Lò cao Hải Vân - chiến tích một thời

GD&TĐ - Suốt thời gian Chiến dịch Điện Biên Phủ, Lò cao kháng chiến Hải Vân đã cho ra đời hàng trăm tấn gang phục vụ kháng chiến.

Lò cao kháng chiến Hải Vân trong hang núi Đồng Mười.
Lò cao kháng chiến Hải Vân trong hang núi Đồng Mười.

Lò cao kháng chiến Hải Vân đã góp cùng cả nước viết nên bản hùng ca trong Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Kỳ tích lửa trong rừng sâu

Lò cao kháng chiến Hải Vân nằm trong hang Đồng Mười (thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, Thanh Hóa). Hơn 70 năm trước, nơi đây từng luyện được hơn 500 tấn gang, kịp thời đáp ứng được yêu cầu sản xuất, chế tạo vũ khí phục vụ các chiến trường, đặc biệt là Chiến trường Điện Biên Phủ đang vào giai đoạn ác liệt nhất.

Theo tài liệu lịch sử, năm 1947 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã chuyển sang giai đoạn cam go, ác liệt, việc tự chủ sản xuất vũ khí, đạn dược phục vụ cho cuộc chiến trường kỳ rất quan trọng.

Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao cho Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng nghiên cứu xây dựng và vận hành các lò cao luyện gang cung cấp cho các công xưởng sản xuất vũ khí, trang bị cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích.

Năm 1948, dưới sự chỉ đạo của Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng, xưởng kim khí kháng chiến 3KC do Kỹ sư Võ Quý Huân (một trong những trí thức kiều bào theo Bác Hồ về nước khi Người sang Pháp năm 1946) được giao nhiệm vụ thiết kế và thi công lò cao luyện gang nhỏ thí nghiệm 3KC1 ở Cầu Đất, huyện Con Cuông (Nghệ An).

Ngày 15/11/1948, lò cao thí nghiệm do Kỹ sư Võ Quý Huân thiết kế thử nghiệm đã cho ra mẻ gang đầu tiên, đánh dấu một mốc son mới trong sự nghiệp công nghiệp luyện kim và công nghiệp quốc phòng của đất nước lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, gây khó khăn trong vận chuyển và sinh hoạt, xí nghiệp được chuyển về vùng Cát Văn (gần sông Lam, tỉnh Nghệ An) để tiếp tục tiến hành xây dựng lò cao. Quá trình xây dựng đang diễn ra thì thực dân Pháp phát hiện, liên tục ngày đêm cho máy bay ném bom, đánh phá.

Cuối năm 1949, lò cao được di chuyển về khu vực thung lũng Đồng Mười của huyện miền núi Như Xuân (nay thuộc huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa). Khu vực này là địa điểm thuận lợi về giao thông, gần nguồn nguyên liệu và đảm bảo tính bí mật, có thể lắp đặt được nhà máy và sản xuất nguyên liệu phục vụ chiến trường lâu dài.

Tháng 6/1950, các kỹ sư, công nhân bắt đầu xây dựng đồng thời 2 lò cao với ký hiệu NX1, NX2. Lò NX1 kích thước lớn có dung tích 6,7m3 để sản xuất gang và lò NX2 kích thước nhỏ có dung tích 1m3 để thử nghiệm. Chỉ trong vòng 15 tháng gian khổ vừa xây dựng, vừa vận chuyển, tháng 9/1951, lò cao đã hoàn thành tại thung lũng Đồng Mười.

Đến ngày 12/9/1951, lò NX2 cho ra đời mẻ gang đầu tiên. Chỉ sau 2 năm, lò NX1 và NX2 đã sản xuất và cung cấp gần 200 tấn gang cho các công binh xưởng ở Khu 4 để chế tạo vũ khí phục vụ cho các chiến trường đánh Pháp.

Trong khi hoạt động sản xuất đang diễn ra bình thường, bất ngờ hai lò cao NX1 và NX2 bị thực dân Pháp phát hiện đã liên tiếp cho máy bay ném bom đánh phá suốt ngày đêm. Trước tình hình trên, được sự đồng ý của cấp trên, ban lãnh đạo lò cao Đồng Mười do kỹ sư Trần Đại Nghĩa, lúc bấy giờ là Cục trưởng Cục Quân giới, quyết định xây dựng một lò cao trong hang núi, cách vị trí cũ khoảng 2km.

Đây là việc làm vô cùng táo bạo và chưa hề có tiền lệ trên thế giới trong thời điểm đó, bởi lò cao có kích thước lớn, cồng kềnh di chuyển vào hàng núi rất khó khăn, phức tạp, cơ hội thành công rất ít. Nhưng với ý chí kiên cường, sự quyết tâm của các kỹ sư, cán bộ cùng sự giúp đỡ của nhân dân, lò cao trong hang núi cũng được xây dựng thành công.

Tháng 1/1953, các cán bộ, kỹ sư đã phải sử dụng trên 400 phát mìn để mở cửa hang; đồng thời nghiên cứu để đưa hệ thống lò vào hang núi với nhiều bộ phận máy móc như hệ thống xả hơi nước, xả hơi độc, hệ thống thoát khói... Nhưng bằng ý chí và nghị lực sáng tạo, chỉ trong thời gian ngắn lò cao có dung tích 8,3m3 cao 13m, tên gọi là NX3 đã được lắp đặt hoàn chỉnh trong hang núi đá Đồng Mười.

Ngay khi ra đời, mỗi ngày lò cao NX3 sản xuất ra trung bình 3 tấn gang cung cấp cho việc sản xuất vũ khí ở các chiến trường. Cùng thời điểm này, quân và dân ta làm nên chiến thắng to lớn tại đèo Hải Vân, vì vậy cấp trên cũng đã quyết định cho đổi tên Lò cao NX3 thành “Lò cao Hải Vân”.

Khách du lịch tham quan Lò cao.

Khách du lịch tham quan Lò cao.

Khẩu hiệu còn in trên vách đá.

Khẩu hiệu còn in trên vách đá.

Góp công cùng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tháng 12/1954, Lò cao kháng chiến Hải Vân ngừng hoạt động, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Đây là chiến công to lớn và ý nghĩa của nền công nghiệp luyện kim đầu tiên của nước ta, đã vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để hoàn thành sứ mạng lịch sử vẻ vang của mình và được xem như kỳ tích của ngành quân giới Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Theo thống kê, trong 4 năm hoạt động (từ 1951 - 1954), Lò cao kháng chiến NX1 - NX3 đã sản xuất được hơn 500 tấn gang, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế tạo các loại vũ khí như mìn, lựu đạn, súng cối, đạn bazoka, nồi quân dụng... phục vụ chiến trường. Ngoài ra, còn để đúc những quả tạ 1.000kg cho búa máy phục vụ giao thông sửa chữa cầu bị phá hoại trong chiến tranh.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1953 đầu năm 1954, khi cuộc chiến tranh chống Pháp tại Chiến trường Điện Biên Phủ đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất.

Lò cao kháng chiến Hải Vân ra đời không chỉ đánh dấu, mở ra mốc son vĩ đại cho ngành quân giới Việt Nam, mà còn cho thấy sự sáng tạo, bản lĩnh phi thường của đội ngũ trí thức theo Đảng và Bác Hồ thời điểm đó, tiêu biểu như các nhà khoa học: Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Kỹ sư Võ Quý Huân, Trịnh Tam Tĩnh, cán bộ kỹ thuật Trịnh Văn Yên, Nguyễn Văn Thân... và rất nhiều công nhân địa phương.

Các hạng mục bên trong của Lò cao Hải Vân.

Các hạng mục bên trong của Lò cao Hải Vân.

Trải qua 70 năm dừng hoạt động, có thời điểm Lò cao kháng chiến Hải Vân bị lãng quên trong hang núi, không được quan tâm nên nhiều hạng mục công trình hư hỏng, xuống cấp, nhiều thiết bị sắt thép, máy móc đã bị kẻ xấu lấy đi khiến công trình không còn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, sau đó được sự quan tâm của địa phương, ngành văn hóa, hiện lò cao đã được trùng tu, tôn tạo nguyên trạng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và hình thành điểm du lịch tham quan, trải nghiệm cho du khách.

Ngoài hình hài nhà máy, công xưởng đã được trùng tu, trong hang núi vẫn còn những dấu tích viết trên vách đá của một thời hăng say lao động, kỷ luật, kỷ cương của các kỹ sư, công nhân như khẩu hiệu “Đào sâu nhớ kỹ, kiểm điểm thành tích viết tự thuật đầy đủ... cụ thể”; hay “Đề cao tương trợ, đẩy mạnh sản xuất, giúp nhau kiểm điểm lấy thành tích, viết tự thuật tốt”...

Ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng phòng Văn hóa và Thể thao huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết, với giá trị lịch sử to lớn đó, năm 2013 Lò cao kháng chiến Hải Vân đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia. Hiện nay, chính quyền đang từng bước trùng tu, tôn tạo di tích trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ Như Thanh nói riêng và cả nước nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.