Chiều 5/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ GTVT, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, hiện nay, các nhà sản xuất hệ thống phát hiện vật thể lạ ở sân bay trên thế giới không có nhiều - chỉ có 3 nhà sản xuất, theo VOV.
“Cục Hàng không đã nhận được 3 báo giá của các nhà sản xuất nước ngoài và báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải. Đây mới là giá chào hàng ở giai đoạn xin chủ trương đầu tư mà không phải giá quyết định để đầu tư,” ông Thanh nói.
Hệ thống cảnh báo thiết bị phát hiện chim được ưu tiên mua của nước ngoài.
Cục trưởng Thanh khẳng định, mức giá các nhà cung cấp đưa ra cần phải được thẩm định, kiểm chứng theo đúng pháp luật đầu tư. Sau đó, sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu.
Trả lời câu hỏi về việc nhiều chuyên gia cho rằng chỉ cần 500 tỷ đồng là có thể thực hiện dự án trên bởi các nhà khoa học tại Việt Nam, phía Cục Hàng không cho hay đang phối hợp với các nhà khoa học trong nước để nghiên cứu hệ thống phát hiện vật thể lạ. Các nhà khoa học cũng cho rằng không quá khó để sản xuất loại thiết bị trên.
Ông Thanh khẳng định nếu các nhà khoa học trong nước có thể sản xuất được, Cục Hàng không sẽ lắp đặt thử nghiệm ở một đường băng.
Về giá thành để sản xuất hệ thống cảnh báo phát hiện vật thể lạ trên đường băng do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, ông Lại Xuân Thanh nói: “Chưa chắc chắn rẻ hơn 50% giá các nhà sản xuất trên thế giới chào hàng, nhưng chắc sẽ giảm hơn so với báo giá của 3 nhà sản xuất quốc tế”.
Hiện nay, Cục Hàng không đang tích cực đi theo hướng sử dụng hệ thống sản xuất trong nước. Trong trường hợp thử nghiệm thành công sẽ cho phép nhà sản xuất trong nước tham gia đầu thấu. Trường hợp chưa có sản phẩm sản xuất trong nước thì bắt buộc sẽ đấu thầu quốc tế một cách bình đẳng.
Cục trưởng Hàng không cho rằng việc sản xuất đưa vào khai thác sẽ tốn thời gian nên về mặt chủ trương, nên trong trường hợp chưa có nhà sản xuất trong nước thì Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nghiên cứu, triển khai tham gia đấu thầu quốc tế, khi nội địa làm được sẽ tiến hành đấu thầu bình đẳng.
Ông Thanh cho biết hệ thống phát hiện vật thể lạ, xua đuổi chim trên đường băng, sân bay đã có chủ trương thực hiện từ lâu. Hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài cần có hệ thống trên để đảm bảo an toàn hàng không. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật để thay thế cho nguồn nhân lực hiện cứ phải thay nhau kiểm tra là cần thiết.
Cuối tháng 3/2017, Cục Hàng không Việt Nam đã tái đề xuất Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án hệ thống phát hiện vật thể lạ với mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng theo hình thức xã hội hóa. Dự án có mục tiêu hạn chế và loại bỏ các sự cố gây nguy hiểm trên đường cất, hạ cánh do vật thể lạ, chim, động vật hoang dã xâm nhập. Hệ thống dự kiến triển khai tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Cục trưởng Trịnh Xuân Thanh trả lời báo chí.
Phần lớn những vụ chim va vào máy bay trong khoảng 3 năm trở lại đây xảy ra ở các sân bay nằm gần rừng núi. Trong thống kê của Cục Hàng không Việt Nam năm 2014 chẳng hạn, có hơn 30 sự cố chim va vào máy bay, phần lớn tại các sân bay Buôn Ma Thuột, Vinh, Đà Lạt, Pleiku, Đà Nẵng, Rạch Giá...
Trước đó, TS. Nguyễn Thiện Tống, Chủ tịch Chi hội khoa học công nghệ hàng không thuộc Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM (Hascon), cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất nằm trong thành phố, ít có chim lớn xâm nhập sân bay, còn các loại chim nhỏ khó uy hiếp an toàn đối với máy bay tầm trung.
Chưa kể sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã có hệ thống tường rào và lưới thép mắt nhỏ, cộng với lực lượng bảo vệ để ngăn các loài động vật xâm nhập vào sân bay. Do vậy, các sự cố uy hiếp an toàn bay do vật thể lạ ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài không nhiều.