Thậm chí, đã có ca tử vong do uống nhầm cồn chỉ dùng cho tẩy rửa.
Ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc
Thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tất cả các bệnh nhân nhập viện nói trên đều có kết quả xét nghiệm nồng độ methanol trong máu rất cao. Trong khi thực tế, methanol là chất hóa học, chỉ dùng làm cồn công nghiệp. Một lượng rất nhỏ methanol cũng gây ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe.
Vừa qua, các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn M. (49 tuổi, trú tại Thái Bình). Bệnh nhân được chuyển từ tuyến dưới trong tình trạng hôn mê vì ngộ độc rượu.
Theo người nhà bệnh nhân, sau buổi liên hoan tại công ty vào ngày mùng 6 Tết, anh M. có uống nhiều rượu. Trên đường về, anh M. ngã xe, xây xước nhẹ, không va đập đầu, nhưng mắt tối sầm.
Sáng hôm sau, anh M. mệt nhiều, đau đầu, đau bụng, đi lại khó khăn và được người nhà đưa vào Bệnh viện tỉnh Thái Bình cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, bệnh nhân thở máy nội khí quản, lọc máu, dùng thuốc giải độc và các loại thuốc hỗ trợ khác… Tuy nhiên, hiện bệnh nhân vẫn hôn mê. Kết quả xét nghiệm loại rượu bệnh nhân uống cho thấy, có tới 58% là methanol - tức là cồn công nghiệp. Chỉ có 1% là ethanol - cồn sinh học trong rượu thông thường.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 52 tuổi. Do nghiện rượu nên bệnh nhân thường giấu gia đình ra hiệu thuốc mua cồn y tế để uống. Cách đây 3 ngày, bệnh nhân bất ngờ thấy mắt tối sầm, gần như mù.
Sau khi đi khám mắt, bệnh nhân được chuyển vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol tới mức phải lọc máu cấp cứu.
Rất nhiều bệnh nhân nghiện rượu đã rơi vào tình trạng tương tự bởi dùng cồn y tế để uống, nhưng mua phải loại không rõ nguồn gốc. Hàng loạt chai cồn mà các bệnh nhân mang đến xét nghiệm đều chứa methanol, tức là làm từ cồn công nghiệp, chứ không phải cồn sát trùng ethanol.
Một trường hợp khác là bệnh nhân ở Vĩnh Phúc, bị tổn thương não nặng, tử vong do uống cồn. Mặc dù trên nhãn mác ghi công dụng là để tẩy rửa nhưng hình thức, nhãn mác lại giống hệt chai cồn y tế và được bán tại hiệu thuốc.
Chỉ 10% lượng cồn được đào thải
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, dịp Tết là thời gian để tụ họp với bạn bè và người thân. Rượu bia, đồ uống có cồn là một phần không thể thiếu trong các bữa tiệc. Tuy nhiên, chúng cũng có thể dẫn tới tình trạng sức khỏe nguy hiểm.
“Rượu bia là những thức uống có cồn. Khi uống rượu bia, chất cồn được hấp thụ nhanh chóng vào máu qua niêm mạc dạ dày và ruột. Chỉ 10% lượng cồn đào thải qua đường mồ hôi, hơi thở, nước tiểu. 90% còn lại đi thẳng qua gan, khiến gan nhiễm độc nặng nề. Từ đó, gây hại cho cơ thể”, ông giải thích.
Nếu uống rượu bia với tần suất dày đặc, lượng cồn được đưa vào cơ thể liên tục, sẽ gây tổn thương gan nặng nề. Gan tích tụ những lượng cồn chưa đào thải kịp, khiến cơ thể bị ngộ độc rượu.
Chức năng gan suy giảm kéo theo gan nhiễm mỡ, giảm sức đề kháng, viêm gan. Đặc biệt, những người thường xuyên sử dụng rượu bia thì trên nền gan đã tổn thương, nếu thêm tần suất nạp cồn vào cơ thể liên tục, sẽ dẫn tới hậu quả có thể là ngộ độc cấp hoặc tử vong, hay về lâu dài sẽ bị xơ gan, ung thư gan.
“Đặc biệt, chất cồn và các độc tố khác từ rượu bia sẽ kích hoạt tế bào Kupffer của gan, gây sản sinh quá mức các chất gây viêm như Interleukin, TGF-β, TNF-α,... tấn công tế bào gan, khiến chúng tổn thương và chết nhanh chóng. Nghiên cứu cho thấy, mức độ tàn phá gan của các chất gây viêm do tế bào Kupffer tiết ra nặng nề hơn nhiều so với độc chất từ rượu bia”, PGS Nga cảnh báo.
Theo chuyên gia này, nhiệm vụ chính của gan là giải độc cho cơ thể. Tuy nhiên, khi tế bào gan bị hư tổn và chết nhiều, gan sẽ suy giảm khả năng giải độc. Các độc tố ứ đọng trong gan ngày một nhiều càng làm gan nhiễm độc nặng nề. Tình trạng nhiễm độc sẽ tăng dần và ảnh hưởng trên diện rộng. Từ đó, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm tại gan, cũng như toàn cơ thể.
“Cách tốt nhất để ngừa ngộ độc rượu là không uống hoặc hạn chế. Kiểm soát bản thân và người uống cùng. Nên từ chối dứt khoát khi bị ép uống rượu bằng các lý do chính đáng như phải lái xe, huyết áp cao hay đang có bệnh phải uống thuốc và kiêng rượu...”, PGS Nga khuyến cáo.
Ngoài ra, người dân có thể ngăn ngừa ngộ độc rượu bằng một số biện pháp như tránh chơi trò thách đố uống rượu, uống nước sau mỗi lần uống rượu, không trộn lẫn rượu và thuốc.
Cụ thể, không được uống rượu khi đang điều trị thuốc kê toa. Đồng thời, cần lưu ý nên ăn trước khi uống rượu. Tránh uống rượu khi chưa biết nguồn gốc xuất xứ và thành phần. Không nên pha rượu với nước ngọt, hay bất cứ thứ gì.
Người dân cũng cần cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống. Nên uống từ từ, kết hợp vừa ăn vừa uống, uống xen kẽ với nước lọc. Uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Sau khi uống, không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.