HGS và những pha “đánh võng” với đặc quyền của ACV

GD&TĐ - Khai thác các dịch vụ có yêu cầu rất cao về an ninh và chất lượng như sân bay là một loại hình kinh doanh đặc thù. Do đó, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể được vào kinh doanh trong sân bay. Và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã sử dụng lợi thế này để biến các dịch vụ trong sân bay thành thứ đặc quyền dành cho chuỗi quan hệ thân hữu của mình. Điển hình như ở Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS).

Hoạt động dịch vụ của Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) tại sân bay Nội Bài.
Hoạt động dịch vụ của Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) tại sân bay Nội Bài.

Thành lập HGS để... bán

Năm 2017, ACV cho biết muốn thoái 20% cổ phần vốn điều lệ đang nắm giữ tại Công ty cổ phần phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS). Đề nghị này đã chuyển hóa thành tờ trình và được Bộ GTVT đồng ý để thoái vốn toàn bộ số cổ phần tương ứng 20% vốn điều lệ hiện đang nắm giữ tại HGS.

Cụ thể, Bộ GTVT đồng ý để ACV chỉ đạo chào bán số cổ phần trên cho cổ đông sáng lập của HGS theo phương thức chào bán là bán đấu giá (trong trường hợp có trên 2 cổ đông sáng lập đăng ký mua cổ phần), hoặc bán thỏa thuận (trong trường hợp chỉ có 1 cổ đông sáng lập đăng ký mua cổ phần).

ACV cũng được yêu cầu thực hiện bán đấu giá công khai số cổ phần trên cho các nhà đầu tư khác không phải là cổ đông sáng lập (nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông của HGS)

“Giá khởi điểm chào bán cổ phần sẽ được xác định thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá” – Bộ GTVT yêu cầu.

Điều làm cho dư luận không khỏi thắc mắc là cho đến thời điểm ACV đề nghị thoái vốn tại HGS, doanh nghiệp này mới chỉ được thành lập trước đó 2 năm(?). Cụ thể, HGS được thành lập ngày 2/4/2015 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng, bởi 4 cổ đông pháp nhân. Trong đó, ACV chỉ nắm 20% vốn điều lệ, 80% còn lại được nắm bởi 3 cổ đồng pháp nhân khác.

Được biết, HGS hiện đang cung cấp và nắm khoảng 30% thị phần dịch vụ mặt đất tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài, với khoảng 350 – 400 tỷ đồng doanh thu mỗi năm.

Con số doanh thu nêu trên chưa phản ánh được nhiều về tiềm năng thực sự của HGS, bởi doanh nghiệp này nắm trong tay các hợp đồng cung cấp dịch vụ với các hãng bay hàng đầu thế giới như Emirates, Turkish Airlines, Malindo Airlines, Hainam Airlines…

Điều mà dư luận quan tâm là trước đó, ACV đã đề nghị được bán số cổ phần nắm giữ tại HGS cho Công ty cổ phần mặt đất Sài Gòn – doanh nghiệp đang do ACV nắm 48% vốn điều lệ theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.

Ai đang nắm giữ và chi phối HGS ?

Trong số 3 cổ đông sáng lập của HGS, đầu tiên phải nhắc tới Cty CP Cung cấp thiết bị và dịch vụ bảo dưỡng hàng không là cổ đông lớn nhất, nắm 30% vốn điều lệ HGS. Công ty này do Công ty TNHH Danh Minh và ông Nguyễn Tuấn Anh nắm 80% vốn điều lệ. Trong đó, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của HGS. Nói cách khác, Chủ tịch HĐQT của HGS chính là người sẽ được mua cổ phần HGS với số lượng lớn nhất theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Cổ đông thứ 2 tại HGS là Cty TNHH TM và DV ATS Việt Nam, đây là doanh nghiệp thành lập tháng 3/2011, đã thay đổi ĐKKD 5 lần, với sự xuất hiện của các cổ đông chính với 2 cái tên đáng chú ý. Gồm ông Vũ Thanh Sơn và ông Bùi Huy Đức – hai cá nhân này đều “xuất hiện” trong một số doanh nghiệp cổ phần có quan hệ chặt chẽ với ACV.

Cổ đông thứ 3 tại HGS là Cty CP đầu tư thương mại và dịch vụ hàng không Thủ Đô, đây là doanh nghiệp có liên quan cổ đông tới Xí nghiệp xăng dầu hàng không miền Bắc do ông Nguyễn Văn Hữu làm giám đốc.

Từ đề xuất thoái vốn tại HGS có thể thấy, là ngay từ khi thành lập doanh nghiệp, ACV đã chủ động chỉ nắm 20% vốn điều lệ của HGS. Và lập tức sau khi được thành lập, HGS đã được ACV tạo điều kiện để doanh nghiệp này nắm được tới 30% thị phần dịch vụ tại sân bay Nội Bài.

Chưa đầy 2 năm sau đó, ACV rút vốn khỏi HGS, hoàn thành thương vụ hỗ trợ HGS lọt vào thị trường dịch vụ hàng không có nhiều đặc quyền tại sân bay Nội Bài.

Qua diễn biến nêu trên cho thấy, việc tham gia và sau đó là thoái vốn tại HGS của ACV chỉ như nhằm mục đích hỗ trợ cho các cổ đông của HGS tiến vào và nắm được thị phần dịch vụ lớn nhất tại sân bay Nội Bài.

Được biết, cách làm nêu trên cũng xuất hiện ở Công ty CP dịch vụ hàng hóa hàng không (ACSV) – doanh nghiệp cũng mới thành lập năm 2011 và hiện nắm khoảng 40-45% thị phần dịch vụ tại sân bay Nội Bài. Diễn biến nêu trên cũng đang xảy ra tại Công ty CP phục vụ mặt đất Sài Gòn, doanh nghiệp hiện nắm thị phần dịch vụ khá lớn tại sân bay Tân Sơn Nhất… và nhiều doanh nghiệp khác.

Đáng lưu ý, những cổ đông tại các doanh nghiệp góp vốn vào công ty liên kết với ACV đều có liên quan tới một số lãnh đạo của chính Tổng công ty này. Đó là những vấn đề chúng tôi sẽ làm rõ trong bài viết tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ