Hiện đại hóa B61-12 để làm gì?

GD&TĐ - Tờ Politico dẫn nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ, bom hạt nhân B61-12 đã nâng cấp được triển khai đến các căn cứ NATO ở châu Âu từ cuối năm 2022.

Tiêm kích F-16 Mỹ mang theo hai quả bom B61-12.
Tiêm kích F-16 Mỹ mang theo hai quả bom B61-12.

Việc Mỹ đẩy sớm thời hạn thay thế các quả bom hạt nhân chiến thuật tại châu Âu được cho là có thể gây gia tăng căng thẳng tại châu lục này.

Đặc biệt, giới chức phương Tây tăng cường bày tỏ lo ngại về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine và đã xuất hiện lời kêu gọi phương Tây cần làm nhiều hơn để ngăn Moscow vượt qua lằn ranh đó.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói rằng việc hiện đại hóa chương trình B61 đã diễn ra trong nhiều năm và kế hoạch thay thế an toàn phiên bản cũ bằng phiên bản B61-12 được nâng cấp là một phần của chương trình.

"Việc đó không thể nào liên kết với những sự kiện thời sự đang diễn ra tại Ukraine", ông Ryder nói.

Tuyên bố được phía Mỹ đưa ra sau khi xuất hiện loạt lo ngại từ phía Nga về việc những chiếc F-16 sắp xuất hiện tại Ukraine có khả năng mang bom hạt nhân B61-12 và coi đây là mối đe dọa hạt nhân với Moscow.

Ukraine dự kiến ​​sẽ nhận những chiếc F-16 đầu tiên vào cuối năm nay, chúng sẽ được điều khiển bằng những phi công người Ukraine.

"Vũ khí hạt nhân chính và có nhiều khả năng nhất mà F-16 có thể mang theo là bom trọng lực B61-12 - loại bom này đã được liên tục duy trì và cải tiến về cả độ chính xác lẫn hiệu suất chiến đấu", Trung tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski, cựu nhà phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ, nói.

Bà nói thêm: "Kể từ tháng 11 năm 2020, B61-12 đã được sản xuất, với chương trình sẽ hoàn thành vào năm 2026 và dự kiến ​​sẽ phục vụ đến những năm 2040. Các mẫu F-16 C và D đều có thể mang loại vũ khí này".

B61-12 là phiên bản mới nhất của dòng bom trọng lực hạt nhân phóng từ trên không B61 ​​của Mỹ, được phát triển để tăng cường khả năng hạt nhân của Không quân Mỹ.

Loại vũ khí này có thể được mang trên các máy bay B-2A, F-15E, F-16C/D, F-16 MLU, F-35 và Panavia Tornado của Anh-Đức-Ý. Nguyên mẫu máy bay ném bom tàng hình B-21 cũng được thiết kế để mang bom.

Đơn vị thử nghiệm phát triển bom rơi tự do hạt nhân B61-12 đầu tiên đã được F-15E thả xuống tại Bãi thử Tonopah ở Nevada vào ngày 1 tháng 7 năm 2015.

Chuyên gia Kwiatkowski lập luận: "Nếu những chiếc F-16 do phi công Ukraine điều khiển, chúng sẽ không được phép tiếp cận vũ khí hạt nhân ở bất kỳ quốc gia NATO nào".

Cựu nhà phân tích của Lầu Năm Góc chỉ ra rằng có thể dễ dàng xác định được máy bay chiến đấu F-16 mang vũ khí hạt nhân vì B61-12 dài hơn các loại bom 500 lb và 1.000 lb thường được máy bay chiến đấu phản lực mang theo.

Bà nói: "Có hình ảnh giúp xác định những loại vũ khí này và các cơ quan tình báo trên khắp thế giới theo dõi chuyển động và việc triển khai trọng tải hạt nhân.

Những chiếc F-16 được chuyển giao cho Ukraine gây ra rủi ro và cũng không có ý nghĩa gì từ góc độ phòng thủ", Kwiatkowski nhấn mạnh, đồng thời đưa ra ba kịch bản khác nhau mà NATO và Mỹ đang thực hiện ở Ukraine.

- Đầu tiên, việc cung cấp các mẫu F-16 cũ hơn của châu Âu được thực hiện để giải quyết hàng tồn kho và tạo ra thị trường mới cho các hệ thống vũ khí của Mỹ trong và ngoài NATO.

- Thứ hai, thông điệp xung quanh F-16 đến mức nó đã trở thành ranh giới đỏ đối với Nga, và do đó, việc gửi những phương tiện này tới Ukraine sẽ chuyển mặt trận sang phía tây Ukraine.

Và hơn nữa còn tạo ra nỗi sợ hãi không chính đáng ở châu Âu. Đây có thể là lý do chính F-16 xuất hiện tại Kiev", bà nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ