Gia tăng các ca ngộ độc, bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không uống loại rượu này

GD&TĐ - Các chuyên gia cảnh báo, vào dịp Tết, việc sử dụng rượu trong sinh hoạt ăn uống hằng ngày của người dân có chiều hướng tăng đáng báo động.

Nếu lạm dụng, ngay cả rượu truyền thống ethanol cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong.
Nếu lạm dụng, ngay cả rượu truyền thống ethanol cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong.

Đồng thời, gây ra những hệ lụy tổn hại về mặt sức khỏe, tâm thần, tính mạng, trật tự xã hội, tai nạn giao thông…

Methanol chuyển hóa thành axit gây độc

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận gần 20 trường hợp ngộ độc rượu. Trong đó, có 2 trường hợp tử vong trước khi vào viện. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thiện - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, ngộ độc rượu có hai loại là ethanol và methanol.

Đa số các trường hợp là ngộ độc ethanol. Với một số trường hợp ngộ độc do methanol trong rượu, đây là loại rượu bán trôi nổi trên thị trường. Methanol là dung môi được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp như pha sơn, lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, mực máy in…

Ngộ độc rượu có pha methanol nặng và nguy hiểm hơn rất nhiều so với ethanol. Sau một vài giờ uống rượu có methanol, chất này sẽ đi vào cơ thể chuyển hóa nhanh thành các axit gây độc cho tất cả các tế bào, đặc biệt là não, gan và thị giác.

Người bệnh có biểu hiện đau bụng dữ dội, đau đầu, chóng mặt, nôn, hạ thân nhiệt, khó thở, giảm hoặc mất thị lực. Nặng hơn có biểu hiện suy hô hấp, suy tuần hoàn rất nhanh.

Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng. Những trường hợp người bệnh được cấp cứu cũng có thể phải chịu di chứng nặng nề ở não, mắt, gan, thận…

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên tiết chế, điều độ khi uống rượu. Tuyệt đối không sử dụng rượu có pha cồn công nghiệp, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Khi thấy có biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, người dân cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Rượu tạo cảm giác no giả

Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo: Tuyệt đối không uống rượu pha bằng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng methanol. Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, không có nguồn gốc, không công bố tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: Điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên uống rượu. Trẻ em dưới 18 tuổi không uống rượu bia. Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, quá 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá năm ngày trong một tuần.

Vừa qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc rượu trong tình trạng hôn mê sâu, xuất huyết tiêu hóa, xơ gan… Điển hình, nam thanh niên N.T.H. (25 tuổi, quê ở Tuyên Quang) sau cuộc nhậu liên hoan cuối năm cùng bạn bè đã rơi vào trạng thái lơ mơ.

Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng nặng. Nam thanh niên này uống rượu trong lúc đói, về nhà ngủ li bì bỏ bữa. Gia đình tưởng bệnh nhân ngủ say không đánh thức. Đến khi phát hiện bất thường, đưa vào viện thì bệnh nhân gần như rơi vào hôn mê, tổn thương não.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, nhiều trường hợp đến viện trong tình trạng đường máu gần như bằng 0 và tổn thương não, thậm chí mất não và tử vong.

Khi uống rượu tạo cảm giác no giả. Do đó, nhiều người uống mà không ăn, khiến bị hạ đường huyết. Uống quá nhiều rượu còn gây ra các bệnh như: Viêm tụy cấp, suy gan, cơ tim giãn, teo não, rối loạn tâm thần, thiếu máu, suy tủy...

“Đặc biệt, người uống phải rượu pha cồn công nghiệp còn nguy hiểm đến tính mạng. Nếu uống phải rượu và cồn sát trùng rởm, lúc đầu say như uống rượu thông thường. Tuy nhiên, 1 - 2 ngày sau mới mờ mắt, hỏng não thì đã quá muộn. Không chỉ rượu methanol mà ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong”, TS Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo.

Theo Cục Y tế Dự phòng, ngộ độc rượu được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Mức độ nhẹ là không kiềm chế được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững.

Mức độ nặng là bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá mức đáp ứng của cơ thể, kể cả với những sản phẩm đã được xác nhận an toàn thực phẩm.

Nguy cơ càng tăng với hậu quả khó lường nếu dùng phải rượu giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu ngâm lá, rễ, cây, động vật có chứa độc tố tự nhiên, đặc biệt khi sử dụng rượu có chứa nhiều methanol.

Chất methanol có trong cồn công nghiệp. Loại cồn này được pha với mục đích tăng nồng độ của rượu, sản xuất rượu nhanh và giảm giá thành. Đây là một chất cực độc. Khi vào cơ thể, chất này sẽ chuyển hóa thành các axit gây tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và dẫn đến tử vong.

Uống rượu thời gian dài sẽ dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, rối loạn tiêu hóa do tổn thương gan và ruột. Đặc biệt, gây thoái hóa, xơ gan dẫn tới ung thư gan.

Uống rượu còn gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ ở những người có huyết áp cao. Ngoài ra, uống rượu gây mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần. Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gặp tác hại như sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của trẻ, ngộ độc thai nhi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.