Chuyện “sân sau” tại sân bay Nội Bài

GD&TĐ - Năm 2012, Bộ trưởng GTVT quyết định thành lập Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) trên cơ sở sáp nhập ba cụm cảng hàng không, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con, với 22 Cảng hàng không trên cả nước, trong đó có 21 Cảng hàng không đang khai thác và các dự án hạ tầng hàng không cả nước.

Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa hàng không (ACSV) nơi chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới hàng hóa hàng không. Ảnh ACSV
Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa hàng không (ACSV) nơi chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới hàng hóa hàng không. Ảnh ACSV

5 năm sau khi thực hiện quyết định nêu trên, ACV đã trở thành “siêu” tổng công ty cổ phần độc quyền khai thác các sân bay nhà nước với số vốn điều lệ hơn 21.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 2,1 tỷ cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, cổ phần Nhà nước nắm giữ 95,4%; các cổ đông khác nắm giữ 4,6%.

 Điều dư luận quan tâm là kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây đã vạch ra hàng loạt sai phạm xảy ra tại ACV số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng việc ACV thu phí ô tô vào sân ga hàng không trái quy định số tiền đã lên đến hơn 550 tỷ đồng.

Được biết, ACV có 3 công ty con, công ty liên kết hoạt động tại khu vực sân bay Nội Bài. Đó là Công ty cổ phần dịch vụ nhiên liệu hàng không Nội Bài (NAFSC) – chuyên cung cấp nhiên liệu máy bay, Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) – chuyên cung cấp các dịch vụ mặt đất, hành khách tại sân bay, và Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa hàng không (ACSV) – chuyên cung cấp các dịch vụ liên quan tới hàng hóa hàng không.

Nhưng theo phản ánh của người lao động, phía sau những doanh nghiệp nêu trên là một hệ thống các công ty con với đường dây sở hữu chằng chịt. Trong đó số đó, có những cá nhân sở hữu cổ phần tại các công ty con nêu trên có liên quan chặt chẽ, quan hệ người nhà với lãnh đạo của chính ACV.

Điển hình là ở Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài cùng Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế góp vốn thành lập Công ty cổ phần logistics hàng không (ALS).

ALS chuyên lo các phần việc thủ tục, vận chuyển hàng hóa hàng không của ACV, với chủ lực là hàng hóa giá trị cao, như là hàng hóa của hãng điện tử Samsung.

Công ty ALS đã góp vốn cùng Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế… thành lập Công ty cổ phần dịch vụ sân bay (ASG), chuyên lo thủ tục các hàng hóa, dịch vụ giá trị cao cho các khách hàng của ACV và sân bay Nội Bài.

Điều “bất thường” là ở các doanh nghiệp “thứ cấp” vừa nêu trên, phần vốn của các công ty con thuộc ACV rất thấp. Phần lớn vốn góp vào những công ty này thuộc về các công ty TNHH hoặc cá nhân.

Cụ thể, tại ALS vốn hiện có của Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài chỉ còn 10,063% vốn điều lệ. Còn đối với Công ty ASG, tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của ALS chỉ chưa tới 5%, trong khi một công ty TNHH và một cá nhân đang nắm giữ gần 78%(?).

Cách phân phối vốn góp nêu trên đã đưa tới kết quả, những phần việc lợi nhuận tốt nhất trong chuỗi dịch vụ hàng không mà ACV đang được độc quyền khai thác đã “rơi” vào tay những doanh nghiệp mà danh nghĩa là ACV, nhưng thực tế lại là của một số cổ đông cá nhân, hoặc doanh nghiệp ngoài ACV.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ,chỉ riêng việc ACV thu phí ô tô vào sân ga hàng không trái quy định đã lên đến hơn 550 tỷ đồng
Theo  kết luận của Thanh tra Chính phủ,chỉ riêng việc ACV thu phí ô tô vào sân ga hàng không trái quy định đã lên đến hơn 550 tỷ đồng

Điều làm cho dư luận bức xúc là những doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với ACV, hoặc công ty con của ACV đang được “ưu ái” chiếm giữ những lợi thế thuê trụ sở, thuê kho ngay trong khu vực sân bay Nội Bài – vốn là những tài sản của nhà nước đầu tư giao cho ACV quản lý và khai thác – là điều mà ngay các doanh nghiệp rất lớn hiện nay cũng không thể “mơ” tới.

Điển hình như hãng Samsung – doanh nghiệp hiện chiếm không dưới 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - cũng đã bị từ chối cho thuê diện tích tại sân bay Nội Bài để tự làm thủ tục hàng không cho hàng hóa của hãng. Samsung hiện vẫn phải thuê dịch vụ của ALS – công ty mà như đã nói ở trên, chỉ có hơn 10% vốn là của công ty con thuộc ACV.

 Theo quy định đối với công ty cổ phần, ai nắm giữ nhiều cổ phiếu người đó sẽ được hưởng nhiều lợi nhuận hơn. Nói cách khác là phần lợi nhuận “béo bở” nhất tại ACV đang  ồ ạt chảy qua các công ty con tới các công ty tư nhân khác.

Nói một cách khác, độc quyền kinh doanh của ACV đã được chuyển hóa thành một dạng biệt đãi cho các công ty sân sau mà các cơ quan chức năng khó có thể phát hiện ra.

Theo phản ánh của người lao động trong ACV, trong những dịch vụ nhỏ của tổng công ty, các nhà cung cấp bên ngoài khó mà chen chân vào được hệ thống những doanh nghiệp thân hữu với người ACV.

Tất nhiên, việc trực tiếp hay gián tiếp sở hữu cổ phần, hay có liên quan tới những cổ đông tại các doanh nghiệp công ty con, cháu, hay thuần túy chỉ mượn danh con, cháu của ACV để thò được chân vào lợi ích dịch vụ hàng không tại ACV mà còn có rất nhiều người thân của lãnh đạo ACV hiện nay đã tình cờ xuất hiện làm cổ đông tại các doanh nghiệp kiểu này.

Kết cấu cổ phần, phương án cổ phần hóa những doanh nghiệp nêu trên, và cụ thể sự liên quan ấy ra sao là điều chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh, phản ánh trong những bài viết sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ