh nghiệp nắm giữ thị phần dịch vụ lớn nhất tại sân bay Nội Bài.

Được biết, từ ngày đơn vị này vẫn còn là doanh nghiệp nhà nước cho đên nay, ACSV luôn làm ăn lãi lớn, với mức tăng trưởng hàng chục phần trăm mỗi năm. Do đó, những phần lợi nhuận “béo bở” từ việc khai thác các hoạt động kinh doanh dịch vụ của ACSV nêu trên đã được “chảy” vào túi của các cổ đông chứ không phải là những người lao động vốn đã từng là những người chủ công ty trước đây. 

Người lao động tại ACSV cho đến giờ vẫn nhớ cuộc họp lãnh đạo công ty chiều một ngày đầu tháng 6/2015 có sự tham gia của một số người lạ. Những người này tự giới thiệu là “chủ mới” của ACSV, điều đó làm những cán bộ, nhân viên tại ACSV kinh ngạc, bởi họ không biết ACSV đã cổ phần hóa khi nào.

Mang lợi thế chia cho người ngoài

Như đã nói, trong số 5 cổ đông pháp nhân sáng lập ACSV, có 4 pháp nhân nắm 80% vốn điều lệ của ACSV là các doanh nghiệp ty tư nhân. Bao gồm, Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long nắm 20% vốn điều lệ (tương đương 50 tỷ đồng), Công ty TNHH đầu tư HMG Việt Nam nắm 30% (tương đương 75 tỷ đồng), Công ty cổ phần đầu tư xây dựng bất động sản Lanmak nắm 20% vốn điều lệ (tương đương 50 tỷ đồng), cuối cùng là Công ty cổ phần chứng khoán IB nắm 10% vốn điều lệ (tương đương 25 tỷ đồng).

Trong đó, các Công ty cổ phần dịch vụ hàng không Thăng Long và Công ty TNHH đầu tư HMG Việt Nam cùng các cổ đông của công ty này tiếp tục tham gia sở hữu cổ phần tại nhiều doanh nghiệp khác đang nắm giữ những phần việc dịch vụ béo bở nhất liên quan tới hàng không tại sân bay Nội Bài.

Thậm chí, Công ty TNHH đầu tư HMG Việt Nam còn là cổ đông pháp nhân trong một công ty liên kết của ACV tại sân bay Tân Sơn Nhất. Chủ sở hữu Công ty TNHH đầu tư HMG Việt Nam cũng đồng thời là cổ đông cá nhân lớn nhất tại doanh nghiệp liên kết này của ACV.

“Mô hình” ACV chỉ nắm giữ tỷ lệ không quá 50% được xem là “tiêu chuẩn” trong cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc. Tại sân bay Nội Bài, ACV cũng chỉ nắm giữ 20% vốn điều lệ (tương đương 30 tỷ đồng) trong Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS). Đây là công ty hiện nắm thị phần dịch vụ lớn hàng đầu tại sân bay Nội Bài.

80% vốn điều lệ của công ty này do 3 cổ đông pháp nhân đều là doanh nghiệp ngoài nhà nước nắm giữ. Và cũng tương tự, hoàn toàn không có hình bóng của người lao động nắm giữ cổ phần – dù chỉ là tỷ lệ nhỏ - trong cơ cấu cổ phần của HGS.

Vì sao người lao động tại các công ty nêu trên không tham gia vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tốt nhất của ACV? Đó vẫn là câu hỏi chưa có lời giải ?.

Điều mà dư luận bức xúc là trong kết luận thanh tra gần nhất của Thanh tra Chính phủ tại ACV có nội dung về công tác cổ phần hóa tại Tổng công ty này, nhưng lại không hề nhắc tới việc cổ phần hóa tại ACSV và HGS – hai doanh nghiệp hiện nắm thị phần dịch vụ lớn nhất tại sân bay Nội Bài và đang là đơn vị có nhiều hợp đồng dịch vụ hàng không với nhiều hãng hàng không thế giới(?).

Được biết, những hợp đồng dịch vụ nêu trên có hiệu lực là bởi do ACSV được sử dụng cơ sở vật chất tại sân bay Nội Bài – vốn là tài sản được đầu tư bằng tiền vốn Nhà nước và vốn vay nước ngoài – để kinh doanh, tạo lợi nhuận cho một nhóm các cá nhân chủ các doanh nghiệp nắm giữ phần lớn nhất vốn điều lệ tại ACSV, hay HGS.

Từ những vấn đề nêu trên, đang “lộ” ra câu chuyện nhà nước đầu tư hạ tầng sân bay để cho tư nhân khai thác là một sự thật tại sân bay Nội Bài. Đây là việc làm đi ngược lại chính sách cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đi ngược lại chủ trương xã hội hóa đầu tư, khai thác hạ tầng giao thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.