Tinh thần chung là đáp ứng đủ số lượng, đặc biệt quan tâm đến chất lượng cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ tổ chức thi.
Sẵn sàng phương án nhân sự
Khẳng định địa phương đặc biệt coi trọng lựa chọn nhân sự thực hiện các nhiệm vụ, khâu tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết: Dự kiến năm nay, tỉnh huy động 2.500 nhân sự; trong đó khoảng 2 nghìn người là cán bộ quản lý, giáo viên THPT; 500 chiến sĩ công an và lực lượng khác. Tất cả nhân sự tham gia làm thi bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của quy chế, có tinh thần trách nhiệm cao.
Chuẩn bị cán bộ coi thi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Bạch Đăng Khoa thông tin: Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trường THPT công lập, phổ thông dân tộc nội trú, trung tâm thuộc sở GD&ĐT lập danh sách gồm toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, bảo vệ đang làm việc, hưởng lương cố định của đơn vị và công an, quân đội tham gia.
Thủ trưởng các đơn vị chủ động liên hệ với công an, quân đội, y tế để có danh sách tham gia Điểm thi đúng thời gian quy định. Về số lượng lãnh đạo, thư ký Hội đồng coi thi, mỗi đơn vị giới thiệu 1 trưởng Điểm thi, 2 phó trưởng Điểm thi, số thư ký căn cứ vào số phòng thi của Điểm thi giới thiệu không quá 9 phòng thi/thư ký.
Đối với trường THPT ngoài công lập, trường cao đẳng có học viên dự kỳ thi được chọn đặt làm Điểm thi: Mỗi trường giới thiệu 1 lãnh đạo làm phó trưởng Điểm thi và các cán bộ y tế, công an, quân đội, bảo vệ, nhân viên phục vụ để tham gia làm nhiệm vụ.
Trường không đặt Điểm thi, mỗi trường giới thiệu 1 nhân viên làm nhiệm vụ tại Điểm thi khác. Danh sách thành viên làm thi được yêu cầu gửi về sở GD&ĐT trước ngày 18/5. Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm tổ chức cho các thành viên tham gia làm thi ghi bản cam kết trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc và đúng quy chế thi.
Kế hoạch tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại tỉnh Hòa Bình đã nêu rõ số lượng nhân sự huy động. Theo đó, với 59 đơn vị có học sinh lớp 12 dự thi, 38 Điểm thi, tỉnh dự kiến huy động tổng số 3.418 nhân sự tham gia các khâu tổ chức kỳ thi. Trong đó, Ban Chỉ đạo: 45 người, Hội đồng thi: 18 người; 35 người (cán bộ, giáo viên, công an, y tế) tham gia công tác in sao đề thi; 20 người tham gia vận chuyển và bàn giao đề thi.
Ban Coi thi có 2.150 người tham gia (trong đó 1.550 cán bộ coi thi; 600 công an, y tế, phục vụ, trật tự viên); ngoài ra có 150 nhân sự dự phòng. Với chấm thi tự luận, Hòa Bình dự kiến huy động 20 người tham gia công đoạn làm phách; 200 người tham gia công tác chấm thi tự luận. Số cán bộ chấm bài thi trắc nghiệm: 40 người.
Khoảng 740 thanh niên tình nguyện tiếp sức mùa thi. UBND tỉnh yêu cầu nhân sự phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 5 của quy chế thi; có năng lực, nắm vững nghiệp vụ về tổ chức thi, phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
Ảnh minh họa ITN. |
Coi trọng chất lượng
Chia sẻ về việc điều động cán bộ, công chức, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Sở GD&ĐT điều động lãnh đạo, giáo viên các trường phổ thông và THCS tham gia lãnh đạo, coi thi, giám sát phòng thi tại tất cả Điểm thi. Bảo đảm mỗi phòng thi bố trí 2 cán bộ coi thi ở hai đơn vị công tác khác nhau, cán bộ coi thi không coi thi tại Điểm thi có học sinh trường mình đang công tác.
Công chức, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi phải bảo đảm tiêu chuẩn: Phẩm chất đạo đức tốt, ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần trách nhiệm cao; nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi; không có người thân (vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ) dự thi tại Điểm thi; không trong thời gian bị kỷ luật về quy chế thi.
Công chức, cán bộ, giáo viên, nhân viên có người thân dự thi tại Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hà Nội không tham gia tổ chức thi; in sao đề thi, làm phách, chấm thi, phúc khảo bài thi.
“Sở GD&ĐT cũng yêu cầu trong thời gian tổ chức kỳ thi, các trường tuyệt đối không bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên nghỉ hè sớm hoặc tổ chức nghỉ tập thể. Các đơn vị phải huy động tối đa số cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ tiêu chuẩn để làm nhiệm vụ thi; không cử một người làm nhiều nhiệm vụ cùng một thời điểm. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ tiêu chuẩn tham gia làm thi nhưng chưa điều động sẽ nằm trong danh sách dự bị, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi cần thiết”, ông Nguyễn Quang Tuấn cho hay.
Tại Vĩnh Long, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Ngọc Hà, sở xác định lựa chọn nhân sự là yếu tố quan trọng, quyết định thành công của kỳ thi, nhất là nhân sự cho các ban và trưởng/phó các Điểm thi. Ngoài bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy chế, nhân sự được chọn phải luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công trong quá trình công tác, cẩn thận công việc, nắm bắt và xử lý tình huống nhanh, chính xác.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà còn nhấn mạnh tầm quan trọng việc phân công, phối hợp thực hiện nhiệm vụ; giúp từng người rõ công việc và phối hợp nhịp nhàng, thông suốt. Do đó, nhiều năm qua, sở GD&ĐT luôn chú trọng chỉ đạo các ban, Điểm thi có kế hoạch làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng người/nhiệm vụ cụ thể.
“Ngay sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế và hướng dẫn tổ chức thi, Sở GD&ĐT Vĩnh Long có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức nghiên cứu trong toàn trường, nhất là những điểm mới. Sau Hội nghị tập huấn của Bộ GD&ĐT, sở đã tổ chức Hội nghị triển khai cho tất cả cán bộ quản lý trường trực thuộc và yêu cầu tiếp tục tập huấn cho giáo viên nhà trường.
Dự kiến từ 15 đến 20/6, sở sẽ tập huấn sâu về nghiệp vụ cho lãnh đạo Điểm thi, dự kiến những tình huống có thể phát sinh và cách xử lý. Sau đó, từng trường tiếp tục tập huấn cho giáo viên được điều động coi thi. Sở GD&ĐT sẽ chốt nhân sự cụ thể cho kỳ thi trước 20/5”, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà thông tin thêm.
Tiếp tục cách làm của những năm qua, Sở GD&ĐT Vĩnh Long sẽ cập nhật Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào cẩm nang coi thi. Tài liệu này được phát cho từng cán bộ coi thi, giúp thầy cô thực hiện theo tiến trình từng buổi thi đúng với quy định. - Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà