Đam mê là chưa đủ
Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế và khoảng 110 triệu lượt khách nội địa. Với những dấu hiệu khởi sắc trong những tháng đầu năm 2024 cho thấy, du lịch Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu này. Đây cũng là ngành được đánh giá là nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội để tiếp tục phát triển. Chính vì thế, ngành du lịch nói chung và nghề hướng dẫn viên du lịch nói riêng vẫn luôn hấp dẫn với nhiều bạn trẻ năng động.
Được đi nhiều nơi, tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau, công việc nhẹ nhàng, làm thì ít mà chơi thì nhiều là những gì nhiều người thường nghĩ khi nhắc tới nghề hướng dẫn viên du lịch. Thế nhưng, thực tế mỗi nghề đều có những vất vả riêng mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu.
Vừa hạ cánh tại sân bay Nội Bài lúc 19 giờ 30 phút sau chuyến dẫn đoàn khách đi Trung Quốc 9 ngày, anh Nguyễn Việt Hoàng (38 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vội vã trở về nhà nghỉ ngơi để 6 giờ 30 phút hôm sau tiếp tục cuộc hành trình cùng 30 vị khách đi Đài Loan. Theo anh Hoàng, muốn trở thành hướng dẫn viên, trước hết phải có sự đam mê đi du lịch và làm nghề du lịch. Nhưng chỉ đam mê thôi là chưa đủ, vì nghề “làm dâu trăm họ” này còn cần rất nhiều kỹ năng và yếu tố khác.
Để đáp ứng lịch trình công việc dày đặc, di chuyển liên tục, hướng dẫn viên cần đảm bảo một sức khoẻ tốt và không say xe. Anh Nguyễn Thành Trung, hướng dẫn viên du lịch có hơn 10 năm kinh nghiệm tại một công ty lữ hành cho biết, vào các mùa cao điểm du lịch anh và các đồng nghiệp ở công ty gần như không lúc nào có mặt ở nhà quá 2 ngày. Thức khuya, dậy sớm và sinh hoạt không có múi giờ cố định dường như đã trở thành một phần cuộc sống của những người làm nghề. Những bạn trẻ thích tự do và chưa lập gia đình sẽ dễ dàng đáp ứng được yêu cầu công việc hơn bởi đặc thù nghề nghiệp yêu cầu phải toàn tâm toàn lực, hy sinh thời gian của bản thân.
Để có thể trở thành một hướng dẫn viên, giới thiệu hình ảnh, nét đẹp nét văn hóa, cái nhìn đúng đắn về đất nước và con người trên mỗi vùng miền Tổ quốc, cần chuẩn bị rất nhiều kiến thức trước mỗi chuyến đi. Bắt đầu từ việc tiếp nhận tuyến du lịch từ điều hành viên, thông tin về lịch trình, điểm đến, khách hàng... để tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu các nét văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của địa phương. Qua đó, họ sẽ thiết kế hướng dẫn, thuyết minh cho du khách hiểu rõ hơn và có những trải nghiệm thú vị về điểm đến.
Đối với những vùng đất mới, một hướng dẫn viên giỏi cần tìm tòi, khai thác những câu chuyện hay, độc đáo đồng thời biết cách nắm bắt tâm lý, phân loại được đối tượng khách để tạo dựng nội dung hướng dẫn phù hợp, để lại ấn tượng.
Ảnh minh họa ITN. |
“Làm dâu trăm họ”
Có kinh nghiệm gần 10 năm làm trong ngành du lịch, anh Bùi Văn Chuyên (36 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) khẳng định, đây không phải nghề “vừa làm vừa chơi” như nhiều người vẫn nghĩ. Ngoài nền tảng văn hóa vững vàng, khả năng ngoại ngữ tốt thì kiến thức về địa lý, văn hóa lịch sử, kiến thức về các điểm thu hút, lịch sử và phong tục tập quán của địa phương… phải luôn được cập nhật. Bên cạnh đó, người hướng dẫn viên cần có bản lĩnh nghề nghiệp kiên cường để bình tĩnh đối phó với những tình huống phát sinh khi dẫn đoàn.
“Việc dung hoà và dẫn dắt được một đoàn người với độ tuổi, tính cách khác biệt không phải việc dễ dàng. Kỹ năng tổ chức, tính kiên nhẫn, sự hài hước và khả năng giao tiếp hiệu quả với những vị khách đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau đóng vai trò thiết yếu quyết định sự thành bại của chuyến đi. Nhiều khi gặp những khách hàng đòi hỏi vô lý, không chiều theo thì họ bất mãn, mắng mỏ nhưng chúng tôi vẫn luôn phải giữ thái độ chuyên nghiệp. Nếu không khéo léo xử lý, chúng tôi sẽ bị khách hàng phản hồi về công ty”, anh Chuyên cho biết.
Khi được hỏi về những trải nghiệm khó khăn trong những năm tháng làm nghề, anh Chuyên cho rằng, nghề nào cũng có những nỗi vất vả riêng. Làm công việc dẫn đoàn như anh và các đồng nghiệp, mọi người cứ nghĩ rằng được ăn ngon, ngủ trong những khách sạn cao cấp trên thế giới, đi du lịch cả ngày chẳng có gì mà vất vả, thế nhưng thực tế không hẳn vậy. Hướng dẫn viên luôn là người túc trực phục vụ, tất bật chuẩn bị bữa ăn, giấc ngủ cho du khách rồi mới được ăn uống, nghỉ ngơi.
“Tôi nhớ lần đầu tiên dẫn đoàn đi Trung Quốc, trời tháng 5 nắng nóng như đổ lửa mà khẩu vị ẩm thực nước bạn lại là cay, mặn và đồ nhiều dầu mỡ. 7 ngày đó tôi gần như không ăn được gì dù bản thân không phải người khó tính, kén ăn uống, cuối cùng tôi phải dùng mì tôm thay bữa. Do ăn uống thất thường, chịu nhiều áp lực nên đa số người làm nghề này đều mắc bệnh dạ dày”, anh Chuyên chia sẻ.
Ngoài công việc hướng dẫn du khách, hướng dẫn viên còn đóng vai trò là người theo dõi và đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ của các đối tác như nhà hàng, khách sạn để mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách cũng như xây dựng mối quan hệ tốt với đối tác. Ngoài ra, họ còn phải giải quyết các vấn đề phát sinh xuyên suốt chuyến du lịch nhằm đảm bảo chất lượng chuyến đi được trọn vẹn nhất.
Tuy vất vả là thế, nhưng anh Chuyên chưa từng cảm thấy chán nản hay muốn chuyển nghề. Anh chia sẻ, thời điểm dịch bệnh bùng phát ngành du lịch trì trệ do những khó khăn trong việc xuất nhập cảnh, bản thân anh Chuyên cũng phải “bó chân” ở nhà.
“Khi đó mới thấy trân trọng những tháng ngày được rong ruổi, chu du khám phá những miền đất mới, gặp gỡ và giao lưu với mọi người. Tuy đôi lúc sẽ phải đối mặt với một vài vị khách khó chiều, gặp phải những tình huống bất ngờ khó xử lý… thế nhưng tôi chưa bao giờ hối hận khi gắn bó với nghề này”, anh Chuyên chia sẻ.