Bệnh vảy nến có điều trị dứt điểm được không?

GD&TĐ - Bong da tróc vảy là biểu hiện điển hình của bệnh vảy nến (psoriasis) - một bệnh ngoài da, mạn tính không lây.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Tuy bệnh không gây chết người nhưng lại mất tính thẩm mỹ rất cao. Do đó, những ai không may mắc bệnh thường mặc cảm, hạn chế tiếp xúc và thậm chí xa lánh cộng đồng.

Sần sùi, phủ vảy

Thời cổ La Mã, nhà khoa học nổi tiếng Aurelius Cornelius Celsus (25 BC-AD 50) đã mô tả bệnh này lần đầu tiên. Đến năm 1813, bác sĩ chuyên về da liễu người Anh là Thomas Bateman đề cập đến mối “quan hệ” có thể có giữa các triệu chứng viêm khớp và bệnh vảy nến.

Ở người bình thường, các tế bào da được thay thế sau mỗi 3 - 4 tuần, nhưng ở bệnh vảy nến quá trình này chỉ mất 3 - 7 ngày. Sự gia tăng sản xuất tế bào da và sự tích tụ tế bào da bị thay thế tạo thành các mảng sần sùi phủ vảy, rồi bong tróc.

Bệnh vảy nến có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tập trung đông nhất ở 2 nhóm: 20 - 30 tuổi và 50 - 60 tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh của hai giới tương đương nhau. Bệnh được cho là có tính di truyền với khoảng 1/3 số người mắc bệnh có tiền sử gia đình mắc cùng bệnh này, ở các cặp sinh đôi cùng trứng, tỉ lệ mắc lên đến 70%.

Nguyên nhân gây bệnh là do sự trục trặc về hệ thống miễn dịch nên các tế bào da bị tấn công nhầm lẫn và tạo ra “thảm họa” tăng sinh, bong tróc.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn thấy có những nguyên nhân khác cũng gây ra bệnh như chấn thương da, nhiễm trùng cổ họng và sử dụng một số loại thuốc điều trị.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm: Người châu Ấu dễ mắc bệnh hơn người châu Á, người béo phì, rối loạn tim mạch, rồi loạn chuyển hóa (như đái tháo đường), người mắc các bệnh đường tiêu hóa như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn (một bệnh viêm ruột mạn tính chưa rõ nguyên nhân) cũng có nguy cơ mắc bệnh vảy nến cao hơn.

Vảy nến là bệnh ngoài da, đa số bị tại các mảng da nhỏ. Ban đầu ở dạng phát ban màu hồng hoặc đỏ và ngứa, đôi khi gây đau. Sau đó da khô, bong thành vảy nhỏ màu trắng bạc hoặc xám. Các vị trí tổn thương da thường gặp là đầu gối, khủy tay, đầu và phần dưới của lưng.

Người mắc bệnh vảy nến giai đoạn đầu có thể không thấy có biểu hiện nào đáng lưu ý hoặc dấu hiệu rất tế nhị, nhẹ nhàng và thường bị bỏ qua. Bệnh tiến triển lâu ngày sẽ xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng hơn làm cho người bệnh thực sự lo lắng. Sau đây là các biểu hiện thường gặp:

- Ban da loang lổ với nhiều hình dạng khác nhau. Từ những nốt vảy nhỏ giống như gàu đến những nốt ban rất lớn, thậm chí phủ khắp cơ thể người bệnh.

- Ban da màu đỏ, hồng, vảy bạc ở người da trắng và màu tím hoặc nâu sẫm, vảy xám ở người có màu da nâu hoặc da đen.

- Da khô, nứt nẻ, ngứa rát, đau nhức và có thể chảy máu. Trẻ em thường gặp các đốm vảy nhỏ.

- Bệnh phát ban theo chu kỳ, sau vài tuần hoặc vài tháng bùng phát, các biểu hiện bệnh sẽ tự giảm dần.

Các biến chứng của bệnh vảy nến: Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở người trẻ tuổi, tăng nguy cơ viêm khớp vảy nến (chiếm 30% người bệnh), tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp đến 58%. Ngoài ra, còn gia tăng nguy cơ mắc các bệnh: U lympho, bệnh Crohn, trầm cảm...

Hướng điều trị

Minh họa/INT.

Minh họa/INT.

Vảy nến là một bệnh mạn tính, lại có liên quan đến yếu tố tự miễn, nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác nên việc điều trị cho đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tuy có nhiều loại thuốc mới điều trị bệnh vảy nến ra đời và tỏ ra có hiệu quả tốt trong việc làm giảm các biểu hiện của bệnh và đặc biệt là hạn chế các biến chứng do bệnh gây ra. Tuy nhiên giá thành của thuốc vẫn còn rất cao nên khó được sử dụng một cách rộng rãi.

Nói chung, người mắc bệnh vảy nến cần được điều trị, chăm sóc và theo dõi lâu dài. Mục tiêu điều trị hướng đến việc cải thiện tình trạng bệnh lý giảm thiểu tối đa triệu chứng và hạn chế biến chứng giúp người bệnh có một cuộc sống thoải mái gần như bình thường.

Sau đây là một số phương pháp điều trị phổ biến thường được các bác sĩ chuyên ngành da liễu kê đơn:

- Thuốc bôi da: Gồm các loại thuốc mỡ, kem bôi (chứa corticoide hoặc thành phần dưỡng chất tương tự như vitamine D).

- Liệu pháp quang học: Chiếu tia cực tím vào vùng da bị thương tổn.

- Liệu pháp toàn thân: Dùng thuốc uống hoặc thuốc tiêm cho những trường hợp bệnh nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ.

Hiện nay, nhiều nước có nền y học tiên tiến đang sử dụng ngày càng nhiều loại thuốc sinh học (là các protein làm gián đoạn quá trình miễn dịch liên quan đến bệnh vảy nến). Các thuốc sinh học này đã được chứng minh sự an toàn, hiệu quả tốt và có thể sử dụng lâu dài.

Trong chăm sóc hỗ trợ, gần đây có nhiều báo cáo cho thấy người bệnh mắc bệnh vảy nến khi sử dụng nguồn nước uống và tắm rửa bằng loại nước được làm giàu khí hydro thì các biểu hiện của vùng da thương tổn được cải thiện một cách đáng kể đến bất ngờ.

* Cách phòng bệnh: Rèn luyện thân thể khỏe mạnh nhằm tăng cường sức đề kháng, hạn chế nhiễm trùng và chấn thương gây bất ổn cho hệ thống miễn dịch. Những người có yếu tố nguy cơ cao cần khám sức khỏe định kỳ phát hiện sớm bệnh vảy nến để điều trị và kiểm soát có hiệu quả. Người mắc bệnh vảy nến cũng đừng quá lo lắng sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho tình trạng sức khỏe.

Cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của các bác sĩ chuyên khoa, thường xuyên vệ sinh thân thể sạch sẽ, vùng da thương tổn tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, không uống nhiều rượu bia, tránh nghiện thuốc lá, không ăn quá cay, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, ăn nhiều trái cây và rau xanh. Các loại thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh vảy nến là cá hồi, cá trích, cá thu, dầu ô liu nguyên chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.