Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu James Stavridis dự đoán trên trang Bloomberg rằng, cuộc xung đột quân sự tiếp theo ở châu Âu sẽ nổ ra ở vùng Baltic, nhưng khi đó, Nga đã không còn ưu thế áp đảo ở khu vực này.
Tác giả lưu ý rằng, với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, toàn bộ Biển Baltic đã trở thành “ao nhà” của Khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngoại trừ các khu vực thuộc đất Nga.
Trong khi đó, Nga chỉ có một lợi thế là nắm giữ một phần bờ biển giữa Litva và Ba Lan do vùng đất kỳ lạ là vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad, được coi như cái dằm nêm giữa lòng NATO.
Stavridis nhấn mạnh, Tổng thống Vladimir Putin còn kiểm soát phần viễn đông của Biển Baltic ở ngoại ô St. Petersburg, vùng đất từng được các Sa hoàng, bắt đầu từ “Peter Đại đế” coi là “cửa sổ nhìn ra thế giới phương Tây”, vùng nước được đặt dưới sự đảm trách của Hạm đội Baltic-Nga.
Nhưng theo vị đô đốc này, ngày nay, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Moscow và NATO, bất kỳ tàu chiến nào của Nga sẽ nhanh chóng và dễ dàng bị chặn ở vùng biển này, bởi xung quanh vùng biển Baltic toàn là các nước NATO.
Ông James Stavridis chỉ ra tầm quan trọng quân sự của Kaliningrad đối với Liên bang Nga, sĩ quan cấp cao của Mỹ đã nghỉ hưu gợi ý rằng, nếu chiến tranh giữa hai bên nổ ra, Liên minh quân sự của NATO nên “vô hiệu hóa” vùng lãnh thổ hải ngoại của Nga ngay từ đầu.
Để làm được điều này, một vấn đề quan trọng hàng đầu là ngay khi phát súng đầu tiên nổ ra, NATO ngay lập tức phải chặt “Hành lang Suwalki” (Suwalki Gap) nằm ở ngã 3 biên giới Ba Lan, Belarus và Lithuania.
Hành lang Suwalki là dải đất hẹp ở ngã ba biên giới Ba Lan-Litva, là con đường bộ duy nhất nối phần lục địa của Nga với vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad, qua Belarus.
Ngược lại, nếu khối này mất quyền kiểm soát “Hành lang Suwalki”, Nga sẽ cắt đứt sự liên hệ giữa các nước NATO ở vùng Baltic với Đông Âu.
Khi đó, Latvia, Lithuania và Estonia sẽ chỉ được kết nối với các nước NATO còn lại bằng đường biển Baltic cũng đầy rẫy chông gai.
Để đạt được mục tiêu này, NATO đang tính đến việc “quân sự hóa” Quần đảo Åland của Phần Lan, đảo Gotland của Thụy Điển và đảo Bornholm của Đan Mạch - những hòn đảo lớn trên biển Baltic, nơi có tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream) của Nga chạy qua.
Theo giới chuyên gia quân sự Nga, NATO đang biến Baltic thành “ao nhà” của mình, đẩy Nga vào Vịnh Phần Lan và ngăn chặn Moscow tiếp cận các vùng biển phía Bắc.